Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan có sách viết riêng là 30 cuốn, chủ biên 10 cuốn, đồng tác giả 10 cuốn sách về đề tài này. Ông được Hội Xuất bản Việt Nam và Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam trao giải Bạc cho cuốn “Hồ Chí Minh tiểu sử” vào năm 2007 và rất nhiều giải thưởng cao quý khác.
Sputnik có buổi trò chuyện thú vị với Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan cùng những câu chuyện về Hồ Chí Minh chưa bao giờ được kể.
Đại tá, TS sử học Nguyễn Văn Khoan vẫn miệt mài nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh
© Sputnik / Lena Chu
Nhiệm vụ đối với Tổ Quốc và Nhân dân
Sputnik: Xin chào Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan! Xin Đại tá cho biết điều gì thôi thúc ông đến với việc nghiên cứu và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan:
Những năm 60 của thế kỷ trước, tôi là cán bộ tuyên truyền, huấn luyện của Binh chủng Thông tin liên lạc, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong quá trình công tác, tôi đọc được câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc liên lạc là việc quan trọng nhất, hàng đầu trong công tác cách mạng. Vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”.
Qua các sách báo trong nước và nước ngoài, tôi chưa thấy ai đề cập đến ý kiến này. Từ đó, tôi cố gắng tìm hiểu về Hồ Chí Minh hay toàn bộ con người và sự nghiệp của Chủ tịch.
Thời gian tại ngũ, bên cạnh công việc chính, tôi tìm đến các thư viện, bảo tàng, đến gặp các nhân chứng lịch sử “liên quan” đến Hồ Chí Minh ở nước Nga, Pháp, Trung Quốc ..Những cuộc “tìm kiếm” ấy đã cho tôi một nhiệm vụ, một mong ước là phải “tiếp tục nghiên cứu về Hồ Chí Minh”.
Sau khi rời quân ngũ, tôi có hơn 10 năm là cộng tác viên của Viện Mác-Lênin-Hồ Chí Minh trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, tôi có thêm nhiều tài liệu để tiếp tục mong ước của mình là “để nhân dân Việt nam và bạn bè thế giới hiểu thêm về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”
Qua thân thế và sự nghiệp của Người, họ có thể thấy một điều gì đó “có ích đối với họ” trong lao động, chiến đấu, sinh hoạt, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi tự coi công việc này là một nhiệm vụ đối với Tổ Quốc và Nhân dân.
Cuốn sách "Phong cách Hồ Chí Minh" của Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan
© Sputnik / Lena Chu
‘Tôi gần như thất nghiệp’
Sputnik: Vào tháng 12/1962, Đại tá có vinh dự phục vụ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người tiếp Đại tướng Liên Xô Pavel Batov trong dịp Đại tướng sang thăm Việt Nam. Xin Đại tá có thể chia sẻ kỷ niệm đó với độc giả Sputnik?
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan:
Vào tháng 12/1962, tôi có vinh dự được phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại , đón chào Đại tướng Pavel Batov trong dịp Đại tướng cùng phái đoàn quân sự Liên Xô sang thăm Việt Nam.
Tôi gần như “thất nghiệp” vì Đại tướng Batov và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với nhau bằng tiếng Nga. Tôi chỉ ngồi lắng nghe. Đại tướng Batov có hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Đồng chí có nhớ đến đồng chí X trong lữ đoàn quốc tế quân tình nguyện chống Franco, người Hungary, không?
Nhớ chứ! Bây giờ đồng chí ấy ở đâu, sức khỏe thế nào?
Hiện là Thứ trưởng trong chính phủ Hungary.
Nhờ Đồng chí Đại tướng chuyển lời chúc sức khở và gia đình đồng chí ấy…
Tôi nghĩ, có lẽ vào những năm 1935-1936 Nguyễn Ái Quốc đã tham gia lữ đoàn này. Đây là sự kiện mà các tài liệu chưa thấy đề cập tới.
Đại tá, TS sử học Nguyễn Văn Khoan vẫn miệt mài nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh
© Sputnik / Lena Chu
Những cuốn sách “sống”
Sputnik: Đại tá có thể chia sẻ về cuốn sách đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh được xuất bản hay không? Trong số những cuốn sách nào về Người mà ông tâm đắc nhất, cuốn sách nào công phu nhất?
