Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182/TB-VPCP, tiếp theo Công văn số 3184/BCT-ĐTĐL ngày 24/5 về việc đàm phán giá tạm thời của các nhà máy điện chuyển tiếp và ý kiến tại cuộc họp cùng ngày về việc đàm phán giá tạm để sớm đưa các nhà máy điện chuyển tiếp đi vào vận hành trong giai đoạn đàm phán, thống nhất giá điện chính thức giữa Bộ Công Thương, EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện chuyển tiếp, Bộ Công Thương yêu cầu EVN và các chủ đầu tư đẩy nhanh đàm phán, hoàn tất thử nghiệm và đấu nối những dự án đã có giá tạm để phát điện lên lưới.
Cụ thể, với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đủ hồ sơ pháp lý, EVN đàm phán giá tạm thời với các nhà đầu tư. Giá mua điện chính thức và quyết toán tiền được tính từ ngày phát điện lên lưới.
Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.
Theo VnExpress, hiện có 19 dự án điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm, tổng công suất hơn 1.340 MW, EVN và nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và rà soát thủ tục đấu nối, vận hành phát điện. Các nhà máy còn lại, EVN thỏa thuận giá tạm với các nhà đầu tư trước ngày 27/5.
Với các nhà máy điện còn lại, EVN khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27/5 để trình Bộ Công Thương phê duyệt và tiến hành đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.
"Chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN như: Thỏa thuận đấu nối (nếu đã hết hạn), hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định trước 27/5 đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm", Bộ yêu cầu.
Trước đó, thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội hôm qua, về mảng điện lực, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, sản xuất điện trong nước chưa tập trung đúng trọng tâm. Việt Nam có lợi thế về điện mặt trời, điện gió nhưng mãi gần đây mới đưa vào quy hoạch điện VIII.
Đề cập đến thông tin cho rằng, giải pháp về lâu dài phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc hay từ Lào, ông Vân nhận định đây là câu chuyện buồn.
"Việt Nam là cường quốc điện gió, điện mặt trời, thiên nhiên ưu đãi như thế, nhưng vì sao ta vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, vì sao lại xác định nhập điện lâu dài. Câu hỏi này tôi cho rằng trả lời cũng khó?", vị đại biểu băn khoăn.
Cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Đinh Ngọc Minh đặt câu hỏi tại sao phải đi nhập khẩu điện, trong khi có 4.600MW điện gió, điện mặt trời không được hòa mạng, không được bán lên lưới.
Có ý kiến lý giải, việc này do thủ tục, đại biểu Minh cho rằng thủ tục do con người đặt ra, vậy sao không cải tiến thủ tục mà phải đi mua điện của Lào hay của Trung Quốc. Từ đó, ông Minh đề nghị phải làm rõ câu chuyện trách nhiệm và ngành điện phải đổi mới.
Giải thích việc để lãng phí điện mặt trời, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Công Thương về những vướng mắc liên quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, vấn đề không phải vướng về giá mà vướng về công suất.
"Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và cho biết, theo lời Bộ trưởng Công Thương, do đã ký hiệp định với nước ngoài nên bây giờ không thể đàm phán để cắt được.