Việc chuyển nhượng này mang lại lợi ích cho cả 2 bên và đã được pháp luật công nhận với quy định cụ thể. Tuy nhiên, quá trình chuyển nhượng cần tuân thủ đúng pháp luật để đảm bảo không xảy ra rủi ro.
Người mua, người nhượng sổ tiết kiệm
Theo báo An ninh Thủ đô dẫn lại câu chuyện của chị Nguyễn Thị T. (Hà Nội), vì có khoản thu nhập định kỳ 6 tháng một lần nên chị thường xuyên gửi tiết kiệm ngân hàng. Cuối năm 2022, chị gửi một sổ tiết kiệm trị giá 300 triệu đồng với lãi suất lên tới 11,5%/năm.
Đầu tháng 5, chị tiếp tục mang tiền đi gửi ngân hàng, nhưng lần này, chị rất bất ngờ khi được biết lãi suất cùng kỳ hạn đã giảm xuống chỉ còn hơn 8%/năm. Nhân viên ngân hàng lý giải, lãi suất huy động hiện tại theo quy định không được vượt quá 9%/năm nên tất cả các ngân hàng đều hạ lãi suất.
Sau đó, chị T. được một giao dịch viên tư vấn mua lại sổ tiết kiệm đang có lãi suất lên tới 12%, kỳ hạn còn lại là 8 tháng. Theo nhân viên này, sổ tiết kiệm trên do khách hàng nhờ giới thiệu người để sang nhượng lại, do có nhu cầu tiền gấp nhưng không muốn tất toán vì sẽ bị mất gần hết phần lãi.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Thùy L., chị này cho hay vừa chuyển nhượng xong 3 sổ tiết kiệm của mình. Theo chị L., cuối năm ngoái và đầu năm nay, do lãi suất cao, hoạt động kinh doanh của gia đình bị đình trệ nên chị đã đem hầu hết tiền của gia đình gửi thành 3 sổ tiết kiệm kỳ hạn từ 9 đến 15 tháng, lãi suất thực hưởng từ 11,5 – 12,25%/năm.
Vừa qua, chị được giới thiệu một mảnh đất ưng ý, có thể làm du lịch nên cần tiền gấp, trong khi các sổ tiết kiệm còn phải thêm 3 – 9 tháng mới tất toán. Khi đến ngân hàng hỏi vay thế chấp sổ tiết kiệm thì được biết mức lãi suất vay tương đối cao trong khi thủ tục vay, trả khá mất thời gian.
Nhân viên ngân hàng tư vấn, hiện nay, do lãi suất thấp nên nhiều người có nhu cầu mua lại các sổ tiết kiệm có lãi suất cao. Nghe vậy, chị L. đã nhờ người giới thiệu và bán toàn bộ 3 sổ tiết kiệm của mình.
"Dù mất một chút phí sang nhượng, chi phí cho người môi giới nhưng tôi giữ được toàn bộ số tiền lãi của các tháng đã gửi lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi nếu tất toán trước hạn, lãi suất tôi nhận được chỉ 0,5%/năm”, - chị L. nói.
Có lợi cho cả 2 bên, nhưng cần thận trọng
Thật ra, việc mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm không phải là mới. Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 đã quy định về việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Theo đó, sổ tiết kiệm cũng là loại giấy tờ có giá và người chủ sở hữu có đầy đủ các quyền định đoạt tài sản theo quy định pháp luật.
Thông tư 48 nêu rõ, việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp.
Trường hợp sổ được chuyển nhượng theo thừa kế, đối tượng nhận sang tên cần đảm bảo là công dân Việt Nam (nếu là sổ gửi bằng đồng Việt Nam), hoặc công dân Việt Nam là người cư trú (nếu sổ gửi bằng ngoại tệ).
Thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm cũng đơn giản, nhanh gọn tại chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng, với sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên.
Các bên phải lập giấy chuyển quyền sở hữu sổ tiết kiệm theo mẫu quy định của ngân hàng. Chữ ký của người chuyển quyền sở hữu phải đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại điểm giao dịch tiết kiệm nơi gửi tiền. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu tài khoản tiền gửi, người nhận chuyển nhượng chỉ được thực hiện giao dịch tại nơi đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng.
Thời gian qua, việc lãi suất huy động chuyển đột ngột từ mức cao chót vót, có ngân hàng lên tới gần 13%/năm, xuống mức dưới 9%/năm đã khiến việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm trở bắt đầu phổ biến.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đăng tin chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Người có nhu cầu chuyển nhượng đa số là khách hàng đã gửi được tiền với lãi suất trên 11-12% trong giai đoạn lãi suất tiền gửi tăng cao hồi cuối năm 2022, đầu năm 2023 nhưng giờ lại cần vốn gấp mà không muốn mất đi phần lãi trước đó.
Trong khi đó, bên mua cũng được hưởng lợi khi kỳ hạn còn lại chỉ ít tháng, lại được hưởng lãi suất cao hơn rất nhiều so với mở số tiết kiệm mới với mức lãi suất thấp như hiện nay.
Bên cạnh đó, một số người đã nhanh chóng chớp thời cơ, đứng ra làm trung gian môi giới chuyển nhượng sổ tiết kiệm để hưởng "hoa hồng".
Dù điều này có lợi cho cả 2 bên, các chuyên gia cũng lưu ý người chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cần tuân thủ các quy định tại Thông tư 48 để tránh rủi ro.
Theo đó, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm phải được thực hiện tại chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng và phải đầy đủ các giấy tờ cần thiết của cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới và ngân hàng chủ quản.
Việc thực hiện chuyển nhượng ngoài ngân hàng thông qua các hình thức như ký hợp đồng ủy quyền nhận tiền thay khi đến hạn vẫn tiềm ẩn rủi ro, vì bên ủy quyền có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Khi đó, ngân hàng không có trách nhiệm giải quyết do việc chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.