Theo chuyên gia, lãi suất quá cao cũng gây ra làn sóng đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ, thậm chí theo dự báo 186 ngân hàng tại Mỹ có nguy cơ sụp đổ, SBV là một trong những trường hợp điển hình bởi việc không quản trị được rủi ro trong môi trường lãi suất tăng cao.
Với Việt Nam, giới nghiên cứu cho rằng, để tránh bài học của các ngân hàng Mỹ, Việt Nam cần phải sớm có khung xử lý khủng hoảng để mỗi khi có khủng hoảng, sự cố không may xảy ra thì đã có công cụ, bộ khung để xử lý nhanh, gọn và bớt đi sự lan truyền những yếu tố tiêu cực ra thị trường.
Vì sao nhiều ngân hàng Mỹ phá sản?
Hàng loạt vụ phá sản của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và First Republic còn chưa lắng xuống thì mới đây nhất PacWest, một ngân hàng của Mỹ cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ khi người dân tiếp tục rút tiền.
Trình bày trong báo cáo mới nhất, PacWest cho biết việc First Republic bị kiểm soát và bán lại vào đầu tháng 5 “đã làm gia tăng nỗi lo của thị trường và khách hàng về sự sụp đổ của những ngân hàng khác, bao gồm cả PacWest”.
Giới quan sát nhận thấy, hiện nhiều ngân hàng Mỹ hiện đang rơi vào một vòng lặp, khi những tin tức xấu làm tiền gửi tháo chạy và tiền gửi tháo chạy lại tạo thêm tin xấu. Trong đó, giá cổ phiếu lên xuống đã làm tăng nỗi sợ về sự an toàn của tiền gửi và càng đẩy nhanh việc rút tiền.
Đánh giá về tình trạng này, Doanh nghiệp và Kinh doanh dẫn ý kiến của TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phân tích, lãi suất quá cao là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ.
“Thậm chí theo dự báo 186 ngân hàng tại Mỹ có nguy cơ sụp đổ, SBV là một trong những trường hợp điển hình bởi việc không quản trị được rủi ro trong môi trường lãi suất tăng cao”, theo ông Nguyễn Tú Anh.
Thêm nữa, việc lãi suất quá cao làm cho giá tài sản của các ngân hàng này âm nếu tính theo định giá của thị trường. Điều này dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng quản lý yếu kém như SBV, đây là một trường hợp điển hình nắm giữ nhiều trái phiếu.
Chuyên gia phân tích, khi lãi suất tăng cao trong một thời gian ngắn, giá trị những trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng này nắm giữ giảm mạnh làm dấy lên mối lo ngại rủi ro của người gửi tiền, từ đó làn sóng rút tiền ồ ạt đã nổ ra gây sự sụp đổ của SBV, Signature Bank hay First Republic Bank.
Ảnh hưởng đến Việt Nam
Hồi tháng 4, nhận định với báo Kinh tế và Đô thị, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, hệ thống ngân hàng Mỹ đang bị khủng hoảng tại các ngân hàng nhỏ và vừa. Tại một số quốc gia châu Âu, hiện tượng này cũng bắt đầu xuất hiện.
“Với Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức thì tôi cho rằng chưa đáng kể”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Tuy vậy, theo ông, nếu tình hình khó khăn ở Mỹ và châu Âu kéo dài, nhiều hoạt động đầu tư vào Việt Nam có thể gặp khó khăn vì nhà đầu tư sẽ có ý định giảm thiểu rủi ro và ngồi chờ xem có phương án đầu tư nào tốt hơn không, hoặc muốn duy trì tiền mặt để phòng thủ cho doanh nghiệp của mình chứ không mở rộng đầu tư.
“Điều này sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư mở rộng”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh nhận xét về những tác động của cuộc sụp đổ liên tiếp trong hệ thống ngân hàng Mỹ đến Việt Nam là chưa sâu. Tuy nhiên, đã có dự báo, sau Mỹ và châu Âu tình trạng khó khăn có thể sẽ lan đến một số nền kinh tế như Hàn Quốc và Nhật. Lý do một số tổ chức tài chính và hoạt động xuất khẩu ở những nước này gắn chặt với Mỹ và châu Âu.
“Điều đó gợi ý rằng Việt Nam cần có chính sách linh hoạt để ứng biến khi xuất hiện những tình huống bất ngờ”, chuyên gia nhấn mạnh.
Trong một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng Tuấn cũng đã dẫn ý kiến của nhà kinh tế Mohamed El-Erian, Chủ tịch trường Queens’ College của Đại học Cambridge và Cố vấn kinh tế trưởng của tập đoàn Allianz về tình hình đổ vỡ ngân hàng ở Mỹ, qua đó, chỉ ra rằng, cuộc đổ vỡ này đang diễn tiến qua ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 là việc tăng lãi suất quá nhanh sau khi hạ lãi suất và bơm tiền quá mức đã dẫn đến việc đổ vỡ của những ngân hàng quản lý kém như Silicon Valley và First Republic.
