Mức tăng trưởng GDP quý I/2023 phản ánh đúng thực tiễn và khả năng của nền kinh tế

Với con số tăng trưởng GDP 3,32% trong quý I/2023, mục tiêu tăng 6,5% GDP cả năm 2023 là thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Sputnik
3 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động của nhiều biến động phức tạp, bất ổn định và khó lường, lạm phát toàn vẫn ở mức cao. Cộng thêm những yếu tố như sự phục hồi chậm, sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam; giá năng lượng thế giới cao; Chiến sự quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina vẫn tiếp tục… đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đã đạt được những kết quả tích cực: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, theo đánh giá chung, GDP cả nước với mức tăng trưởng 3,32% trong quý I là thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra, mức này chỉ cao hơn năm 2020 - năm bùng phát đại dịch Covid-19 và là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2023.
Những nguyên nhân nào đã dẫn tới kết quả như vậy? Và bức tranh kinh tế Việt Nam trong các quý tiếp theo sẽ như thế nào?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Sputnik, Tiến sỹ kinh tế - tài chính Lê Hòa đã đưa ra những đánh giá và bình luận về các vấn đề này.
Mức tăng trưởng GDP trong quý I/2023 là ở “mức khá” trên thế giới và khu vực.
Sputnik: Thưa Tiến sỹ Lê Hòa, theo đánh giá của ông, mức tăng trưởng GDP trong quý 1/2023 thấp, không đạt kỳ vọng là do đâu?
Ông Lê Hòa, Tiến sỹ kinh tế - tài chính:
Giới quản lý và chuyên gia quan tâm với điểm này, điều này dễ hiểu, vì đã có kỳ vọng lớn hơn. Có điều, cần phải nhận thức một hiện thực là: Mức tăng trưởng này phản ánh đúng thực tiễn và khả năng của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới hiện nay. Một điểm nữa là tốc độ tăng trưởng GDP quý I là ở “mức khá” trên thế giới và khu vực.
Khi nói đến các tác động, không nên bỏ qua yếu tố rất quan trọng là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Do vậy, những yếu tố như lạm phát trên thế giới tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tác động từ thắt chặt chính sách tiền tệ, nhu cầu toàn cầu giảm sút mạnh… đã tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam thăng hạng trên bản đồ thế giới: “Con rồng” trỗi dậy
Theo Tổng cục Thống kê, quý 1/2023, Việt Nam có 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 4.740 tỷ đồng/phiên, giảm 38,3%.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ trong quý 1/2023, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn nhập khẩu hàng hóa quý 1 ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Những con số này phản ánh thực trạng sản xuất và kinh doanh trong nước.
Việt Nam đã và tiếp tục phải đối phó với những thách thức, khó khăn lớn của nền kinh tế. Đó là sự sụt giảm của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đối với các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu.

Mục tiêu tăng 6,5% GDP cả năm nay là thách thức lớn

Sputnik: Ông có dự báo gì cho bức tranh kinh tế của Việt Nam trong quý 2 và năm 2023?
Ông Lê Hòa, Tiến sỹ kinh tế - tài chính:
Với con số tăng trưởng 3,32% của quý I, mục tiêu tăng 6,5% GDP cả năm nay là thách thức lớn. Theo Tổng cục Thống kê, trong các quý còn lại của năm 2023 cần đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,5%. Trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại và những biến động của kinh tế thế giới thì đây là một bài toán khó.
Nhưng, Việt Nam có những ưu thế như sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm. Bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là yếu tố mang tính nền tảng để kiểm soát mọi thứ và thúc đẩy tăng trưởng.
Cộng thêm, lãi suất vẫn đang tiếp tục hạ nhiệt để hỗ trợ doanh nghiệp và sản xuất. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có tới gần 76% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cho biết rằng, tình hình kinh doanh của họ sẽ ổn định hoặc tốt hơn trong quý II năm nay. Có nghĩa là, tình hình là khả quan.
Trong quý 1/2023, Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Đây cũng là động lực cho nền kinh tế và cần duy trì nó, song song cần có những giải pháp kích thích tiêu dùng trong nước.
Một lĩnh vực nữa Việt Nam cũng đang tập trung giải quyết, đó là đầu tư công và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, cho các doanh nghiệp.
Chính phủ Việt Nam hiện đang chú trọng 2 chính sách trọng tâm trong điều hành là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Với chính sách tiền tệ sáng suốt và hợp lý, nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn từ những yếu tố toàn cầu và có đủ nguồn lực để phát triển.
Sputnik: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Thảo luận