Vấn đề không chỉ ở những đồng xu kỷ niệm in hình “cờ ba que”

Mặc dù việc phát hành một số đồng xu kỷ niệm có hình ảnh "cờ vàng" không phải là việc quá nghiêm trọng nhưng phản ứng của Việt Nam là một lời cảnh báo tới đối tác của mình.
Sputnik
Dư luận Việt Nam đang nóng lên trước sự việc một số vật phẩm phát hành tại Australia có hình ảnh "cờ vàng". Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam đã đề nghị Bưu chính Australia và một công ty Úc dừng lưu hành các vật phẩm này.
Được biết, hôm 6/4, Royal Australian Mint đã phát hành những đồng tiền kim loại 2 đô la Úc bằng bạc, nhân thời điểm 50 năm kể từ ngày Úc đưa quân tham chiến trong cuộc “Chiến tranh Việt Nam vào năm 1973. Trên đồng tiền này có in hình cờ vàng ba sọc và một chiếc trực thăng. Đồng tiền được in 5.000 bản và được bán với giá 80 đô la, trong khi phiên bản vàng của đồng tiền được in 80.000 bản và bán với giá 15 đô la.
Phóng viên Sputnik đã đề nghị nhà phân tích các vấn đề quốc tế, chuyên gia Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an Việt Nam bình luận về sự việc “rất không hay” nói trên.

Không phải ngẫu nhiên mà người dân Việt Nam vẫn gọi lá cờ vàng ba sọc là “cờ ba que”

Sputnik: Cờ vàng” hay “cờ vàng ba sọc đỏ” từng là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam từ 1949 đến 1955 và của Việt Nam Cộng hòa từ 1955 đến 1975.
Ông đánh giá như thế nào về hành động này từ phía Úc?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an Việt Nam:
Trước hết, ta hãy tìm kiểu xem cái gọi là “Quốc gia Việt Nam” là gì và cái gọi là “Việt Nam Cộng hòa” là gì ?
Ngày 2-9-1045, Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập. Để che đậy cho âm mưu tái chiến Việt Nam làm thuộc địa, thực dân Pháp đã “nặn ra” một chính quyền bù nhìn do cựu hoàng Bảo Đại là Quốc trưởng và Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng. Chính quyền bù nhìn “Quốc gia Việt Nam” lấy lá “cờ vàng ba sọc đỏ” làm cái gọi là quốc kỳ. Và nó tồn tại cho đến năm 1975.
Năm 1954, thực dân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và nhiều chiến trường quan trọng khác đã buộc phải rút khỏi Việt Nam và Đông Dương. Phát hiện thế suy yếu của Pháp ở Đông Dương, đế quốc Mỹ đã chuẩn bị “con bài” Ngô Đình Diệm từ năm 1950 dưới vỏ bọc tu sĩ Thiên Chúa giáo do điệp viên ngầm của CIA Francis Joseph Spellman dưới vỏ bọc Hồng y đào tạo, huấn luyện. CIA còn chuẩn bị một số con bài khác như Nguyễn Tôn Hoàng (đảng Đại Việt) và Trịnh Minh Thế (lực lượng Cao Đài)… nhưng cuối cùng, Mỹ chọn Diệm đứng đầu chính quyền bù nhìn để hất cẳng các thế lực thân Pháp khỏi miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1954 đến năm 1975, tất cả các cuộc đảo chính lần lượt lật đổ Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh.v.v… đều diễn ra dưới sự “đạo diễn” của CIA. Các chính quyền lần lượt thay nhau cũng lần lượt là tay sai cho đế quốc Mỹ, phục vụ cho mưu đồ xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. Vì những chính quyền bù nhìn đó đã vì quyền lợi của thực dân Pháp, của đế quốc Mỹ để chống lại ý chí độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của toàn thể dân tộc Việt Nam nên cái lá cờ biểu tượng của những chính quyền con rối đó thực chất là biểu tượng của các thế lực phản động, cam tâm làm tay sai cho đế quốc ngoại bang để nô dịch nhân dân Việt Nam. Lá cờ ấy đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử từ ngày 30-4-1975.
Hiện nay, một số thế lực phản động đã bất chấp sự thật lịch sử, không chấp nhận thất bại trước ý chí độc lập, tự chủ kiên cường của dân tộc Việt Nam, trước tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của nhân dân Việt nam đã mưu toan dùng hình tượng cờ ba sọc để phục dựng lại cái “thây ma chính trị” ngụy quyền Sài Gòn đã thối rữa. Họ nên biết rằng không phải ngẫu nhiên mà người dân Việt Nam vẫn gọi lá cờ vàng ba sọc là “cờ ba que”. Đó là sự khinh bỉ ngầm của người dân Việt Nam khi sử dụng hàm ý của câu tục ngữ “ba que xỏ lá”, lấy từ di sản văn hóa dân gian Việt nam.

