VOV dẫn lời ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) - người đứng tên làm đơn thay mặt hàng nghìn doanh nghiệp, cho biết doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn do quy định trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu nhiều bất cập.
Cụ thể, các chủ cây xăng cho rằng Nghị định 95 được xây dựng trên cơ sở có lợi cho doanh nghiệp đầu mối. Trong quá trình xây dựng Nghị định, doanh nghiệp bán lẻ không được mời tham gia góp ý dù họ là thành phần rất lớn tham gia thị trường, đồng thời doanh nghiệp bán lẻ bị coi nằm trong hệ thống của doanh nghiệp đầu mối.
Từ đó dẫn đến rất nhiều sai lầm và gây ra hệ lụy về thao túng nguồn hàng, chặn không cho doanh nghiệp bán lẻ mua hàng khi điều chỉnh giá có lợi để hưởng chênh lệch giá và xả hàng khi giá có xu hướng giảm.
Theo doanh nghiệp bán lẻ, điều này khiến cho họ thua thiệt và luôn ở thế bị động về nguồn hàng, về lợi ích, từ đó liên tục xảy ra xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ.
Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức đáng được hưởng, vì trong Nghị định 95 quy định không rõ ràng, không ghi cụ thể tỷ lệ chi phí và lợi nhuận định mức giữa khâu bán buôn và bán lẻ. Chính vì không phân chia rõ tỷ lệ các khâu nên doanh nghiệp bán lẻ luôn bị thiệt thòi và bất lợi, thua lỗ kéo dài.
Bên cạnh đó, nghị định cho phép nhà cung cấp (thương nhân phân phối) lấy hàng nhiều nơi đổ cùng 1 bồn để bán để đảm bảo quản lý được chất lượng, trong khi đó doanh nghiệp bán lẻ không được phép lấy hàng từ nhiều nguồn vì sợ không đảm bảo chất lượng.
Vì quy định này nên nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã thành lập thêm các công ty con của gia đình để đối phó nhằm lấy được nhiều nguồn hàng, làm tăng thêm số lượng doanh nghiệp, nhưng chất lượng không tăng, gây thất thu thuế cho nhà nước.
Từ những lý do trên, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng lập tổ đánh giá lại Nghị định 95, đồng thời việc sửa đổi Nghị định phải được lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp bán lẻ. Nhóm này mong muốn Thủ tướng sớm ban hành Nghị định về xăng dầu không trễ hơn quý II.
“Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Nghị định để mong sao có những quy định đảm bảo có đủ chi phí cho doanh nghiệp hoạt động. Thậm chí chúng tôi cũng có nhã ý là những lúc xăng dầu thế giới biến động lớn, chúng tôi không cần lãi mà chỉ cần đủ chi phí duy trì hoạt động nhằm góp phần bình ổn thị trường… Tuy nhiên, chúng tôi trông chờ mãi mà vẫn chưa thấy Nghị định mới được ban hành", đơn thư nêu.