Theo các nguồn tin chính thức Việt Nam, trong năm 2023, Việt Nam sẽ ban hành phiên bản cập nhật Luật Viễn thông, trong đó có nghị định về quản lý, sử dụng thông tin trên mạng.
Đề tài này đang nóng trong dư luận xã hội và các trang mạng xã hội cũng như báo chí Việt Nam. Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên sâu về đề tài “tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh” với ông Nguyễn Hồng Long - chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam.
Việc sửa đổi Luật Viễn thông nhằm nhiều mục đích
Sputnik: Thưa chuyên gia Nguyễn Hồng Long, sắp tới, Việt Nam sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh. Cụ thể yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok...
Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết, tính cấp bách và tầm quan trọng của quyết định này?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet cao hàng đầu thế giới. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 70,28 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 70% tổng dân số, tăng hơn 0,5% so với năm 2021 và vẫn đang có dấu hiệu tăng lên. Đối với mạng xã hội, Việt Nam có hơn 72 triệu người hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giải trí, liên kết, chia sẻ và kể cả quảng cáo…
Sau 35 năm kết nối với Internet quốc tế, bên cạnh những lợi ích rất lớn thì hiển nhiên, cũng có những hệ quả xấu. Trong đó, có việc không gian Internet và các nền tảng mạng xã hội nước ngoài đang được người dân sử dụng đã bị các thế lực phản động, thù địch lợi dụng để chống phá Việt Nam cũng như các đối tượng phạm tội khác lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Thực trạng những diễn biến tiêu cực trên không gian mạng thời gian qua, từ những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia đến việc lộ lọt thông tin của tổ chức và cá nhân, sử dụng trái phép thông tin của tổ chức, cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội; từ việc quảng cáo sai sự thật đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; từ việc lợi dụng mạng xã hội để tổ chức đánh bạc, buôn người, mại dâm đến các tệ nạn xã hội.v.v… cho thấy cần sửa đổi Luật Viễn thông để bịt kín các kẽ hở, lỗ hổng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tiếp theo việc ban hành Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Luật giao dịch điện tử.v.v… Trong năm 2023, chương trình lập pháp của Quốc hội Việt Nam sẽ có nhiệm vụ xem xét sửa đổi Luật Viễn thông nhằm đồng bộ hóa với các đạo luật có cùng đối tượng điều chỉnh. Việc sửa đổi Luật Viễn thông có nhiều mục đích:
Về kinh tế là để bảo đảm kiến tạo tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thuận tiện, loại trừ thông tin giả mạo gây ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp;
Về xã hội là để lành mạnh hóa môi trường thông tin mạng xã hội theo hướng văn hóa, văn minh, loại trừ những thông tin phản văn hóa, suy đồi, không phù hợp với môi trường xã hội văn minh, hiện đại.
Về an ninh là nhằm bảo đảm ngăn chặn các hành vi phạm tội trên không gian mạng hoặc sử dụng không gian mạng để thực hiện hay hỗ trợ thực hiện các hành vi phạm tội khác.
Về quốc phòng là nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
“Danh chính thì ngôn thuận”
Sputnik: Như vậy, vấn đề này trong năm nay sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể, khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi. Trong dự luật này đã quy định sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như là các nền tảng trong nước. Việc này sẽ tạo điều kiện cho việc quản lý an ninh mạng, bảo vệ người sử dụng mạng xã hội như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Hiện nay, việc các nền tảng ứng dụng OTT có máy chủ đặt ở nước ngoài đã gây quá nhiều khó khăn trong việc truy vết những kẻ phạm tội không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác. Sở dĩ có khó khăn này là vì các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng OTT của nước ngoài đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam cho phép người dùng ẩn danh. Ngay cả trong trường hợp các doanh nghiệp chủ quản các ứng dụng này có trụ sở, văn phòng đại diện tại Việt Nam thì họ thường lấy cớ để bảo mật thông tin khách hàng để không hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra truy tìm tổ chức và cá nhân phạm tội. Do đó, việc xác định danh tính thực của người dùng mạng xã hội sẽ góp phần bảo đảm trật tự an ninh trên không gian mạng tại Việt Nam cũng như trong xã hội Việt Nam.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Danh chính thì ngôn thuận”. Một khi người dùng các ứng dụng OTT, nền tảng mạng xã hội được chính danh thì khi đó, mọi quyền lợi hợp pháp cũng như nghĩa vụ của họ sẽ được bảo đảm bằng pháp luật của Việt Nam chứ không phải bằng quy định riêng của “nhà mạng” mà trong nhiều trường hợp, các quy định này trái với pháp luật Việt Nam, vi phạm chủ quyền của Việt Nam hoặc trái với văn hóa, đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc xác định chính danh người dùng các nền tảng ứng dụng OTT còn giúp ích rất nhiều cho chính người dùng, sẽ hạn chế tối đa hoạt động phạm tội chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản của các hacker, hạn chế việc giả mạo để thực hiện các hành vi phạm tội theo kiểu ném đá giấu tay.
Giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức
Sputnik: Quy định về việc chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh sẽ giúp ích như thế nào trong cuộc chiến chống lại nội dung bị cấm, nội dung xấu trên Internet?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Nhiều nước trên thế giới đã có các động thái siết chặt việc định danh người dùng trên không gian mạng chứ không riêng gì Việt Nam. Tháng 4-2023, Hạ nghị viện của Cơ quan lập pháp tiểu bang Arkansas (Mỹ) đã thông qua dự luật cấp tiểu bang yêu cầu người dùng mạng xã hội chứng minh bản thân phải đủ 18 tuổi trở lên. Tờ Arkansas Times cho biết, dự luật này nhằm mục đích bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi tác hại của mạng xã hội. Những người trẻ dưới 18 tuổi chỉ có thể sử dụng các nền tảng mạng xã hội khi được cha mẹ cho phép.
Trước đó 2 năm, tháng 4-2021, Chính phủ Australia đã ban hành quy định yêu cầu người dân cung cấp 100 điểm nhận dạng để đăng ký tài khoản trên mạng xã hội. Theo báo Sydney Morning Herald, biện pháp này là một trong 88 khuyến nghị được đưa ra trong một báo cáo của ủy ban quốc hội liên bang nhằm giảm bạo lực gia đình và bạo lực tình dục. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ ngăn người dùng sử dụng tài khoản ẩn danh để lạm dụng và quấy rối người khác.
Tháng 10-2021, trang web của Thượng viện Pháp đã công bố một dự luật mới đề xuất thành lập một cơ quan giám sát độc lập, chịu trách nhiệm thu thập danh tính người dùng khi họ đăng ký với các nền tảng trực tuyến. Dự luật mới được kỳ vọng sẽ ngăn chặn nạn bắt nạt trên mạng gia tăng và giúp việc truy tố những kẻ phạm tội trở nên dễ dàng hơn.
Tại Việt Nam, những dự kiến về quy định xác định danh tính người dùng trên mạng đã được đề xuất ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua và Chủ tịch nước ký ban hành Luật An ninh mạng năm 2017. Tuy nhiên, những dự kiến đó chưa thực hiện được vì nhiều lý do chủ quan và khách quan cũng như nhiều luồng ý kiến phản biện, bao gồm cả phản biện hợp lý lẫn phản biện bất hợp lý, thậm chí có cả những kẻ lợi dụng phản biện để chống đối, xuyên tạc, bịa đặt rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền trên không gian mạng.v.v…
Đến hiện tại, khi trên không gian mạng xuất hiện nhiều vụ việc phạm tội lừa đảo, xâm phạm danh dự cá nhân và tổ chức, buôn người, đánh bạc với mật độ ngày càng dày đặc thì ngay cả những người do dự nhất trong việc siết chặt quản lý không gian mạng của phải tự vấn mình về những gì mà họ đã phản đối, đã nhận thức sai khi Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng 2017 quy định khá chi tiết 18 nhóm hành vi bị cấm trên không gian mạng. Tuy nhiên, trong trường hợp những kẻ vi phạm hoặc ẩn danh, hoặc đăng ký tên miền tại máy chủ ở nước ngoài thì việc truy vết sẽ rất khó khăn. Còn khi đã truy vết được thì việc xử lý gần như là không thể.
