Gặp người đầu tiên nhận tin miền Nam giải phóng
HÀ NỘI (Sputnik) - 48 năm đã trôi qua, nhưng ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vẫn nhớ như in khoảnh khắc phía bên kia đầu dây điện thoại thông báo miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông về một mối.
SputnikÔng Nguyễn Túc Là người có thâm niên công tác Mặt trận lâu nhất hiện nay khi trải qua 10 đời Chủ tịch UBTƯ
MTTQ Việt Nam. Từ thời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến nay, ông Nguyễn Túc có gần 16 năm đảm nhiệm trọng trách Ủy viên Thư ký, rồi Ủy viên Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, 30 năm tham gia là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Đến nay, ở tuổi 87, ông Nguyễn Túc vẫn gắn mình với công tác Mặt trận trong vai trò Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - xã hội.
Giây phút vỡ oà hạnh phúc
Chia sẻ với Sputnik, vào tháng 4/1975, ông Túc đang là thư ký của ông Hoàng Quốc Việt (khi ấy là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao). Bữa trưa hôm đó bị gián đoạn bằng cuộc gọi lịch sử. Ông Túc tâm sự:
“Tôi chạy sang thì bên kia đầu điện thoại có một anh, cách nói rất lính, hỏi “Đồng chí là ai?”. Tôi trả lời "Tôi là Túc, thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt". Cậu ấy xưng “Tôi là Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy Giải phóng miền Nam. Đồng chí Đại tướng yêu cầu đồng chí phải báo cáo ngay với đồng chí Hoàng Quốc Việt, kẻo 11:30 trưa nay đã giải phóng miền Nam. Chúng ta đã chiếm được Phủ Tổng thống".
Giây phút ấy, ông Túc lặng người không tin vào tai mình nữa. Nhưng với nghiệp vụ vững vàng, ông Túc yêu cầu người Bí thư đọc thật chậm để ông ghi lại. Đoạn thông báo viết:
“Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp yêu cầu đồng chí báo cáo với đồng chí Hoàng Quốc Việt rằng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của chúng ta đã toàn thắng.11:30 hôm nay, chúng ta đã chiếm được Phủ Tổng thống. Hết".
Thông tin quá bất ngờ làm tất cả mọi người đều vỡ oà trong niềm vui sướng, mọi người trong tổ thư ký khi đó đều muốn hô vang thật to như hét lên.
“Tôi vừa chạy sang báo anh em thì lúc ấy không ai ăn được nữa, chạy lên báo Thủ trưởng vì chuyện đến quá bất ngờ. Thủ trưởng thấy mừng quá, lấy chai rượu gấc, rót cho các đồng chí khác uống mừng. Bữa cơm trưa "liên hoan” hôm đó quá vui, không có lời nào mô tả được", ông Túc bồi hồi kể lại.
Chiến thắng của toàn dân, toàn quân
Ông Nguyễn Túc kể rằng, theo chương trình, buổi chiều hôm đó (30/4/1975) sẽ diễn ra mít tinh chào mừng ngày Quốc tế lao động 1/5/1975. Tuy nhiên, ngay buổi chiều hôm đó,
Bộ Chính trị đã Quyết định mít tinh được dời sang sáng hôm sau (1/5/1975).
Bài diễn văn được ông Túc viết cách đây đúng một tuần, đã được tập thể Ban thư ký Tổng công đoàn góp ý và lãnh đạo cấp trên thông qua. Mạch văn vẫn là “thừa thắng xông lên”, “tiếp tục tiến công, tiếp tục nổi dậy”, “Miền Bắc không tiếc máu xương vì miền Nam ruột thịt…” với chiến thắng hôm nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Nghĩa là bài diễn văn hiện có đã bị “phá sản”.
Ông Túc kể, các phần khác có thể sửa nhanh nhưng riêng thái độ của Việt Nam với Mỹ và tướng lĩnh sĩ quan Ngụy lại là vấn đề hệ trọng thuộc đường lối của Đảng, không thể tự tung tự tác.
“Sau một hồi trao đổi, thầy trò quyết định sang xin ý kiến đồng chí Trường Chinh. Hồi đó đồng chí Trường Chinh là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác lý luận, tư tưởng và là Chủ tịch Quốc hội. Đồng chí Trường Chinh lý giải rằng, đây là vấn đề lớn, là thái độ của Đảng, Nhà nước ta đối với kẻ thù sau chiến thắng. “Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào” là đường lối, là chính sách. Tôi và anh không tự định đoạt được. Chúng ta cùng sang chỗ anh Ba (đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lúc đó)”, ông Túc hồi tưởng.
Theo lời kể của ông, đồng chí Trường Chinh ở nhà số 3, đồng chí Hoàng Quốc Việt ở nhà số 5, còn đồng chí Lê Duẩn ở cuối ngõ số 7 đường Nguyễn Cảnh Chân. Chưa đầy 10 phút đi bộ, các đồng chí đã gặp nhau.
