Với trữ lượng bôxít lớn như vậy, Việt Nam rất có tiềm năng trở thành một nhà sản xuất nhôm lớn, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tổng thể của đất nước.
Việt Nam sở hữu trữ lượng quặng bôxít lớn thứ hai thế giới
Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) mới đây đã công bố báo cáo Mineral Commodity Summaries (MCS) 2023.
Báo cáo cho biết, Việt Nam hiện xếp thứ hai về trữ lượng quặng bôxít toàn cầu, với trữ lượng 5,8 triệu tấn. Được biết, tổng trữ lượng quặng bôxít thế giới là 31 triệu tấn.
Như vậy, Việt Nam rất có tiềm năng trở thành một nhà sản xuất nhôm lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế tổng thể của đất nước.
Dù vậy, nhiều ý kiến lo ngại về tác động đến môi trường, xã hội và an ninh quốc gia nên việc đánh giá toàn diện các khía cạnh cần được tính toán kỹ.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đã dẫn đến việc đóng cửa một nhà máy luyện nhôm oxide với công suất 1,7 triệu tấn mỗi năm tại Ukraina.
Tại châu Âu, chi phí năng lượng tăng cao đã khiến cho một nhà máy luyện nhôm oxide với công suất 600.000 tấn mỗi năm tại Romania phải tạm ngưng hoạt động.
Tương tự, một nhà máy luyện nhôm oxide với công suất 1,7 triệu tấn mỗi năm tại Tây Ban Nha cùng phải giảm sản xuất lên đến 60%. Nhiều nhà luyện nhôm oxide và nhà sản xuất sản phẩm nhôm chính tại châu Âu đã thông báo đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất.
Theo dữ liệu công bố, các nguồn tài nguyên quặng bôxít trên toàn cầu ước tính dao động từ 55 - 75 tỷ tấn. Các nguồn tài nguyên này phân bố trên các vùng lãnh thổ khác nhau, như châu Phi với 32%, châu Đại Dương - 23%, Nam Mỹ và vùng Caribe - 21%, châu Á - 18% và các vùng khác chiếm 6%.
Trong số đó, Guinea là nước dẫn đầu với trữ lượng quặng bôxít là 7.400.000 tấn. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2 với trữ lượng quặng bôxít 5.800.000 tấn.
Quặng bôxít ở Việt Nam tập trung tại các tỉnh nào?
Bộ Công Thương Việt Nam nhận định, tiềm năng đáng kể của khu vực Tây Nguyên và quặng bôxít chất lượng cao là một lợi thế lớn cho ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng bôxít của đất nước.
Quặng bôxít ở Việt Nam được phân loại thành 2 loại chính. Trong đó, các tỉnh miền Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An tập trung chứa quặng bô xít nguồn gốc trầm tích.
Còn lại, các tỉnh miền Nam như Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên và Quảng Ngãi tập trung chứa quặng bôxít phong hóa laterit.
Dù quặng bôxít được phân bố đều khắp Việt Nam, hiện nay Chính phủ đang ưu tiên khai thác tài nguyên quặng bôxít ở khu vực Tây Nguyên.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương này là nơi có trữ lượng quặng bôxít lớn nhất ở Việt Nam, có tiềm năng cao nhất để phát triển ngành công nghiệp nhôm và chế biến nhôm của cả nước.
Hiện Đắk Nông đang sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú với 218 mỏ và khu khai thác, chứa 16 khoáng sản quan trọng.
Hiện tỉnh đang ưu tiên phát triển ngành công nghiệp nhôm, chế biến nhôm và năng lượng làm động lực chính cho mục tiêu kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng và an ninh.
Đến năm 2030, Đắk Nông sẽ tận dụng ngành công nghiệp nhôm như một tác nhân quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, phấn đấu trở thành một tỉnh kinh tế phát triển và bền vững trong vùng Tây Nguyên, lấy phát triển công nghiệp làm động lực chính cho tăng trưởng.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm quốc gia về ngành công nghiệp nhôm - quặng bôxít và ngành công nghiệp sau khi chế biến nhôm, trung tâm năng lượng tái tạo hàng đầu trong khu vực, là điểm đến nổi tiếng về khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.