Nhiều người có tâm lý khi có tiền liền mặc nhiên đầu tư vào bất động sản để tích lũy.
Bất động sản là để tích luỹ
Một khảo sát trên trang batdongsan đối với 1.000 khách hàng cho thấy, càng sở hữu nhiều bất động sản, tâm lý mua thêm càng lớn. Theo đó, người đang không sở hữu nhà đất có nhu cầu mua chỉ 46%. Người đang có 1 - 3 bất động sản có nhu cầu mua 66 - 87%. Và người có từ 3 bất động sản trở lên có nhu cầu mua nhà đất cao nhất, lên đến 87% trong vòng một năm tiếp theo.
Từ đó, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam Đinh Minh Tuấn cho rằng, người dân vẫn có nhu cầu đầu tư cao, vượt qua nhu cầu ở thực.
Theo số liệu ghi nhận từ các nhóm khách hàng tham gia khảo sát, mục đích mua bất động sản để đầu tư cao hơn nhu cầu ở thật. Cụ thể, có 60% người Việt Nam trả lời, mua bất động sản là để đầu tư. Chỉ có 20% người được hỏi cho biết, mục đích mua để sống gần các tiện ích dịch vụ và 20% mong muốn cải thiện thêm không gian cá nhân.
Về điều này, Nhịp sống Kinh doanh dẫn ý kiến của GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, tâm lý của người dân mua bất động sản hiện nay không chỉ để ở, tiêu dùng mà đơn thuần mang tính chất tích trữ cho đời sau. Theo ông, mặc dù giá nhà đất đã tăng 50% trong khoảng thời gian 2020-2022, nhiều người vẫn coi đây là kênh đầu tư để bảo toàn vốn và coi giá trị bất động sản tương đương vàng ròng.
Đặc biệt, bất động sản ở những khu vực có giá trị hữu hạn thì giá của bất động sản đấy không còn yếu tố về công dụng nữa mà giá giờ đây chuyển sang phụ thuộc vào giá trị tích lũy mà bất động sản đó để lại. Đó là lý do khiến người mua bất động sản luôn gia tăng, và vì cầu cao nên giá cao.
Bất động sản tăng giá mạnh hơn vàng
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, từng chỉ ra sức tăng mạnh của giá bất động sản.
So với vàng, giá đất tăng với tốc độ cao hơn. Theo đó, năm 1990 đến nay, giá vàng tăng khoảng 30 lần, giá bất động sản tăng gấp 4 lần giá vàng, đến 120 lần.
Theo nghiên cứu của một đơn vị thị trường địa ốc, trong vòng gần 20 năm qua, tốc độ tăng giá của bất động sản đã gấp 4 lần tốc độ tăng của giá vàng.
Chính điều này đã tạo ra tâm lý, mua bất động sản là kênh tích trữ an toàn hơn vàng. Bất động sản được xem là khoản dự phòng tốt cho tương lai. Vì ngay cả khi thị trường lên xuống biến động, việc mua và tích trữ bất động sản trong thời gian dài cũng đủ để người mua hưởng chênh lệch lớn từ tốc độ tăng giá của bất động sản.
Ông Nguyễn Nhật, Giám đốc một công ty bất động sản tại Hà Nội cho biết, chỉ bằng việc bỏ tiền vào bất động sản và chờ đợi, người mua có thể hưởng khoản tăng giá tốt. Lấy ví dụ, người mua bất động sản năm 2015 đến năm 2016 có thể hưởng lợi nhuận tới 50%. Thậm chí, một số bất động sản tăng tới 10 lần chỉ trong vòng 3-4 năm. Do đó, nhiều người Việt cho rằng, chỉ cần mua bất động sản và đợi thì an tâm có dự phòng tích luỹ cho tương lai.
Ông Nhật cũng chỉ ra, ngay cả khi mua ở thời kỳ đỉnh sốt, trong thời gian dài hạn từ 3-5 năm, giá bất động sản vẫn có thể tăng. Đặc biệt, với tâm lý “của mua là của có”, người Việt lại càng chuộng bất động sản.
Dự báo thị trường bất động sản nửa cuối năm
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho VTCNews biết, trong quý đầu năm 2023, tình trạng chờ đợi, trầm lắng vẫn tồn tại.
