Nghệ An: Bà Lê Thị Dung bị 5 năm tù vì gây thiệt hại 45 triệu đồng, Bộ GD&ĐT nói gì?

Vụ án bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bị tuyên phạt 5 năm tù do làm thiệt hại 45 triệu đồng gây xôn xao dư luận.
Sputnik
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định Bộ “rất quan tâm tới vụ việc này” và đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, mong các cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét toàn diện, tránh để xảy ra oan sai.
Lãnh đạo TAND tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu báo cáo về vụ án của bà Lê Thị Dung.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở Nghệ An bị phạt 5 năm tù

Ngày 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên kết thúc phiên xử sơ thẩm, tuyên án 5 năm tù giam đối với bà Lê Thị Dung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bà Lê Thị Dung nguyên là Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT GDTX) huyện Hưng Nguyên, nhiệm kỳ 2012-2017 nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX).
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKS) huyện Hưng Nguyên, căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, năm 1992, Trung tâm GDNN- GDTX huyện Hưng Nguyên được thành lập, là trường thuộc hạng 5 theo Thông tư số 48 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cựu Chủ tịch Hạ Long có dàn xe 20 tỉ bị đề nghị mức án 15-17 năm tù
Về chế độ tài chính, ngày 31/12/2011, UBND huyện Hưng Nguyên có quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với trung tâm GDTX là loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ.
Ngày 20/5/2010, bà Lê Thị Dung được Huyện ủy Hưng Nguyên chuẩn y Bí thư chi bộ Trung tâm GDNN- GDTX. Tới ngày 1/10/2012, bà Dung được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX nhiệm kỳ 2012 - 2017. Đồng thời, bà Dung cũng là chủ tài khoản của Trung tâm GDNN- GDTX.
Cáo trạng cũng xác định, sau khi được bổ nhiệm chức vụ giám đốc, bà Lê Thị Dung đã tiến hành họp, ban hành các quy chế chi tiêu nội bộ từ năm 2013 - 2017. Việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ nêu trên phải gửi cho cơ quan quản lý cấp trên là Sở GD&ĐT nhưng bà Dung không gửi. Từ vi phạm này dẫn đến các năm 2012, 2014, 2015, 2016 với tư cách là chủ tài khoản bà Dung đã kê khai một số nội dung thanh toán 2 lần đối với 1 nghiệp vụ tài chính phát sinh.
Cụ thể, trong bảng thống kê hoạt động chuyên môn của cá nhân, từ các năm học 2011-2012 đến năm học 2015-2016, bà Dung đã thanh toán lần 1 với các nội dung: Bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra theo đúng quy định với số tiền là 36.695.000 đồng.
Cáo trạng cáo buộc, tuy đã được thanh toán lần 1 những nội dung này nhưng bà Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) trong các năm học 2011-2012 đến năm học 2015-2016. Tổng số 4 lần thanh toán lần 2 của bà Dung là 48.383.908 đồng.
VKSND huyện Hưng Nguyên kết luận, đối với số tiền 48.383.908 đồng mà bà Lê Thị Dung đã thanh toán trùng cho cùng một nội dung: Bí thư chi bộ; học cao học và tập huấn kiểm tra đã vi phạm vào khoản 2, Điều 15, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 ngày 26/11/2013; Điều 35 Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 ngày 29/11/2005.
Ngoài ra, bà Lê Thị Dung là người đứng đầu đơn vị, tự kê khai và duyệt chi thanh toán cho bản thân (thanh toán 2 lần), buông lỏng việc kiểm tra, kiểm soát, vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 3, Luật phòng. Chống tham nhũng số 55/2005/QH11 là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình được giao, làm trái công vụ gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước cấp cho TT GDTX huyện Hưng Nguyên số tiền 48.383.908 đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, Viện Kiểm sát đã rút một phần truy tố về hành vi vi phạm nên số tiền thất thoát được xác định là 44.762.877 đồng.
Cũng trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Hương là kế toán của TT GDTX huyện Hưng Nguyên từ năm 2012-2017. Mặc dù biết bà Dung thanh toán sai quy định nhưng bà Hương vẫn làm các thủ tục chứng từ cho bà Lê Thị Dung được hưởng số tiền nói trên.
"Siêu lừa" chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng lĩnh án chung thân
Đến năm 2018, thấy không thể để cho bà Dung tiếp tục thanh toán các khoản tiền trái quy định nên bà Hương không làm thủ tục thanh toán tiền thừa giờ nữa và có nhiều văn bản kiến nghị lên cấp trên, đồng thời tố giác hành vi sai phạm của bà Lê Thị Dung.
Ngày 4/10/2021, bà Hương đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên tự thú hành vi phạm tội của mình. VKS xác định, trong vụ án này, bà Lê Thị Dung là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính trong vụ án, Nguyễn Thị Hương là đồng phạm với vai trò giúp sức.
Tại phiên tòa, mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng do bà Dung không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên tòa đã tuyên mức án 5 năm tù giam. Còn bà Nguyễn Thị Hương nhận án 2 năm tù cho hưởng án treo.
Đây cũng là mức xử phạt ở đầu khung tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 356 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Sau khi bản án được tuyên 5 năm tù giam đối với bà Lê Thị Dung với sai phạm, gây tổng thiệt hại gần 45 triệu đồng đã gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng, mức án trên là quá nặng so với sai phạm, hậu quả mà bà Dung gây ra.

Bộ GD&ĐT: Xem xét vụ án một cách toàn diện

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin sơ bộ liên quan sự việc.
Cụ thể, thông tin với báo Vietnamnet, ông Vũ Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, qua các nguồn thông tin, Bộ GD&ĐT được biết Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã mở phiên tòa xét xử bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDNN- GDTX) huyện Hưng Nguyên 5 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 45 triệu đồng.
Xét xử cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ: Luật sư bỏ bào chữa, ông Võ Thành Thống bị triệu tập

“Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tạo rất quan tâm tới vụ việc này và đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, bày tỏ mong muốn các cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét vụ án một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai”, ông Minh nói.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định về việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân nói chung, của nhà giáo nói riêng cũng như thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp chế xã hội chủ nghĩa.

TAND tỉnh Nghệ An yêu cầu báo cáo

Hôm 1/5, ông Trần Quốc Cường, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đang yêu cầu TAND huyện Hưng Nguyên báo cáo chi tiết về vụ án bà Lê Thị Dung lĩnh án 5 năm tù giam vì gây thiệt hại Ngân sách gần 45 triệu đồng.
Theo ông Cường khẳng định với báo Giáo dục & Thời đại, hiện tại bị cáo đã gửi đơn để kháng cáo bản án sơ thẩm.
“Vụ án sẽ được Hội đồng xét xử phúc thẩm nghiên cứu, đánh giá khách quan và xét xử theo đúng quy định của pháp luật”, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân Nghệ An cho biết.
Ông Trần Quốc Cường nói thêm, trong vụ án này, nếu bị cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm thì có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị lên TAND cấp phúc thẩm.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định bị cáo được thực hiện quyền khiếu nại Giám đốc thẩm, tái thẩm để đảm bảo quyền lợi của mình.
Thảo luận