Việt Nam có thể thành "cường quốc" thu hút FDI hay không?

Các khảo sát cho thấy, nhiều nhà đầu tư châu Âu, Hoa Kỳ lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu hiện nay.
Sputnik
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội trở thành "cường quốc" về FDI, đặc biệt trong bối cảnh các xu hướng mới liên tục xuất hiện và thay đổi, Việt Nam còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề.

Kỳ vọng tích cực vào thị trường Việt Nam

Chiều 8/5, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức buổi tọa đàm "Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động – Doanh nghiệp cần làm gì?".
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, cho biết khảo sát của EuroCham cho thấy từ quý 1/2022 đến quý 4/2022, chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã giảm mạnh từ 73 điểm xuống 48 điểm.
Điều này cho thấy tình trạng tiêu cực trong kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Đến quý đầu năm 2023, chỉ số này vẫn chỉ đạt 48 điểm, bằng với quý 4/2022.
Về đầu tư, khảo sát nhanh ghi nhận, trong quý 1/2023, có 36% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho rằng Việt Nam nằm trong top 5 điểm đến đầu tư của họ trên toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia có tên khá tích cực trên bản đồ đầu tư của các tập đoàn EU.

"Cùng với số điểm này, kết hợp với một số yếu tố khác như kinh tế toàn cầu quay trở lại, chỉ số tăng trưởng kinh tế của EU được điều chỉnh tăng hơn so với dự báo tháng 12 năm trước, nên kỳ vọng kinh tế thế giới có thể tạo đáy vào năm 2023. Bên cạnh đó, khảo sát chung với các doanh nghiệp EU tại Việt Nam về số lượng đơn hàng, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… kỳ vọng mọi thứ sẽ tốt hơn trong quý tới", - VnEconomy dẫn lời ông Minh bày tỏ.

Về phần mình, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Vũ Tú Thành đánh giá, trong trung hạn, các doanh nghiệp Mỹ vẫn nhận thấy sự tích cực đối với thị trường Việt Nam.
Bằng chứng là vào cuối tháng 3 vừa qua, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ (gồm 52 doanh nghiệp) lớn nhất từ trước tới nay đã sang Việt Nam tìm hiểu, khảo sát. Điều này cho thấy mối quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ với Việt Nam là rất lớn.
Từ giờ đến cuối năm 2023, sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp khác có kế hoạch sang Việt Nam, trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu đang tiếp tục.
Theo ông Thành, các nhà đầu tư mảng dịch vụ lưu trú cho khách của Mỹ muốn đưa Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất ASEAN trong những năm tới. Ngân hàng hàng đầu nước Mỹ còn có kế hoạch dịch chuyển trụ sở khu vực ASEAN từ Hồng Kông về Việt Nam.
Lĩnh vực y tế của Việt Nam được các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao. Chính phủ Mỹ đang đặt ưu tiên cao nhất trong thương mại quốc tế là đảm bảo duy trì an ninh và sức chống chịu của chuỗi cung ứng.
Trước tình hình đó, Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng về y tế, kinh tế số, vì lý do do phần cứng Mỹ không nhập từ Trung Quốc nữa. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam trong hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Mỹ.
Ông Vũ Tú Thành cũng cho rằng, đang có xu hướng đầu tư gián tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, vì họ nhìn thấy chất lượng tài sản và năng lực của Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước nên tranh thủ cơ hội này để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Rất nhiều việc phải làm

