Theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức rất cao; biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện.
Các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém, tính đến ngày 11/5/2023, khu vực miền Bắc tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.
Cùng với đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do điều kiện gió kém nên khả năng phát điện hiện nay chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Tại hội nghị, trước những thách thức nêu trên, EVN đã đưa ra nhiều giải pháp để huy động các nguồn điện, trong đó có việc tăng nhập điện từ Trung Quốc và Lào. Đồng thời huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+FO.
"Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng", ông Trần Đình Nhân, tổng giám đốc EVN, nói và cho biết có thời điểm công suất khả dụng còn thấp hơn cả nhu cầu phụ tải.
Theo Tuổi Trẻ, hiện EVN đã triển khai nhiều giải pháp như làm việc với các tập đoàn TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVN để cung cấp than, khí, dầu cho vận hành các nhà máy điện.
Đàm phán với các chủ đầu tư các dự án điện gió, mặt trời đã đủ điều kiện để phát điện ngay lên lưới điện quốc gia.
Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc cũng như phối hợp với các địa phương trong tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Tập đoàn cũng cho biết đang nỗ lực để bổ sung nguồn điện mới. Bao gồm đàm phán với các chủ đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đến nay đã hoàn thiện 15 hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.150MW với mức giá tạm bằng 50% khung giá.
EVN đang đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục để sớm đóng điện các công trình này ngay trong tuần theo đúng quy định với tinh thần khẩn trương nhất.