“Trước mặt tôi là cảnh hết sức xúc động. Ba nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt ôm chầm lấy nhau, vừa cười mà nước mắt cứ rơi. Mọi người cũng không ngờ nhanh đến thế. Tôi đã sửa lại bài diễn văn mít-tinh như đồng chí Hoàng Quốc Việt dặn. Càng về sau càng thấm thía được tư tưởng hòa hiếu của ông cha mình đã thấm vào những người lãnh đạo qua các thế hệ. 35 năm đổi mới với phương châm đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế thì tôi càng hiểu rõ hơn", ông Túc kể lại.
Ông Túc khẳng định, chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đồng thời khẳng định tinh thần hòa hiếu, nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Ông cho biết thêm:
“Mừng cái là 28/5/1975, Chính phủ Việt Nam có Công hàm gửi cho Mỹ qua Liên Xô, mong rằng Mỹ xóa bỏ hận thù và Mỹ đồng ý".
Vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Non sông đã về một mối, nhưng những thách thức còn rất nhiều trước mắt. Đó là chia sẻ của ông Túc về khoảng thời gian ngay sau chiến thắng 30/4. Ông khẳng định:
“Vai trò MTTQVN lúc ấy cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đồng chí Hoàng Quốc Việt. Chuyến đi đầu tiên là sau chiều 1/5/1975 bay vào Đồng Hới, từ đó đi xe đến các tỉnh và sau đó mới đến Sài Gòn. Sau giải phóng, công việc rất nhiều nhưng vấn đề lớn là làm sao thuyết phục, yên dân trước tình hình thay đổi. Vì vậy, công tác quan trọng nhất là tuyên truyền, thuyết phục, vận động để họ ở lại".
Tại Sài Gòn, đoàn công tác tranh thủ gặp mặt Nguyên Tổng thống Cộng hòa miền Nam Việt Nam Dương Văn Minh, chủ tịch Thượng viện Sài Gòn Nguyễn Văn Huyền, phó Chủ tịch Thượng Viện bà Phước Đại và nguyên quyền Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh.
“Công tác tuyên truyền, vận động, sự phối hợp giữa 3 mặt trận để chặt chẽ để an dân. Thứ hai lo cuộc sống, phối hợp với nhau đưa ra chương trình đi kinh tế mới; tiếp đến là tìm cách cứu trợ cho nhau", ông Túc chia sẻ với Sputnik.
Ngoài ra, trong chuyến công tác đặc biệt này, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn đi thăm những đồng chí trước đây bị đày ra tù Côn Đảo với mình năm 1930-1936, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Linh. Gặp mặt đồng chí Huỳnh Tấn Phát, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, những đồng chí lãnh đạo Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
“Vai trò của Mặt trận cực kỳ lớn, phải làm sao để tổ chức bầu cử hai miền năm 1976. Đất nước mới thống nhất, có rất nhiều thế lực thù địch âm mưu phá hoại. Vì vậy phải làm sao tuyên truyền cho người dân đi bầu cử, không hề đơn giản như bây giờ", ông Túc nhấn mạnh.
Không bao giờ quên sự giúp đỡ của Liên Xô
Trong buổi trò chuyện, ông Nguyễn Túc khẳng định rằng, Liên Xô nói chung và Liên bang Nga nói riêng đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều để tạo nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.
“Đối với người dân Việt Nam, tình cảm đối với Liên Xô, với những thế hệ như chúng tôi có thể nói rằng, nếu không có sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc thì chúng ta không thể chiến thắng nhanh thế được", ông Túc xúc động nói.
Không chỉ đào tạo cán bộ cho Việt Nam, Liên Xô còn giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau giải phóng. Một số công trình quan trọng phải kể đến như Cung Văn hoá Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) v.v.
“Tình cảm rất quý! Nói đến Liên Xô, tình cảm vẫn rất nguyên vẹn. Người Liên Xô hết sức đáng quý. Chính Liên Xô là người giúp xây trường ĐH Công Đoàn vì Việt Nam lúc đó học theo Liên Xô, ĐH Công đoàn là trường học của Chủ nghĩa xã hội. Toàn bộ tài liệu cho trường Công đoàn cũng như các tư liệu cho vũ khí là chúng tôi dịch".
Tháng Tư đến mang về nhiều kỷ niệm, nhưng với ông Túc, tình cảm dành cho Liên Xô và nước Nga mến yêu vẫn vẹn nguyên sau từng ấy năm.
“Dù tôi có đi bao nhiêu nước nhưng trở về Liên Xô (Nga) là như về nhà mình. Tôi vẫn nhớ mãi đại lộ Leninsky Prospekt tại Moskva ngày ấy", ông Túc bồi hồi nhớ lại.
Năm 2022, ông Nguyễn Túc cho ra mắt cuốn sách “Những ánh sao Khuê”. Cuốn sách chính là một thành quả mà tác giả mong muốn làm sống động hơn pho sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất bằng cách chia sẻ với cộng đồng
những tấm gương sáng, những hạt nhân xuất sắc góp phần làm nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua những giai đoạn lịch sử của Cách mạng Việt Nam.