Dù vậy, đã xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, nhất là các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi chủ đầu tư uy tín, pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực, thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao.
Đặc biệt, phân khúc căn hộ chung cư để ở, có quy mô, tiện ích và chất lượng tốt tại các khu vực trung tâm thành phố đang rất thu hút sự quan tâm của người dân có nhu cầu ở thật và nhu cầu đầu tư sản phẩm cao cấp.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và lựa chọn.
Kể từ đầu tháng 3, sau khi Chính phủ có loạt động thái nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển lĩnh vực bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững thì thị trường đã bắt đầu ghi nhận thêm tín hiệu quan tâm từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ông Đính dự báo, trong quý 2 năm 2023, thị trường sẽ khởi sắc khi nhiều văn bản pháp luật bắt đầu có hiệu lực, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hàng nghìn dự án đang "đắp chiếu" chờ tham gia vào thị trường, mang lại nguồn cung mới.
Nếu thị trường có nhiều hơn nguồn cung sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thật, nhu cầu đầu tư và Chính phủ tiếp tục vào cuộc quyết liệt, có chính sách trúng vào "điểm nghẽn" thì lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Với những tín hiệu tích cực này, thị trường chắc chắn sẽ khởi sắc", ông Đính hào hứng.
Về phần mình, ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đa số người dân sẽ chọn bỏ tiền vào ngân hàng.
Lãi suất tiền gửi tăng cao đã thu hút mạnh dòng tiền vào kênh gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2023 sẽ là mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
Ông Khôi đưa ra hai kịch bản về bất động sản thời gian tới. Với kịch bản thứ nhất, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận mức lãi suất thấp hơn. Với kịch bản thứ hai, lãi suất huy động giảm xuống 6-7% vào thời điểm cuối năm, nguồn tiền có thể quay lại bất động sản.
“Khi dòng tiền quay trở lại thị trường, nhiều người sẽ tìm đến các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm. Trong bối cảnh này, nếu nhìn lại quá khứ, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó sẽ đến thị trường bất động sản”, ông Khôi nói.
Trong quý 2 này, ông Khôi cho rằng có thể diễn ra với 3 kịch bản: Kịch bản lý tưởng, kịch bản kỳ vọng và kịch bản thách thức.
Theo đó, trong kịch bản lý tưởng, nguồn cung tăng, lãi suất giảm mạnh dưới 10 - 12% thì giá bán sẽ tăng nhẹ, tỷ lệ hấp thụ cao 40 - 50%.
Với kịch bản kỳ vọng, nguồn cung tăng nhẹ, lãi suất đi ngang từ 12 - 14%, giá bán sẽ đi ngang và tỷ lệ hấp thụ từ 20% - 30%.
Với kịch bản thách thức, nguồn cung tiếp tục giảm 20% - 30%, lãi suất giữ ở mức cao trên 14%, giá bán giảm từ 10% - 20% và tỷ lệ hấp thụ thấp khoảng 10% - 20%.
"Thị trường bất động sản có thể kỳ vọng thời gian phục hồi sớm, dự kiến vào khoảng từ cuối quý 3 đến đầu quý 4 năm 2023", ông Khôi nói.
Tại tọa đàm về triển vọng thị trường chung cư Hà Nội 2023 - 2025, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định, từ quý 4 năm 2023, đà phục hồi của thị trường bất động sản rõ nét hơn. Đây là lúc những chính sách gỡ vướng cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu phát huy hiệu quả rõ rệt.
Vị chuyên gia nhận định, chưa bao giờ các luật liên quan đến thị bất động sản như Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai và Luật tổ chức tín dụng được sửa đổi cùng lúc như hiện tại. Do đó, những điểm nghẽn về pháp lý cơ bản đã được giải quyết.
Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ 2 kênh vốn cơ bản cho thị trường bất động sản, đó là gỡ vướng cho trái phiếu và khơi thông tín dụng ngân hàng.
Sau khi có Nghị định 08, chỉ riêng trong tháng 3 đã có 24.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành mới, một lượng lớn chảy trong đó đi vào thị trường bất động sản. Theo ông Lực, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh dẫn vốn tốt hơn cho bất động sản trong năm nay.