Nhiều người dân thấy "hụt hẫng" khi 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm chỉ cho phép lưu thông với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tối thiểu 60 km/giờ.
Cao tốc Việt Nam: Chạy vận tốc như đường làng?
Mới đây, Cục Đường cao tốc đã có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu khả năng nâng tốc độ tối đa cho phép với một số tuyến cao tốc đủ điều kiện kỹ thuật lên 90 km/giờ.
Mặc dù vậy, ngay cả khi đề xuất này được thông qua, hệ thống đường cao tốc của Việt Nam vẫn được nhiều người nhận định là có tộc độ không cao, đường "thấp tốc", chưa đạt hiệu quả khai thác.
Cứ vài ngày, 2 đoạn thuộc tuyến cao tốc huyết mạch nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây là TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận lại xảy ra ùn tắc dài cả nửa ngày vì tai nạn.
Trong đó, cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 61,9 km, được đưa vào khai thác từ tháng 2/2010, theo quy hoạch là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, mặt cắt ngang tuyến chính 8 làn cơ giới và 2 làn dừng xe khẩn cấp.
Tuyến cao tốc này giúp thời gian đi từ TP.HCM tới Tiền Giang được rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì 90 phút như trước đó. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi đưa vào khai thác, lưu lượng xe, số vụ tai nạn liên quan đến cao tốc đã tăng sau khi dừng thu phí vào đầu năm 2019, khiến cơ quan quản lý phải giảm tốc độ tối đa từ 120 km/giờ xuống còn 100 km/giờ, tốc độ tối thiểu từ 80 km/giờ xuống còn 60 km/giờ.
Một người dân thường xuyên di chuyển trên cao tốc này thậm chí còn ví von, "đóng tiền cao tốc, chạy vận tốc đường làng". Đáng nói, chiều dài cả tuyến dài hơn 60 km nhưng tuyến chính cao tốc chỉ dài 39,8 km, còn lại là các tuyến đường nối, đường dẫn.
Tốc độ cao nhất theo quy hoạch là 120 km/giờ, tốc độ khai thác khi đưa vào sử dụng là 100 km/giờ, nhưng thực tế, Tổng cục Đường bộ ghi nhận, tốc độ đạt được của các phương tiện trên tuyến cao tốc này chỉ khoảng 60 - 70 km/giờ.
Nguyên nhân là do, mặc dù dự báo tuyến đường cơ bản đáp ứng năng lực và an toàn giao thông trong khoảng 7 - 8 năm sau khi đưa vào khai thác, nhưng chỉ chưa đầy 1 năm sau khi chính thức thông xe, lưu lượng xe trên tuyến đã tăng đến hơn 35%. Những dịp lễ, tết, cao điểm có thể tăng đột biến đến 50%.
Tổng cục Đường bộ cho rằng, lưu lượng xe trên tuyến tăng lên đã làm mất an toàn giao thông. Có tình trạng xe chạy dàn hàng ngang, chạy vào làn khẩn cấp, ùn ứ thường xuyên xảy ra tại các điểm giao cắt với đường dẫn Chợ Đệm và đường dẫn Đồng Tâm.
Năng lực thông hành của cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện tại có thể nói là rất thấp, thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài hằng ngày vào các giờ cao điểm, nhất là tại cửa ngõ vào TP.HCM.
Tương tự, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa tổ chức cho xe chạy tạm dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2022 sau 13 năm triển khai. Thế nhưng, hiện rất nhiều chủ phương tiện vẫn thắc mắc, vì sao tuyến đường được xem là trục giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với khu vực ĐBSCL, với mật độ xe rất lớn, nhưng chỉ có 4 làn xe, mặt đường thì quá hẹp, lại còn không có làn khẩn cấp.
Tốc độ lưu thông tối đa trên tuyến cao tốc này chỉ đạt 80 km/giờ. Chỉ trong 15 ngày đầu tiên mở cửa phục vụ người dân dịp tết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã xảy ra tình tràng ùn ứ kéo dài hơn 3 km chỉ vì 1 chiếc xe tải chở rau củ bất ngờ nổ bánh, lật trên đường.