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan:
Cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là sách “Lên án Chủ nghĩa thực dân Pháp” bằng tiếng Pháp, in ở Paris năm 1923, khi Nguyễn Ái Quốc đang ở Nga. Theo suy nghĩ của tôi, Hồ Chí Minh không quan tâm quá nhiều đến viết sách, trừ những trường hợp cần thiết.
Hồ Chí Minh chủ trương theo truyền thống Việt Nam về “Nhân cách” con người, coi “một tấm gương cụ thế, giá trị hơn 100 bài tuyên ngôn”. Đạo đức của con Người , nhất là người có trách nhiệm với Dân , với Nước là “phải gương mẫu”, là tấm gương để “thu phục lòng Người”, để “người gần đi theo mình, người xa đến với mình”; bằng những hành động cụ thể, thực tiễn, coi đó là những cuốn sách “sống”, không viết bằng chữ, “trăm đọc không bằng một thấy”.
Cái khó nhất khi viết về Hồ Chí Minh
Sputnik: Sau nhiều năm nghiên cứu về Bác, theo Đại tá, phẩm chất đáng quý nhất ở con người Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì?
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan:
Cũng như đối với công dân mọi nước khác, phẩm chất đáng quý nhất ở Hồ Chí Minh là “Lòng yêu nước”.
Tôi liên tưởng đến một áp phích ở Liên Xô những năm 1939-1941 có tựa đề “Tổ Quốc kêu gọi” (Мать зовёт), kêu gọi “Lòng yêu nước”. Chính lòng yêu nước được đặt lên trên hết của Hồ Chí Minh đã “Đại đoàn kết” được các dân tộc Việt Nam để đi đến “Đại thành công”.
Sputnik: Vậy theo Đại tá, cái khó nhất khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì? Ông có thể chia sẻ về cuốn sách tiếp theo của mình về Hồ Chủ tịch được không?
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan:
Qua hiểu biết còn hạn hẹp, qua những tài liệu đã công bố, mà còn khá nhiều tư liệu ở trong nước, ở nước ngài cho rằng những bài viết của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong những năm 1917 - 1950, là mang tính “đích thực” của Hồ Chí Minh.
Từ những năm 1950 - 1969, có bài của Hồ Chí Minh đã bị cắt xén, sửa chữa, đảo ngược tựa đề …tức là không con 100% của Hồ Chí Minh nữa. Vì vậy, tôi rất cẩn thận khi tiếp cận với các bài viết của Hồ Chí Minh từ sau năm 1950.
Tôi có mong ước viết một cuốn sách về Hồ Chí Minh khoảng 20-30 trang, như một cuốn sách ở Nga đã xuất bản. Thật đúng như Hồ Chí Minh tâm sự “Viết dài đã khó, viết ngắn mà đầy đủ còn khó hơn nhiều”.
Vì một tương lai hòa bình, tươi đẹp
Sputnik: Dành trọn cả đời để nghiên cứu và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tá có lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ hiện nay về công việc này?
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Khoan:
Thanh niên là tinh hoa, là tương lai của đất nước. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã khuyên dạy thanh niên là “Phải rèn luyện ý chí” theo truyền thống mấy ngàn năm dựng nước của Việt Nam. Hồ Chí Minh có dặn dò thanh niên: “Một người có ý chí, hơn vạn người không có ý chí”, “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, có chí ắt làm nên”.
“Ngọn núi” trước mắt của thế hệ trẻ hiện nay ở Việt Nam là “lạc hậu, nghèo đói, giáo điều”. Hồ Chí Minh đã viết từ những năm 1924 “Cách mạng là đổi mới. Đổi cũ ra mới, đổi xấu ra tốt. Có cái cũ mà tốt vẫn phải giữ. Có cái hay của bạn bè, phải học tập. Mà học là để “lấy kiến thức to, chứ học không phỉa để làm quan to”.
Tôi mong thanh niên hai nước Việt-Nga và thanh niên toàn thế giới nắm tay nhau, chung sống hòa bình, gìn giữ hòa bình, cùng nhau xây dựng hành tinh của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn.