Kinh tế Việt Nam chờ bùng nổ: Chìa khoá ở 30 tỷ USD đầu tư công

Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 30 tỷ USD đầu tư công sẽ là “chìa khóa” giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2023.
Sputnik
Quý I/2023, GDP Việt Nam chỉ tăng 3,32%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Ngay sau đó, hàng loạt tổ chức và định chế tài chính quốc tế lớn đã hạ mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay và lưu ý rằng, mục tiêu đạt GDP năm 2023 là 6,5% đang trở nên áp lực với Hà Nội hơn bao giờ hết.
Dù vậy, trong báo cáo mới công bố, ADB dự báo GDP Việt Nam vẫn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.

Kinh tế Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng

Nói về cơ sở để ADB tin tưởng, GDP Việt Nam năm nay vẫn sẽ đạt 6,5%, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á chia sẻ với Báo Nhà báo và Công luận cho rằng, nhìn vào tình hình tăng trưởng kinh tế quý I/2023 có thể thấy, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang sụt giảm mạnh, do ảnh hưởng của việc giảm các đơn hàng quốc tế. Xuất nhập khẩu, FDI cũng đang có xu hướng giảm.
“Thế nhưng, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, trong đó ngành dịch vụ, du lịch có đà tăng tương đối mạnh”, - ông Cường nói và chỉ thêm rằng xét tổng quan, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng. Một trong số đó, chính là việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Theo chuyên gia của ADB, việc Trung Quốc mở lại sẽ là “cú hích” cho ngành du lịch.
Ban đầu, Trung Quốc đã loại Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có thể tiếp nhận khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài. Tuy nhiên, vào ngày 12/3/2023, danh sách sửa đổi đã bổ sung Việt Nam, cho phép nối lại các tour du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam từ ngày 15/3.
Kinh tế Việt Nam thăng hạng trên bản đồ thế giới: “Con rồng” trỗi dậy
“Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, do đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự thay đổi này. Nhờ đó, ngành dịch vụ dự kiến tăng 8,0% trong năm 2023”, - chuyên gia phân tích.
Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng giữ quan điểm, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp.
Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2023.

Chìa khoá 30 tỷ đô cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Dù vậy, chuyên gia của ADB đánh giá, động lực chính cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2023 lại xuất phát từ đầu tư công.
Trong năm 2023, Chính phủ cam kết sẽ giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công, trong đó, 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và các địa phương, đây là một số tiền không hề nhỏ.
“Nếu quá trình giải ngân thành công, thì đây sẽ là yếu tố giúp GDP Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay”, - ông Nguyễn Minh Cường khẳng định.
Dẫu vậy, theo ông Cường, đầu tư nước ngoài sẽ vẫn bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Vốn FDI đăng ký mới giảm 38% và giải ngân giảm 4,9% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt tài khóa trong năm 2023 có thể cao hơn chỉ tiêu thâm hụt của năm là 4,4% GDP.
Phương Tây không thổi phồng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
“Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để đảm bảo tài chính bền vững hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu thô”, - chuyên gia khuyến nghị.
Về phía cầu, tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023. Du lịch hồi sinh, các chương trình kích cầu và đầu tư công mới được khởi xướng trong tháng 1/2022 và việc tăng lương có hiệu lực từ tháng 7/2023 dự kiến sẽ giúp tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng, mặc dù lạm phát cao hơn có thể cản trở tiêu dùng phục hồi.
Đại diện ADB đánh giá, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ tiếp tục tác động tới thương mại trong năm 2023. Xuất khẩu trong hai tháng đầu năm 2023 giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 16,0%.
Cả nhập khẩu và xuất khẩu được dự báo sẽ giảm xuống 7,0% trong năm nay và năm tới. Tăng trưởng thương mại chậm lại có thể tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 1,0% GDP trong năm nay, trước khi đạt mức thặng dư trở lại vào năm 2024.
Suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng trong quý 4 năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023. Nhu cầu toàn cầu giảm đã khiến chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% trong hai tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất chế biến chế tạo đã giảm xuống dưới 50 trong bốn tháng liên tiếp do lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu giảm trong khi lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo hàng tiêu dùng không có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm này. Tuy nhiên, chỉ số này sau đó đã hồi phục từ 46,4 vào tháng 1 năm 2023 lên 51,2 vào tháng 2 năm 2023.
Công nghiệp được dự báo sẽ tăng chậm, ở mức 7,5% vào năm 2023, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng có thể tăng tốt nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện vào năm 2023 theo kế hoạch.

Phải tích cực giải ngân đầu tư công

Khuyến nghị giải pháp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5%, chuyên gia Nguyễn Minh Cường cho rằng, điểm mấu chốt vẫn là đầu tư công.

“Như tôi đã nói, đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Do đó, để đảm bảo mục tiêu tăng 6,5% trong năm 2023, thì yếu tố quan trọng là phải đảm bảo được quá trình giải ngân”, - đại diện ADB khẳng định.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1 năm 2022, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế.
Kinh tế trưởng của ADB cũng phân tích, thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực tài chính, bất động sản.
Việt Nam đã vào CLB 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng vẫn lộ điểm yếu lớn
Ví dụ như Nghị định 65, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp. Sau đó, chính phủ đã lùi thời hạn thực hiện một năm đối với các quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm xếp hạng tín dụng bắt buộc đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Chính phủ đã ban hành một nghị định khác vào ngày 5/3/2023 cho phép thanh toán lãi và gốc trái phiếu không chỉ bằng tiền mặt mà còn bằng tài sản vật chất và tài sản khác.
Cùng với đó,Ngân hàng Nhà nước đã cho phép tính cả tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước trong tiền gửi của ngân hàng để cải thiện tỉ lệ cho vay trên tiền gửi và mở rộng dư địa tín dụng của ngân hàng.
Ngày 17/2/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một chương trình tín dụng trị giá 5 tỷ USD cho nhà ở xã hội, do bốn ngân hàng thương mại quốc doanh thực hiện.
“Dù vậy, Chính phủ cần tiếp tục phối hợp các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Việc ban hành Nghị định 65 là rất kịp thời và cần tiếp tục triển khai, vì nếu chậm trễ có thể làm tăng nợ xấu trong tương lai”, - ông Cường nhận định.
Mặt khác, việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Chuyên gia lưu ý: “Mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023”.
Lạm phát bình quân trong hai tháng đầu năm 2023 tăng từ 1,7% cùng kỳ năm trước lên tới 4,6%. Do vậy, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023.
Về dài hạn, chuyên gia Nguyễn Minh Cường khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường trái phiếu.
«Đua theo hổ châu Á»: Bài học Đài Loan để phát triển kinh tế Việt Nam
Cùng với ADB, như Sputnik đã thông tin, vừa qua, tại “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng công bố dự báo, trong đó, các chuyên gia tin tưởng rằng, GDP Việt Nam năm 2023 đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4,3%.
Phó Vụ trưởng, Tổ chức OECD Vincent Koen lưu ý, triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay có nhiều bất ổn. Thế giới vẫn tiếp tục lo lắng về những “cơn gió ngược” đã quan sát được với nhiều rủi ro và nguy cơ. Tuy nhiên, diễn biến của nền kinh tế Việt Nam có những điểm khác biệt, đạt được nhiều tiến bộ trong cải cách và đổi mới để ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế.
“Tăng trưởng kinh tế khá vững chắc, cho dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khá cao, dự báo năm 2023 tăng trưởng 6,5% và tăng lên 6,6% vào năm 2024, cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế”, - ông Vincent Koennhận xét đầy lạc quan.
Thảo luận