Chiều ngày 17/5/2023, Văn phòng Quốc hội ban hành văn bản số 2298/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại phiên họp thứ 23. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phạm vi áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng như đã quy định tại Nghị quyết 43/2/22/QH15ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
So với đề xuất của Chính phủ, những hàng hóa, dịch vụ thuộc các lĩnh vực sau đây tiếp tục không được giảm 2% thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT): Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Liên quan đến vấn đề giảm 2% thuế GTGT có rất nhiều bàn luận và tranh luận trong giới chuyên gia và doanh nghiệp. Sputnik đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam để làm rõ hơn chủ đề này.
Không giảm 2% GTGT cho các ngành không thuộc lĩnh vực lĩnh vực sản xuất của cải vật chất là hợp lý
Trước câu hỏi của phóng viên Sputnik, vì sao không giảm 2% GTGT cho các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông và những lĩnh vực kể trên, chuyên gia Nguyễn Hồng Long phát biểu:
Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15, các đại biểu cho rằng trước đó hơn 1 năm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43, trong đó có nội dung giảm 2% thuế GTGT đối với phần lớn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và không giảm 2% thuế GTGT đối với các lĩnh vực kinh doanh kể trên là hợp lý bởi các lý do sau đây:
Xét về kinh tế thuần túy thì các hoạt động kinh doanh tài chính, ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm đều không thuộc lĩnh vực sản xuất của cải vật chất. Lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh này là lợi nhuận thứ sinh do lợi nhuận của các nhà sản xuất mang lại. Căn cứ vào chủ trương chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch của nhà nước Việt Nam là ưu tiên phục hồi sản xuất, lấy người lao động và cơ sở sản xuất làm trọng tâm nên ưu tiên giảm 2% thuế GTGT cho lĩnh vực sản xuất của cải vật chất. Còn các lĩnh vực kinh doanh phi sản xuất sẽ không được hưởng chính sách này.
Riêng đối với kinh doanh bất động sản thì điểm đặc thù của bất động sản cũng làm cho lĩnh vực này không được hưởng ưu đãi giảm 2% thuế GTGT. Bất động sản được hiểu là đất đai và công trình xây dựng gắn liền với đất. Trong cấu thành giá trị của bất động sản thì giá trị của đất đai chiếm phần lớn, thậm chí là trên dưới 90% giá trị nếu đó là các công trình xây dựng giản đơn. Phần giá trị còn lại thuộc về công trình xây dựng trên đất. Vì là “bất động sản” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nên bất động sản không thể tự nó phát sinh thêm giá trị hữu ích; còn việc giá cả bất động sản tăng/giảm là do tác động của nhu cầu và nguồn cung ứng trên thị trường nên sự tăng/giảm giá chỉ là biểu kiến.
Người ta thường gọi là “thu lợi từ chênh lệch giá”. Do đó, thay vì giảm thuế GTGT đối với kinh doanh bất động sản, nhà nước khuyến khích đầu tư vào xây dựng là lĩnh vực sản xuất, đem lại giá trị đích thực; không khuyến khích kinh doanh kiểu mua đi bán lại bất động sản để “ăn chênh lệch giá”. Tương tự như vậy, than và các tài nguyên khai thác là thuộc lĩnh vực sản xuất, còn than và các tài nguyên được mua bán trên thị trường không tích hợp yếu tố sản xuất nên không được giảm thuế GTGT.
Kinh doanh bảo hiểm thực chất cũng là ngành kinh doanh phi sản xuất. Lợi nhuận thu được của các doanh nghiệp bảo hiểm là cực lớn do chênh lệch lớn giữa số tiền thu về qua hoạt động bán thẻ bảo hiểm và số tiền phải chi ra để bồi thường với nhiều thủ tục khá rườm rà, rắc rối. Vì vậy, giảm 2% thuế GTGT đối với kinh doanh bảo hiểm cũng là bất hợp lý.
Xét lĩnh vực tài chính và chính sách tài khóa của quốc gia thì sau khi triển khai thi hành Nghị quyết 43/2/22/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, bên cạnh kết quả là tổng gói hỗ trợ giảm thuế GTGT năm 2022 đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng và việc giảm thuế GTGT đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển thì ngân sách Nhà nước đã hụt thu một khoản đáng kể. Và từ nay đến cuối năm thì ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế này về 8% trong nửa cuối năm nay, nghĩa là giảm 9.000 tỷ đồng so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ.