Quân đội Australia đã tham chiến tại Việt Nam 7 năm 3 tháng

Sputnik: Việc phát hành bộ đồng xu 2 đô la có hình ảnh lá “cờ ba que” là nhân dịp Úc kỷ niệm 50 năm ngày rút quân khỏi miền nam Việt Nam. Liên quan đến chủ đề này, ông có thể cho biết về sự tham chiến của quân đội Úc trong chiến tranh Việt Nam?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Khoa giáo, Bộ Công an Việt Nam:
Trong cuộc chiến tranh xâm ược Việt Nam do đế quốc Mỹ phát động, ngoài hơn 50 vạn quân Mỹ và hàng triệu quân ngụy Sài Gòn còn có nhiều quân đội các nước chư hầu của Mỹ tham gia. Các tài liệu được giải mật của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2000 cho biết:
Hàn Quốc góp 50.000 quân gồm 2 sư đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn thiết giáp;
Thái Lan góp 12.000 quân gồ 1 sư đoàn và 1 trung đoàn bộ binh;
Philippines góp 2.000 quân gồm 1 tiểu đoàn và 1 đội cố vấn chiến tranh tâm lý;
New Zealand góp 600 quân gồm 2 đại đội bộ binh và 1 đại đội pháo binh.
Riêng Australia đóng góp đủ “đại diện” của 3 quân-binh chủng gồm 1 trung đoàn bộ binh, 1 tàu khu trục và 1 phi đội máy bay với tổng quân số thường trực là 7.000 người. Tổng số quân nhân Australia từng tham chiến ở Việt Nam là hơn 60.000 lượt người. Quân đội Australia có mặt ở miền Nam Việt Nam từ tháng 9-1964, rất sớm chỉ sau quân đội Mỹ. Đội quân này rút khỏi miền Nam cuối tháng 12-1972, sát trước thời điểm Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.
Quân đội Australia hoạt động chủ yếu ở địa bàn tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa- Vũng Tàu), trong đó có nhiệm vụ bảo vệ vùng cửa sông Sài Gòn (Cửa Soài Rạp) là yết hầu đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực hậu cần tiếp vận của quân đội Mỹ và chư hầu tại miền Nam Việt Nam. Trận đụng độ lớn duy nhất của quân đội Australia với Quân Giải phóng miền Nam là trận Long Tân, diễn ra từ ngày 18 đến 19-8-1966 tại địa bàn xã Long Tâm, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong trận này, quân đội Australia tổn thất hơn 500 quân chết và bị thương, 21 xe thiết giáp M113 bị phá hủy.
Trong 7 năm 3 tháng tham chiến tại Việt Nam, quân đội Australia tổn thất hơn 3.500 quân nhân, trong đó có 521 quân nhân tử trận, hơn 3.000 người bị thương. Hài cốt các binh lính Australia tử trận được đưa về chôn cất tại cố quốc. Quân đội Australia không có các trường hợp quân nhân thuộc diện POW (tù binh) và MIA (mất tích) tại Việt Nam. Gần 30 năm sau khi rút lui khỏi miền Nam Việt Nam, tới năm 2001, quân đội Australia mới tham chiến ở nước ngoài tại Afghanistan cùng với quân đội Mỹ và đồng minh trong chiến dịch “Tự do bền vững”.
Phản ứng của Việt Nam về hình ảnh cờ vàng ở Australia

Việt Nam nói bóng gió đến việc chính quyền Australia “che chở” cho những kẻ chống phá Việt Nam

