Biểu tình ở Hiroshima trước hội nghị thượng đỉnh G7

MOSKVA (Sputnik) - Các cuộc biểu tình và mít tinh phản đối đang diễn ra ở Hiroshima, nơi hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc vào thứ Sáu, phóng viên Sputnik đưa tin từ hiện trường.
Sputnik
Cuộc tuần hành với các khẩu hiệu "Phản đối Hội nghị thượng đỉnh Hiroshima!", "Nói Không với hội nghị thượng đỉnh đế quốc G7!", "Nói Không với chiến tranh hạt nhân!", "Nói Không với chiến tranh và xâm lược Trung Quốc!", "Chúng tôi không cho phép chiến tranh xâm lược Trung Quốc!" đi qua các đường phố Hiroshima trong vòng vây dày đặc của cảnh sát. Có chỗ thấy cảnh sát có vẻ nhiều hơn người biểu tình. Nhìn chung cảnh sát đã hành xử một cách kiềm chế, nhưng cũng có trường hợp người biểu tình bị đẩy từ phía sau để đi nhanh hơn hoặc bị bật ra khỏi đám đông. Để đáp trả nhiều người biểu tình đã lấy xích khóa mình lại với nhau và đi theo hàng lối.
"Hôm nay chúng tôi đã tập hợp được khoảng 350 người. Khoảng một phần ba là sinh viên. Chúng tôi bắt đầu tổ chức biểu tình từ hôm qua và sẽ tiếp tục hàng ngày. Hôm nay còn có một cuộc mít tinh nữa, sau đó mọi người sẽ kéo đến Nhà vòm bom nguyên tử (trước năm 1945 đây là Trung tâm Triển lãm Thương mại và công nghiệp Hiroshima. Đó cũng là tòa nhà duy nhất còn sót lại gần tâm chấn vụ nổ)", - Ryo Miyahara, lãnh đạo ban điều hành phong trào "Hiroshima chống chiến tranh hạt nhân", người tổ chức cuộc biểu tình cho biết.
Năm 2023 Nhật Bản đảm nhận chức chủ tịch G7. Hội nghị thượng đỉnh G-7 diễn ra tại Hiroshima ngày 19-21 tháng 5.
Ngoài các nước G7, Ấn Độ, Úc, Brazil, Hàn Quốc, Việt Nam và ba nước khác được lời mời tham dự hội nghị cấp cao ở Hiroshima: Indonesia đương nhiệm chức chủ tịch ASEAN, Quần đảo Cook chủ trì Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, Liên bang Comoros đang là chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi. Ngoài các quốc gia này, người đứng đầu bảy tổ chức cũng được lời mời tham dự hội nghị: Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới, WHO và WTO.
Thảo luận