Đối với các ngành kinh doanh viễn thông, công nghệ thông tin, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất thì đây đều là những mặt hàng chiến lược có khối lượng buôn bán với giá trị rất lớn trên thị trường trong nước cũng như xuất/nhập khẩu. Đây đều là những ngành có doanh thu cao và đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước thông qua các loại thuế, phí nên cần duy trì mức thuế suất GTGT 10% như Nghị quyết 43/2022/QH15.
Trong khi đó thì chỉ riêng Quý 1 năm 2023, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,32%, thấp hơn nhiều mục tiêu và kịch bản đề ra là 5,6%. Tăng trưởng có được chủ yếu ở khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản, còn công nghiệp vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng lại suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc lượng lớn công nhân do bị giảm hoặc không có đơn hàng, đời sống lao động khó khăn. Do đó, việc mở rộng diện đối tượng được giảm thuế GTGT sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn. Đây là lý do mà Chính phủ đã rút lại đề xuất giảm 2% thuế GTGT đối với tất cả các loại hàng hóa dịch vụ và chỉ đề xuất giảm 2% thuế GTGT đối với các loại hàng hóa, dịch vụ có thuế suất GTGT là 10% mà thôi.
Nếu chịu áp lực nặng thì không vì lý do không được giảm 2% thuế GTGT
Đề cập tới vấn đề, các ngành không được giảm 2% thuế giá trị gia tăng kể trên sẽ chịu áp lực nặng không vì lý do không được giảm, chuyên gia Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh:
Trong điều kiện hiện tại thì các lĩnh vực kinh doanh tài chính, ngân hàng, bảo hiểm không chịu áp lực lớn do tỷ giá VND/ngoại tệ tương đối ổn định, do dự trữ ngoại tệ đã tăng trở lại đáng kể và do việc chấn chỉnh lại một số hoạt động ngân hàng thương mại của Ngân hàng Nhà nước trung ương. Chỉ có các ngành kinh doanh bất động sản và chứng khoán là phải chịu áp lực nặng nề nhất.
Tuy nhiên, những nguyên nhân tạo nên áp lực đối hai ngành kinh doanh này lại thuộc về bản thân doanh nghiệp chứ không phụ thuộc vào việc tăng hay giảm thuế. Đối với bất động sản thì nhiều doanh nghiệp đã phạm sai lầm lớn khi họ tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc thị trường cao cấp mà “lãng quên” các phân khúc thị trường cấp trung bình và thấp. Trong khi đó thì nhu cầu của xã hội chủ yếu lại nằm ở hai phân khúc thị trường này. Vì thế mà nhiều sản phẩm cao cấp được tạo ra với giá thành rất cao nên khó tiêu thụ vì lượng khách hàng cao cấp ngày càng giảm.
Đặc biệt là sau khi đại dịch qua đi, người dân đã “thắt lưng buộc bụng” nhiều hơn để phòng tránh rủi ro thì những căn hộ cao cấp lại càng khó bán hơn nữa. Hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đang nằm bất động ở một thị trường bất động. Vì vậy, có giảm 2% thuế GTGT hoặc giảm hơn nữa đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng không thể là cứu cánh cho lĩnh vực này bởi những sai lầm tính chiến lược của các doanh nghiệp bất động sản.
Bất động sản suy thoái kép theo sự suy thoái của chứng khoán. Bên cạnh những hành vi vi phạm pháp luật là méo mó thị trường chứng khoán, tạo ra “cầu ảo” để thu lợi bất chính thì lượng cổ phiếu lớn nhất, có giá trị cao nhất cũng nằm ở những doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, cũng như bất động sản, việc giảm 2% thuế GTGT đối với lĩnh vực kinh doanh chứng khoán hoàn toàn không thể tạo lực đẩy để phục hồi thị trường này một khi sản xuất của cải vật chất vẫn còn chưa phục hồi. Bởi một lẽ đơn giản là “tiền ảo”, “giá trị ảo” luôn cần có “tiền thật”, “giá trị thật” làm chỗ dựa.