Lãnh đạo Boeing khẳng định, tập đoàn sẵn sàng trao đổi với Chính phủ Việt Nam về các sản phẩm như máy bay trực thăng phục vụ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ quân đội.
Boeing sẵn sàng bán trực thăng, máy bay hỗ trợ quân đội cho Việt Nam
Trưa 12/5, trao đổi với báo Tuổi trẻ, Chủ tịch Boeing toàn cầu Bredan Nelson cho biết, hiện tập đoàn đã cung cấp một số sản phẩm cho cảnh sát biển Việt Nam sử dụng.
“Liên quan đến thiết bị quốc phòng, chúng tôi đã cung cấp máy bay không người lái ScanEagles cho Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng. Và nếu Chính phủ Việt Nam muốn trao đổi với chúng tôi về các sản phẩm như máy bay trực thăng phục vụ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ quân đội, chúng tôi rất sẵn lòng. Nhưng đây cũng là những vấn đề cần thảo luận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ”, - ông Nelson nói.
Cũng theo ông Nelson, Boeing đã chính thức khai trương văn phòng tại Việt Nam vào ngày 12/5, với mong muốn có thêm các nhà cung ứng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, lãnh đạo Boeing đã xem xét mối quan hệ với các nhà cung ứng sản phẩm cho tập đoàn tại Việt Nam, cũng như nghe tư vấn, kiến nghị để định hình những việc Boeing có thể làm, nên làm tại Việt Nam trong tương lai.
“Bản thân tôi cũng có vai trò là nhà tư vấn về cơ hội, sự phát triển hàng không của Việt Nam", - ông Nelson nói, đồng thời cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mà ông đến làm việc kể từ khi nhận chức vụ Chủ tịch Boeing toàn cầu vào tháng 1/2023.
Việc Boeing chính thức khai trương văn phòng tại Việt Nam được coi là tín hiệu tốt trong bối cảnh Boeing hợp tác chặt chẽ với ngành hàng không vũ trụ của Việt Nam suốt gần 30 năm qua.
Hãng đã tập trung cộng tác và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành sản xuất, dịch vụ kỹ thuật, an toàn hàng không, bền vững, cũng như nghiên cứu và công nghệ.
“Mối quan hệ giữa tập đoàn Boeing và Việt Nam đang lớn mạnh từng ngày, không ngừng hợp tác để phát triển năng lực hàng không vũ trụ của đất nước. Văn phòng mới này sẽ giúp Boeing phục vụ khách hàng bản địa cũng như các bên liên quan tốt hơn, đồng thời tạo dựng nền tảng vững mạnh cho sự tăng trưởng trong tương lai”, - ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam cho biết.
Hỗ trợ phát triển công nghiệp hàng không Việt Nam
Ông Bredan Nelson cũng khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển công nghiệp hàng không.
Việc Boeing chính thức khai trương Văn phòng Boeing Việt Nam tại Hà Nội sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng lực lượng lao động của hãng tại Việt Nam, xây dựng chuỗi cung ứng tốt hơn và lớn hơn từ các doanh nghiệp trong nước.
Việc đặt Văn phòng Boeing thường trực tại Việt Nam cũng khẳng định cam kết thường trực và dài hạn của Boeing đối với ngành hàng không Việt Nam.
"Chúng tôi mong muốn và tin rằng sẽ có thêm nhà cung ứng tại Việt Nam. Trách nhiệm của chúng tôi là huấn luyện, đào tạo các doanh nghiệp Việt Nam để đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, an toàn cũng như các yêu cầu về chứng chỉ, để các nhà cung ứng tại Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của Boeing", - ông Nelson chia sẻ thêm.
Bên cạnh việc cung cấp máy bay thế hệ mới giảm phát thải ít nhất 20% khí nhà kính, Boeing còn ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất vận hành của ngành hàng không; xây dựng chuỗi cung ứng cho ngành hàng không; hỗ trợ đào tạo phi công, kỹ sư, kỹ thuật viên cho hàng không Việt Nam…
Ở thời điểm hiện tại, 6 nhà cung ứng của Boeing tại Việt Nam có đến 95% nhân viên và lãnh đạo là người Việt Nam.
Về khả năng xây dựng trung tâm bảo dưỡng máy bay tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam), ông Michael Nguyễn cho biết, đến nay Boeing chưa có quyết định nào về việc xây dựng trung tâm bảo dưỡng máy bay tại Chu Lai. Tuy nhiên, tập đoàn đã làm việc với các hãng hàng không Việt Nam để xem xét nhu cầu về trung tâm bảo dưỡng máy bay.
"Tiêu chí thành lập trung tâm bảo dưỡng máy bay hay không cần phải có đủ số lượng máy bay đảm bảo cho việc vận hành của trung tâm", - ông Michael Nguyễn bổ sung thêm.
“Doanh nghiệp cần đi trước khi chạy”
Boeing là một trong những tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới, chuyên phát triển, sản xuất và bảo trì máy bay thương mại, các sản phẩm quốc phòng và hệ thống hàng không vũ trụ tại hơn 150 quốc gia.
Là một nhà xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ, tập đoàn tận dụng nguồn nhân tài từ các nhà cung cấp toàn cầu để tăng cường cơ hội kinh tế, tính bền vững và tác động đến cộng đồng.
Boeing cam kết thực hiện các phát kiến đổi mới tương lai, dẫn đầu về phát triển bền vững, cũng như nuôi dưỡng một nền văn hoá doanh nghiệp dựa trên các giá trị cốt lõi về an toàn, chất lượng và tính chính trực.
Theo nhiều chuyên gia, trong 30 năm tới, Đông Nam Á sẽ cần tới 4.000 máy bay, trong đó Việt Nam là nước dẫn đầu về nhu cầu này. Và Boeing mong muốn trở thành nhà cung cấp chiến lược cho Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Boeing cũng mong tìm kiếm các nhà sản xuất, cung ứng và hợp tác với các trường đại học Việt Nam. Theo ông Michael Nguyễn, hiện Boeing có 7 nhà cung cấp đặt cơ sở tại Việt Nam, nhưng chỉ có 1 công ty của Việt Nam. Về lâu dài, tập đoàn muốn được làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp Việt Nam bởi hiện tại đa phần phải thông qua các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.
"Chúng tôi thực sự muốn được làm việc thẳng với các công ty Việt Nam, nhưng doanh nghiệp trong nước cần tập đi trước khi chạy. Chúng tôi rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh và chạy nhanh", - ông Michael Nguyễn chia sẻ.
Đối với các trường đại học, Boeing mong muốn hợp tác với các trường để đào tạo nhân lực về khoa học.