Trong nhiều vụ án từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng diễn ra trên không gian mạng hoặc có liên quan đến nền tảng không gian mạng, các “nhà mạng” thường lấy cớ người dùng ẩn danh hoặc không khai báo danh tính để lẩn tránh trách nhiệm cung cấp thông tin của nghi can cho cơ quan điều tra. Do đó, việc xác định danh tính người dùng trên mạng xã hội là cần thiết như vẫn cần sự hợp tác của các “nhà mạng” đang hoạt động tại Việt Nam, buộc họ phải có văn phòng đại diện tại Việt Nam, phải nộp thuế doanh thu và phí sử dụng hạ tầng cơ sở mạng của Việt Nam và buộc phải cung cấp thông tin cá nhân trung thực, đầy đủ cho cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam khi có sự việc vi phạm pháp luật xảy ra mà có liên quan đến nền tảng ứng dụng trên không gian mạng.
Tóm lại, việc quản lý, định danh các tài khoản số sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Hơn nữa, nhìn vào thực trạng các vấn nạn lừa đảo, tin giả ngày càng xuất hiện tràn lan và hoành hành trên không gian mạng Việt Nam hiện nay, gây thiệt hại không nhỏ về vật chất lẫn mất niềm tin của nhiều người dân thì chủ trương định danh tài khoản trên mạng xã hội là rất đáng hoan nghênh và chắc chắn tuyệt đại đa số người dân Việt Nam sẽ ủng hộ bởi các biện pháp ấy sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng.
Những rủi ro liên quan đến việc thắt chặt kiểm soát mạng
Sputnik: Thường thì vấn đề nào cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực của việc định danh người dùng trên không gian mạng đã được nêu ra ở trên. Vậy theo ông, những rủi ro liên quan đến việc thắt chặt kiểm soát mạng là gì?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Việc thắt chặt kiểm soát không gian mạng sẽ có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của “nhà mạng”. Trong đợt “truy quét SIM rác” vừa qua, đã có tới 1,2 triệu số thuê bao hoặc là ảo, hoặc là không xác định chính chủ đã bị loại bỏ và phần lớn trong số đó là SIM trả trước tiền cước sử dụng. Nếu chỉ tính trung bình mỗi SIM đó có giá 200.000 VND thì tổng số thiệt hại về kinh tế là không lớn, chỉ khoảng 2,4 tỷ VND nhưng lợi ích đem lại thì rất lớn. Nhờ đó mà không gian mạng ở Việt Nam trở nên sạch sẽ hơn đôi chút nhưng các nhà mạng thì lại rất lo ngại đến doanh thu của họ.
Nếu các mạng xã hội yêu cầu buộc người dùng cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân, thậm chí là những thông tin không thật sự cần thiết, họ có quyền tiếp tục sử dụng hoặc dừng sử dụng. Trong trường hợp họ muốn tiếp tục sử dụng, họ phải chấp nhận việc các thông tin này có thể được sử dụng theo thỏa thuận với mạng xã hội hoặc nguy cơ dữ liệu cá nhân được sử dụng cho bên thứ ba hoặc bị lộ lọt do hacker tấn công. Do đó, người dùng mạng xã hội vẫn không thể yên tâm khi khai báo thông tin định danh vì:
Vấn nạn mua bán thông tin cá nhân vẫn đang hoành hành trên không gian mạng, chủ yếu là để quảng cáo, bán sản phẩm và không loại trừ có sự tiếp tay của chính các “chủ mạng”.
Với công nghệ AI hiện đại, việc giả mạo nhân dạng để nhận diện là hoàn toàn có thể, và pháp luật cũng như các cơ quan an ninh Việt Nam hiện chưa có những biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn vấn nạn này trên không gian mạng.
Người sử dụng không gian mạng có thể bị đối tượng mạo danh rồi trốn tránh bằng cách đăng ký tài khoản thông qua tên miền, máy chủ mạng ở những nước không có quy định định danh để lẩn tránh pháp luật Việt nam. Trong trường hợp này, rất cần có quy định hợp tác của các “chủ mạng” và họ bắt buộc phải chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam nếu muốn còn được hoạt động trên hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam.