Sputnik: Theo ông thì vì sao Úc đã có hành động như vậy (phát hành một số ấn phẩm có hình ảnh "cờ vàng") và họ muốn chứng tỏ điều gì?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Australia cũng như Mỹ, CHLB Đức, Canađa và một số quốc gia khác từ lâu đã là nơi trú ngụ của các lực lượng người Việt phản động lưu vong như Việt Tân, Chính phủ lâm thời Việt Nam Cộng Hòa, Triều đại Việt, The Voice.v.v… Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một cách ứng xử khác nhau với những phần tử này.
Ở Mỹ, các thế lực người Việt chống đối Việt Nam hầu hết đều ở California, chủ yếu là quận Cam. Những thế lực này có thể tự do biểu tình chống Việt Nam bất cứ lúc nào nếu các cuộc biểu tình đó được xin phép và được chính quyền sở tại cho phép. Ở Đức, những phần tử phản động người Việt tuy được phép trú ngụ và hoạt động nhưng bắt buộc phải nhập quốc tịch Đức. Họ có thể ra các tờ báo chống Việt Nam nhưng không được phép tụ tập biểu tình chống Việt Nam như ở Mỹ. Nếu vi phạm, họ có thể bị tước quốc tịch Đức, thậm chí bị trục xuất. Ở Canada, ở Pháp cũng như ở Anh, những thế lực chống Việt Nam không được phép tụ tập biểu tình chống Việt Nam.
Ở Australia, những người Việt lưu vong sau năm 1975, bất kể có xu hướng chính trị nào đều bị dồn về thủ phủ miền Tây Adelaide, không được phép cư trú ở các bang miền Đông. Chính quyền bang Tây Úc vẫn cho phép họ biểu tình chống Việt Nam nhưng chỉ trong phạm vi khuôn viên nhỏ với thời gian ngắn. Còn ở các thành phố lớn miền Đông thì việc này bị cấm tuyệt đối ở những nơi công cộng.
Vấn đề nằm ở chỗ hệ thống chính trị ở Australia không thống nhất cũng như không có sự kế tục về thời gian. Là một quốc gia có hệ thống chính trị đa đảng đối lập, các thế lực có xu hướng chính trị đối ngoại khác nhau lên cầm quyền đều có những chính sách ứng xử khác nhau với các đối tác. Trong tiến trình quan hệ hiện nay, khi chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền Australia đương nhiệm có thể hứa hẹn đem lại sự nâng cấp quan hệ lên cao hơn tầm đối tác chiến lược thì chắc chắn có những thế lực không mong muốn điều đó. Trong đó, không loại trừ có cả những thế lực phản động người Việt tham gia vào đó.
Mặc dù việc phát hành một số đồng xu kỷ niệm không phải là việc quá nghiêm trọng nhưng phản ứng của Việt Nam là một lời cảnh báo tới đối tác của mình. Vấn đề không phải chỉ ở những đồng xu kỷ niệm hay những con tem in hình cờ ba que mà nghiêm trọng hơn là Việt Nam đã nói bóng gió đến việc chính quyền Australia “che chở” cho những kẻ chống phá Việt Nam đang hoạt động trên lãnh thổ Australia.

Việt Nam hoàn toàn chính đáng khi đưa ra lời cảnh báo đối với Australia

Sputnik: Vụ việc này sẽ có ảnh hưởng tới quan hệ Việt-Úc hay không, theo ông?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Như trên đã phân tích, các thế lực phản động thù địch người Việt ở một số quốc gia đang trở thành những thứ “chọc gậy bánh xe” cản trở quá trình phát triển, nâng cấp quan hệ đối tác giữa Việt Nam với các quốc gia đó. Phản ứng của Việt Nam không chỉ nhằm gửi tới Australia mà còn gửi tới một số quốc gia khác cũng có tình trạng tương tự.
Trong tất cả những vấn đề tương tự ấy thì “bóng đang ở bên sân các đối tác” của Việt Nam. Nói đầy đủ thì không một quốc gia nào có thể chấp nhận việc các đối tác của mình che chở, o bế các lực lượng chống lại mình, sử dụng lãnh thổ của đối tác để gây phương hại đến an ninh, chủ quyền quốc gia của mình. Trong những trường hợp này, các quyền tự do ngôn luận phải bị hạn chế theo “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” (International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR), Đây là một văn kiện quan trọng của Bộ Luật quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 16-12-1966 và có hiệu lực thi hành từ ngày 23-3-1976. Trong đó. Khoản 3 của Điều 19, quy định những hạn chế đối với quyền giữ quan điểm và quyền tự do ngôn luận như sau:
“3- Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng.”
Việt Nam có lý do hoàn toàn chính đáng để đưa ra lời cảnh báo đối với phía Australia mà không cần lo ngại đến quan hệ với đối tác bởi một nguyên tắc bất di bất dịch là “Nhân quyền không thể cao hơn chủ quyền quốc gia”.
Sputnik: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho Sputnik.
Thảo luận