Từ đó đến nay, tuyến giao thông huyết mạch của vùng ĐBSCL nối với TP.HCM lại trở thành nỗi lo lắng của mọi người khi tai nạn xảy ra liên tục và lúc nào cũng chực chờ ùn tắc.
Mới nhất, chỉ sau vài giờ thông xe, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã chứng kiến cảnh xe cộ ùn ứ tại đầu tuyến (đường nối Ba Bàu với QL1 thuộc H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) và cuối tuyến (giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), hướng từ Đồng Nai đi Bình Thuận.
Trong khi đó, hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm dù thông thoáng ngày đầu nhưng đã được dự báo sẽ nhanh chóng đông đúc trong bối cảnh nhu cầu lưu thông ở các tuyến này đều rất cao.
Cao tốc hay "thấp tốc"?
Theo PGS.TS. Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) trả lời báo Thanh Niên, tốc độ đường cao tốc (highway) phụ thuộc vào lưu lượng xe và chất lượng xây dựng, thời tiết.
Thông thường, tốc độ lớn nhất của đường cao tốc ở các nước đều được quy định trong khoảng 130 - 150 km/giờ, khi thời tiết xấu có thể điều chỉnh giảm xuống 80 - 90 km/giờ.
"Tốc độ quy định trên đường cao tốc ở Việt Nam hiện nay là 80 km/giờ và có thể giảm xuống 60 km/giờ là quá thấp, chưa thể gọi là đường cao tốc được. Tốc độ 60 - 80 km/giờ chỉ là tốc độ trên các đường quốc lộ mà thôi. Như vậy, các tuyến đường cao tốc mở ra với mục đích tăng năng suất và khối lượng vận tải sẽ không thể thực hiện được”, - ông Mai nói với Thanh Niên.
Theo ông, có ý kiến cho rằng giai đoạn 1 làm đường cao tốc có tốc độ như vậy nhưng sang giai đoạn 2 sẽ tăng lên như các nước, tức là khoảng 120 km/giờ. Dù vậy, ông vẫn thắc mắc không hiểu là sẽ tăng bằng cách nào.
Nói về nguyên nhân vì sao đường cao tốc xe không chạy quá nhanh nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tai nạn, lại thêm tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, vị chuyên gia cho rằng tai nạn trên đường cao tốc các tuyến phía nam hiện nay không phải do xe chạy với tốc độ cao.
Theo ông, rất nhiều các đường cao tốc đang làm và đang thiết kế đều không có làn dừng khẩn cấp mà thay bằng trạm dừng khẩn cấp, với lý do là làm 2 giai đoạn. Trong khi đó, trên thực tế, xe đang di chuyển có thể bị hư hỏng bất kỳ lúc nào và khi đã hư hỏng hay trục trặc thì không thể chạy tiếp đến trạm dừng khẩn cấp vì lý do kỹ thuật lẫn lý do an toàn giao thông.
"Do vậy, nhất thiết phải có làn dừng khẩn cấp xét trên quan điểm an toàn giao thông", - PGS.TS. Phạm Xuân Mai khẳng định.
Trên thế giới không đâu làm cao tốc như Việt Nam
Cùng ý kiến trên, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM Hà Ngọc Trường cho rằng, việc nâng tốc độ tối đa của các tuyến cao tốc lên 90 km/giờ theo đề xuất của Cục Đường bộ là tất yếu phải làm.
Theo ông, trên thế giới hiện nay, tốc độ khai thác trung bình của đường cao tốc là từ 100 - 120 km/giờ, nên tốc độ 60 - 80 km/giờ như ở Việt Nam hiện nay quá thấp, không thể gọi là đường cao tốc mà đúng ra là "đường thấp tốc". Đó là chưa kể, các tuyến đường cao tốc lại nhỏ, nhiều giao cắt nên tốc độ thực tế xe chạy còn thấp hơn nhiều.
"Trên thế giới không đâu làm cao tốc như Việt Nam. Mở đường, đặc biệt là đường cao tốc, là để tiết kiệm thời gian, tạo giá trị gia tăng cho kinh tế. Song, với mạng lưới cao tốc "rùa bò" và nhiều bất cập như hiện nay, không những không khai thác hiệu quả về mặt giao thông, không đạt được hiệu quả về kinh tế mà còn gây phiền hà cho người dân", - ông Trường thẳng thắn.