Vì phần lớn các nền tảng mạng xã hội có doanh thu chủ yếu từ khai thác quảng cáo nên nếu họ buộc người dùng cung cấp nhiều thông tin không hợp lý, mạng xã hội hay ứng dụng OTT có thể mất đi một số lượng lớn người dùng và có thể ảnh hưởng đến số lượng doanh thu của họ. Ngoài ra, việc định danh cá nhân ở mức độ nào là phù hợp để có thể lường trước được tính phức tạp khi thi hành. Việc xác thực định danh eKYC (giải pháp định danh xác thực khách hàng điện tử) tương tự như ngân hàng hay tổ chức tài chính là vấn đề không đơn giản với mạng xã hội, nơi có hàng trăm triệu người dùng. Đối với các “nhà mạng” đang lưu hành ở Việt Nam nhưng lại không đặt trụ sở hay văn phòng đại diện ở Việt Nam thì việc thực thi còn khó khăn hơn nữa.
Một trong những khó khăn khác liên quan đến công tác điều tra tội phạm cần được phải tính đến khi Bộ Thông tin truyền thông đề xuất áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc xóa bỏ dữ liệu người dùng có hành vi vi phạm một khi danh tính của họ đã được xác định trên môi trường mạng. Bộ Công an không hoan nghênh việc xóa ngay lập tức các tài khoản vi phạm quy định của pháp luật vì như vậy, vô hình trung sẽ xóa luôn bằng chứng phạm tội hoặc hoặc dấu hiệu phạm tội của đối tượng. Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông để hiệu chỉnh các dự thảo quy định sao cho phù hợp nhất, thuận tiện nhất cho cả doanh nghiệp mạng, cơ quan quản lý thông tin truyền thông và người sử dụng nền tảng mạng; đồng thời tránh được các rủi ro không mong muốn.
Bảo vệ không gian chủ quyền thứ tư
Sputnik: Theo đánh giá của ông thì vì sao ngày càng có nhiều quốc gia nói về chủ quyền đối với các thị phần quốc gia của World Wide Web?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam:
Thông thường, một quốc gia có ba lĩnh vực để xác định chủ quyền. Một là lãnh thổ đất liền và hải đảo, bao gồm cả dưới lòng đất. Hai là vùng biển, bao gồm cả mặt biển, lòng biển và lòng đất dưới đáy biển. Ba là vùng trời có chiều cao tới hạn ở dưới tầm bay của quỹ đạo vệ tinh. Từ khi Internet ra đời, không gian mạng ngày càng có tầm quan trọng đối với chủ quyền, an ninh quốc gia nên khái niệm chủ quyền Internet dần hình thành và tạo nên không gian chủ quyền thứ tư sau ba không gian chủ quyền truyền thống nói trên.
Bên cạnh những tiện ích không thể chối cãi của Internet thì những thế lực đế quốc cũng lợi dụng sự khống chế về công nghệ để thực hiện các hành động xâm lược về thông tin bằng chiến tranh tâm lý trên các ứng dụng nền tảng xã hội. Thông qua các nền tảng này, một thứ chủ nghĩa thực dân mới cũng hình thành. Đó là chủ nghĩa thực dân thông tin. Những hành động truyền bá thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu cáo trên không gian mạng của các thế lực phản động, thù địch có tác dụng thao túng tâm lý của người dùng nhằm các mục đích gây bất ổn có kiểm soát trên toàn cầu nhằm chiếm lợi thế trong các cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị của Mỹ đối với các cường quốc khác; qua đó, duy trì địa vị bá chủ toàn cầu duy nhất của Mỹ trong một thế giới đơn cực.
Loài người đã từng hai lần đấu tranh để thoát khỏi ách nô lệ. Thứ nhất là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ để giành độc lập về chính trị. Thứ hai là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới để giành độc lập về kinh tế. Và bây giờ là cuộc đấu tranh thứ ba để giành độc lập về văn hóa và thông tin, để bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, bảo vệ truyền thống và bản sắc văn hóa của mình. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới quan tâm đến vấn đề chủ quyền đối với các thị phần quốc gia của World Wide Web.
Sputnik: Chân thành cảm ơn chuyên gia Nguyễn Hồng Long vì những thông tin rất bổ ích và cần thiết.