Báo cáo Chính phủ về đợt sa thải lớn nhất của PouYuen Việt Nam

Về đợt sa thải lớn nhất của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, phần lớn người lao động bị chấm dứt hợp đồng là lao động phổ thông.
Sputnik
Về cơ bản, việc cắt giảm số lượng lớn lao động của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đang được kiểm soát, tuy nhiên, nếu tình hình còn diễn biến khó khăn, kéo dài, nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội.

Báo cáo về đợt sa thải lớn nhất ở Công ty PouYuen Việt Nam

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình cắt giảm lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam.
Theo Bộ Lao động, hồi tháng 2/2023, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người kể từ ngày 1/4/2023.
Đến ngày 9/5/2023, PouYuen Việt Nam tiếp tục thông báo phải chấm dứt hợp đồng lao động với 5.744 lao động.
Trong đó, đợt 1 sẽ chấm dứt vào ngày 24/6/2023 là 4.519 người, đợt 2 sẽ chấm dứt vào ngày 8/7/2023 là 1.225 lao động.
“Trong số lao động bị chấm dứt hợp đồng, có trên 80% nữ giới, khoảng 45% lao động từ 21 - 40 tuổi, trên 50% lao động từ 40 tuổi trở lên, khoảng 60% lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên. Phần lớn trong đó là lao động phổ thông”, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.
Như Sputnik đã đề cập, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam trực thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen Đài Loan. Công ty có trụ sở chính tại TP.HCM, chuyên về sản xuất, xuất khẩu giày thể thao, sử dụng trên 110.000 lao động, trong đó lao động làm việc tại TP.HCM khoảng trên 46.000 – 50.000 người.
PouYuen Việt Nam sắp sa thải gần 6.000 lao động, TP.HCM chỉ đạo khẩn
Trình bày về nguyên nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam chấm dứt hợp động với người lao động, báo cáo cho hay, là do “gặp khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh vì thiếu các đơn hàng mới do các nước thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu về hàng hóa dệt may, da giày”, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu và tác động của xung đột Nga - Ukraina.
Trước đó, khi gặp gỡ với các ngành chức năng và chính quyền, đại diện Công ty PouYuen thừa nhận, tình hình doanh nghiệp hiện đang “không ổn”. Do các nhãn hàng gia công sụt giảm số lượng nên từ tháng 12/2022, công ty đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, sắp xếp người lao động nghỉ luân phiên bố trí lao động sang các xưởng sản xuất và thỏa thuận ngừng việc.
Trong trường hợp kế hoạch sa thải số lượng lớn lao động được thực hiện, đây sẽ là đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn nhất kể từ khi PouYuen hoạt động ở TP.HCM từ năm 1996.

Nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn

Trước tình hình trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn, giải đáp các chế độ chính sách cho người lao động của công ty PouYuen Việt Nam.
Đã rõ kế hoạch cắt giảm hàng nghìn lao động ở PouYuen Việt Nam
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc. Theo đó, cứ mỗi năm làm việc tại Công ty, người lao động được chi trả 0,8 tháng tiền lương; trong thời gian báo trước việc chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không đến làm việc vẫn được Công ty trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ.
Cùng với việc hướng dẫn và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp, là tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động.
Bộ cho biết, ngay trong quý I/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh đã tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm cho lao động của công ty với 5 doanh nghiệp khác có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.000 lao động.
“Về cơ bản, việc cắt giảm số lượng lớn lao động của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đang được kiểm soát”, đại diện Bộ LĐTBXH nói.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng, xung đột Nga - Ukraina không được cải thiện, thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.
Điều này tạo ra thách thức lớn trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Giải pháp nào cho tình thế khó khăn?

Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh, để giải quyết tình hình khó khăn nêu trên, cần phải có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Tong đó tập trung vào các nhóm giải pháp như thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua giảm lãi suất vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng…
Cùng với đó là đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường kết nối cung - cầu để giải quyết việc làm cho người lao động cũng như để kịp thời điều tiết, hạn chế tình trạng nơi thừa lao động, nơi không tuyển được lao động.
Từ vụ PouYuen: Lộ nguy cơ bất ổn và chỉ đạo "thấu tình" của Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi
“Nắm bắt, kịp thời ngăn chặn việc người lao động bị lôi kéo, kích động từ bên ngoài, gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người lao động đang làm việc”, Bộ lưu ý.
Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo, có phương án hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết.
Bộ Lao động cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về lao động, bảo hiểm xã hội bố trí nhân lực, hướng dẫn và tổ chức chi trả kịp thời các chính sách cho người lao động; chỉ đạo tổ chức dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, UBND các tỉnh, thành thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Cùng với đó là phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để bổ sung nguồn vốn và nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thảo luận