Báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Quy hoạch điện 8, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo và nhiều lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương phê duyệt Quy hoạch điện 8.
Quy hoạch đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.
Về cơ cấu nguồn điện, theo Bộ Công thương, quy hoạch đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện là 158,244 MW (không bao gồm xuất khẩu). Trong đó, thủy điện chiếm 18,5%, nhiệt điện than 19%, nhiệt điện khí trong nước 9,4%, nhiệt điện 14,2%, nhiệt điện gió trên bờ 13,8%, điện mặt trời 13% (được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất)…
Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.005-573,.000 MW, thủy điện chiếm 6,3-7,3%, không còn sử dụng than để phát điện, nhiệt điện sử dụng sinh khối 4,5-6,6%, điện gió ngoài khơi 14,3-16%...
Quy hoạch có lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, đưa mục tiêu phát triển trong vòng 20 năm (từ 2030 - 2050) xóa bỏ hoàn toàn điện than để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đặc biệt, từ nay đến 2030, điện mặt trời được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch điện 8 và phát biểu ý kiến taị hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn tiếp tục làm rõ những nguyên nhân khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ, có giải pháp khắc phục trên cơ sở xác định "quy hoạch điện không phải là quy hoạch tổng thể, mà liên quan đến quy hoạch vùng, địa phương, đất đai, nguồn lực, cơ chế thực hiện", theo Tiền Phong.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho rằng quy hoạch cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học-công nghệ nhằm giải quyết các thách thức đặt ra trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Quy hoạch điện 8 phải đặt trong mối quan hệ tương tác với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, tích hợp trong quy hoạch sử dụng đất, có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thu hút nguồn vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nhằm phát triển nguồn điện nhưng vẫn bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng truyền tải thông qua thúc đẩy hợp tác công tư, "đầu tư công quản trị tư, đầu tư tư quản trị công", nghiên cứu phương án bán điện trực tiếp, có chính sách để các doanh nghiệp năng lượng lớn của Việt Nam thí điểm hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.