Trungnam Group hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với nhiều dự án quy mô lớn, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Trung Nam nợ trái phiếu hơn 1 USD
Công ty cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) là tập đoàn đa ngành về xây dựng, hạ tầng, bất động sản và công nghiệp. Từ năm 2018, công ty mở rộng hoạt động sang ngành năng lượng tái tạo và biến mảng này trở thành nguồn thu chính.
Trungnam Group hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực điện năng lượng tái tạo, với nhiều dự án quy mô lớn, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng
Trong một báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, quy mô tổng tài sản của Trungnam Group đã vượt 96.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022, đồng nghĩa với việc tập đoàn này đã mở rộng thêm hơn 3.500 tỷ trong năm vừa qua.
Nếu so sánh, có thể thấy quy mô tài sản của Trung Nam hiện lớn hơn nhiều doanh nghiệp nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng như PV Gas, BSR, Petrolimex hay EVN Genco3.
Vốn chủ sở hữu của tập đoàn được duy trì ở mốc hơn 27.900 tỷ đồng. Nợ phải trả đã tăng hơn 5,5% trong năm vừa qua lên hơn 68.100 tỷ đồng, tương ứng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,44 lần.
Ở thời điểm cuối năm, dư nợ trái phiếu đạt 24.285 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tăng gần 1.400 tỷ và chiếm gần 36% tổng nợ. Dư nợ khổng lồ này là do nhóm Trungnam Group liên tục huy động trái phiếu để tài trợ loạt dự án năng lượng.
Trong năm 2022, Trungnam Group bắt đầu đối mặt với khó khăn khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ còn gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.
Điều này có nguyên do bởi một số đơn vị thành viên trong tập đoàn ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm, thậm chí là lỗ nặng trong năm ngoái. Chẳng hạn, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 từ có lãi chuyển sang lỗ gần 859 tỷ đồng (đây cũng là chủ đầu tư dự án điện gió Ea Nam với tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng - lớn nhất Việt Nam).
Lợi nhuận của công ty Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã bốc hơi 80% còn 81 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty Điện mặt trời Trung Nam giảm 12% về mức 251 tỷ đồng. Dù vậy, công ty Năng lượng tái tạo Trung Nam lãi đột biến gấp 3,6 lần lên 281 tỷ đồng.
Trungnam Group của ai?
Trungnam Group được thành lập từ năm 2004, dưới sự điều hành của 2 doanh nhân là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) – Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Báo cáo của VNDirect Research cho biết, Trungnam Group hiện là công ty có thị phần lớn nhất trong ngành năng lượng tái tạo với khoảng 7%, xếp trên các đơn vị khác như Xuân Thiện, Bamboo Capital hay BIM Group.
Tập đoàn này có một số dự án chủ lực nổi bật, có thể kể đến như Điện gió Ea Nam Đắk Lắk tổng công suất 400 MW, Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW, Điện mặt trời Trung Nam công suất 204MW, Điện gió Trung Nam gần 152 MW hay Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh công suất 140 MW...
Quy hoạch điện VIII mở ra cơ hội cho năng lượng tái tạo
Ngày 15/5, như Sputnik đã thông tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030 và định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Đây là khung pháp lý quan trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang phải vật lộn với chi phí tài chính thời gian qua, giúp các doanh nghiệp năng lượng tái tạo phục hồi trở lại.
Một trong những điểm mới của Quy hoạch điện VIII là việc tập trung phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ có một nửa các tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
"Nhà nhà đều lắp điện mặt trời mái nhà thì điện năng sẽ tiêu thụ trước tiên cho các hộ mà họ lắp đặt đó, còn thừa bán ra lưới. Nhu cầu đầu tư tập trung để phát triển lưới điện sẽ thấp hơn nhiều", GS.TS. Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam, đánh giá.
Theo ông Long, đặc điểm của các cơ quan, công sở là thời gian làm việc đúng thời điểm điện mặt trời có tiềm năng phát huy cao nhất.
“Tỷ lệ 50% là hơi thấp, tôi nghĩ phải lên 80 - 90% điện mặt trời sử dụng ở cơ quan, công sở”, TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nhận định.
Cùng với việc đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, Quy hoạch điện VIII còn xác định mục tiêu phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện từ loại hình này đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.