Theo các chuyên gia, có rất nhiều việc cần Việt Nam phải làm, thậm chí phải làm quyết liệt, để hiện thực hoá được việc thu hút đầu tư này, cũng như tận dụng được cơ hội hiện nay trong bối cảnh xu hướng mới trên toàn cầu.
Đại diện EuroCham nhận định, với các doanh nghiệp Châu Âu, yếu tố hàng đầu giúp thu hút đầu tư vào Việt Nam bao gồm cải cách về thể chế, môi trường và thủ tục hành chính.
Chuyện đáng kinh ngạc
Siêu xe "Người dơi" của người Việt được xuất sang châu Âu
Trên thế giới hiện nay, các xu hướng mới liên tục xuất hiện và thay đổi, đặc biệt những xu hướng liên quan tới sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững, quyền con người.
Trước đó, EU đã ban hành bộ luật mới liên quan tới chuỗi cung ứng, ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn châu Âu, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
"Sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững không chỉ còn là khẩu hiệu hô hào, mà là thời điểm các thị trường lớn như EU, Mỹ đưa ra các đạo luật này. Đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện này thì mới có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng", - ông Nguyễn Hải Minh lưu ý.
Việt Nam hiện có rất nhiều việc cần cải cách, đơn cứ như vấn đề năng lượng, không chỉ đơn thuần là nhà đầu tư tham gia vào dự án năng lượng, mà Việt Nam còn cam kết rất mạnh mẽ ở COP26 với chiến lược tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã xây dựng, ban hành khá hoàn thiện.
Năng lượng tái tạo là xu hướng không thể đảo ngược. Với các doanh nghiệp EU, đây còn là điều kiện không thể thiếu. Đó cũng là lĩnh vực tiềm năng cho đầu tư vì EU có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, điện ngoài khơi, qua đó giúp Việt Nam thực hiện được cam kết của mình.
Ở chiều ngược lại, đây cũng không phải là dự án đầu tư bình thường mà Việt Nam bắt buộc phải nhìn nhận năng lượng tái tạo là nhu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của EU.
Những dự án sản xuất xuất khẩu sẽ bị trì hoãn nếu không có năng lượng tái tạo. Do đó, Chính phủ và Bộ Công Thương cần quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch Điện 8, nhất là cơ chế mua bán điện trực tiếp cho các dự án sản xuất.
Về phần mình, ông Vũ Tú Thành cũng khẳng định, năng lượng là lĩnh vực quan trọng với các nhà đầu tư Mỹ. Quy hoạch Điện 8 cần phải được phê duyệt vì "quả bóng trong chân chúng ta chứ không phải các nhà đầu tư nước ngoài".
"Chúng ta cần có tư duy dài hạn hơn, bởi cách tiếp cận hiện nay vẫn là tư duy của thị trường trong nước, vẫn là yêu cầu các nhà đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch- tư duy này chưa bắt kịp xu thế. Giờ là cuộc chơi toàn cầu. Nhu cầu của các FDI là cần năng lượng tái tạo và họ sẵn sàng chi trả. Chúng ta cần tranh thủ hợp tác với họ để đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới", - Vneconomy dẫn lời ông Vũ Tú Thành.
Để thành quốc gia tiên phong về tăng trưởng xanh Việt Nam cần tới 368 tỷ USD

Giải quyết vấn đề nguồn nhân lực

Ông Nguyễn Hải Minh cũng bổ sung thêm, có một xu hướng mới mà Việt Nam cần nắm bắt là sự thuận lợi về vị trí địa lý, bởi Việt Nam hiện được các nhà đầu tư châu Âu nhắm đến để trở thành trung tâm logistics trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ sở pháp lý, hạ tầng chưa cho phép Việt Nam hiện thực hoá được điều này.
"Để hiện thực hoá, Việt Nam cần có cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư, thực hiện trung tâm logistics ở Việt Nam, biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng hoá trong khu vực. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam nếu dự án thành hiện thực", - ông Minh nói.
Một hạn chế khác là về chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những cơ chế tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam cần có chính sách thu hút chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao từ chuyên gia nước ngoài.
Tiếp đến là có cơ chế về chuyển giao công nghệ, đào tạo, qua đó giúp nhân lực Việt Nam bắt kịp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tuy nhiên, hiện quy định về giấy phép lao động, chuyên gia vẫn còn nhiều bất cập.
Cuối cùng, du lịch cũng là hướng phát triển cho Việt Nam, đặc biệt là khi cơ chế dự thảo tháo gỡ vướng mắc về visa cho người nước ngoài sẽ tạo ra "cú hích" cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Thảo luận