Giai đoạn 2 là giai đoạn lây lan. Do cách xử lý lúng túng đối với trường hợp Silicon Valley, những ngân hàng không quá tệ như PacWest và Western Alliance bị ảnh hưởng xấu.
Giai đoạn 3 là một đợt lây lan diện rộng và gây ra “rủi ro thu hẹp tín dụng tăng đáng kể” – một thuật ngữ khác là kiệt quệ tín dụng. Và nếu kiệt quệ tín dụng đột ngột sẽ phải đến lúc phải dùng thuật ngữ “khủng hoảng”.
Bài học cho Việt Nam
Ông Hồ Quốc Tuấn chỉ ra rằng, bài học rõ ràng nhất đó là Mỹ đã lơi lỏng trong việc kiểm soát các ngân hàng nhỏ sau khi thay đổi các điều luật giám sát chặt ngân hàng vào năm 2018.
Sau khủng hoảng 2007-2009, nhiều điều luật để kiểm soát an toàn NH ở Mỹ được đưa ra, nhưng khi đến 2018 thì lại được nới lỏng. Điều đó góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho nhiều khu vực mạo hiểm của nền kinh tế Mỹ (như công nghệ), nhưng cũng tạo ra rủi ro. Mặt khác, lãi suất thấp của giai đoạn trước tạo ra những khoản cho vay và đầu tư rủi ro, như trường hợp ở Mỹ và Trung Quốc.
Tuy vậy, cần lưu ý rằng, nếu siết lại quá nhanh như ở Trung Quốc thì sẽ gây đình trệ nền kinh tế kéo dài và cuối cùng vẫn phải điều chỉnh, kích thích trở lại, nhưng vẫn không thấy khởi sắc còn nếu để nó lỏng lẻo quá lâu thì lại rơi vào tình trạng đổ vỡ hàng loạt như Mỹ hiện nay.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nêu 4 bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ vụ phá sản liên tiếp của các ngân hàng Mỹ.
Đầu tiên, theo ông, đã đến lúc các ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát tài chính tiền tệ quốc gia của mỗi nước phải thường xuyên rà soát lại chính sách và mô hình để giám sát còn phù hợp với thị trường hay không?
Với hệ thống tài chính Mỹ rõ ràng, mô hình hiện nay không còn phù hợp. Như trường hợp SVB, lỗ hổng ở đây là việc cơ quan giám sát ngân hàng của bang chưa có những cảnh báo kịp thời.
Thứ hai, bản thân mỗi tổ chức tài chính luôn phải lưu ý đến hai mặt, một mặt là tăng trưởng và thứ hai là kiểm soát được rủi ro. Trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính, và cần phát triển bền vững.
“Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, Việt Nam cần phải sớm có khung xử lý khủng hoảng để mỗi khi có khủng hoảng, sự cố không may xảy ra thì đã có công cụ, bộ khung để xử lý nhanh, gọn và bớt đi sự lan truyền những yếu tố tiêu cực ra thị trường”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh. Vì vậy, nếu không có những kịch bản, khung xử lý khủng hoảng để khoanh gọn vấn đề thì tác động tiêu cực sẽ lây lan rất nhanh và tạo ra một cuộc khủng hoảng.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tâm lý đám đông cũng là một trong những yếu tố khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, rơi vào vòng xoáy, thị trường chứng khoán, bất động sản ngân hàng cũng bị ảnh hưởng liên thông.
Cuối cùng, theo TS. Lực, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để kiểm soát rủi ro hệ thống đặc biệt là sự liên thông giữa tài chính, bất động sản và nền kinh tế thực.
“Các cơ quan thanh tra - giám sát cần độc lập hơn, vai trò bảo hiểm tiền gửi cũng cần rõ nét hơn. Hiện nay, sự liên thông này khá phức tạp và rộng hơn so với trước đây, các nước cũng hiện cũng đang phải đi theo hướng này”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Phát biểu với Thủ tướng trong cuộc họp hồi tháng 4 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự bất ổn tài chính toàn cầu và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới, trước mắt chưa tác động lớn đến tài chính tiền tệ Việt Nam.
“Tuy nhiên, vấn đề này vẫn phải theo dõi sát vì thị trường biến động sẽ tác động đến dịch chuyển vốn giữa các nền kinh tế”, Thống đốc nêu rõ.
Bà Nguyễn Thị Hồng cũng nhắc lại, trong nước, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định dù thị trường tài chính biến động, tình trạng một số ngân hàng trên thế giới sụp đổ.
Tuy nhiên, qua sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10 năm ngoái cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ với bài học quản trị thanh khoản, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng tập trung hơn vào ổn định, an toàn, cũng như đáp ứng thanh khoản cho người dân.