Nhiều ngân hàng thương mại cũng lên tiếng khẳng định sẽ giảm lãi suất theo đúng chỉ đạo của NHNN, tuy nhiên, thực tế rất khác với cam kết của các nhà băng và có ý kiến cho rằng, “cây gậy” của NHNN dường như không còn nhiều tác dụng.
Liệu “cây gậy” của NHNN có còn tác dụng?
Các doanh nghiệp vẫn liên tục kiến nghị các ngân hàng hạ lãi vay, bởi các nhà băng đã hứa sẽ giảm lãi suất nhưng cuối cùng giảm rất nhỏ giọt và không đáng kể.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN cân nhắc các điều kiện giảm thêm lãi suất điều hành và chỉ đạo các NHTM, TCTD có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nói thẳng, hiện tại, lãi suất ở Việt Nam đang ở mức cao so với các nước. Lý giải nguyên nhân, NHNN nêu nhiều lý do như doanh nghiệp trong nước phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống, trên 52% dư nợ tín dụng của hệ thống là trung, dài hạn, tạo sức ép lên lãi suất huy động.
Tại hội nghị với ngành ngân hàng vào giữa tháng 5, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, chia sẻ NHNN đã 2 lần giảm lãi suất điều hành để giảm lãi suất huy động (đến nay đã 3 lần – PV), nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn.
Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh 10-11%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 11-13%/năm, thì cần phải hiểu, khi lãi suất cho vay quanh mức 10%/năm, chắc chắn doanh nghiệp khó có thể phục hồi.
Do đó, chuyên gia kiến nghị, nếu giảm còn 7-8%/năm mới có thể tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, từ đó tạo sức cầu nội địa để bù đắp kim ngạch xuất khẩu sụt giảm.
Theo đánh giá của chuyên trang Đầu tư Tài chính, báo SGGP, khi lãi suất huy động cao kéo theo lãi suất cho vay cao sẽ làm tê liệt nền kinh tế, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngưng hoạt động và phá sản. Tức doanh nghiệp sẽ phát sinh nợ xấu, dòng tiền cho vay không trở lại ngân hàng, mà các nhà băng lại phải tăng huy động vốn với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản.
Đó là một vòng luẩn quẩn nợ xấu - thanh khoản - lãi suất không giải quyết được, sẽ đi đến điểm cuối cùng là khủng hoảng và suy thoái.
Các ngân hàng thương mại chỉ “mượn gió đẩy thuyền”
Cũng có ý kiến đánh giá, hiện chính sách tiền tệ đảm nhiệm đa mục tiêu, trong đó có kiểm soát lạm phát, và để đối phó với lạm phát, từ nửa cuối năm 2022 NHNN dùng phương pháp tăng lãi suất.
Tuy nhiên, do thiếu tuân thủ kỷ luật thị trường, các ngân hàng thương mại “mượn gió đẩy thuyền”, dựa vào tăng lãi suất điều hành của NHNN đẩy lãi suất thị trường lên cao để giải quyết thanh khoản.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành, các nhà băng lại không mấy hào hứng.
Thời điểm hiện tại, lãi suất huy động cao nhất vẫn ở mức 8-9,5%/năm. Với mức lạm phát dự kiến 4-5%, lãi suất dương của Việt Nam lên đến 4-5% là quá cao.
Nhiều ý kiến lo ngại, điều này có thể triệt tiêu động lực kinh doanh, vì đem tiền gửi ngân hàng có lãi hơn sản xuất.
Thực tế, cả Chính phủ và NHNN cũng hiểu rõ điều đó qua động thái liên tục khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, giới kinh doanh gần như không kỳ vọng nhiều vào sự chủ động của các ngân hàng thương mại. Đó là điều đáng suy ngẫm.
Chính từ đầu năm, khi NHNN hô hào, kêu gọi, yêu cầu các nhà băng cam kết giảm lãi suất, nhưng nhiều NHTM vẫn “đi đêm” với khách hàng tiền gửi, và trong quý I biên lãi ròng (NIM) vẫn không suy giảm nhiều. Điều đó chứng tỏ các ngân hàng thương mại vẫn chưa chấp nhận giảm lãi để đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Cân bằng lợi ích giữa bên cho vay – người đi vay là rất khó. Hiện doanh nghiệp rất khó khăn nhưng các nhà băng vẫn đang hướng tới mục tiêu lợi nhuận hàng nghìn tỷ trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 10-30% so với năm 2022.
Trong môi trường lãi suất cao, chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng. Lãi suất cao còn làm gia tăng nhu cầu gửi tiết kiệm, đương nhiên sẽ giảm tiêu dùng. Do đó, sẽ khó kích cầu tiêu dùng để vực dậy sản xuất.
Để cứu vãn tình hình hiện nay, các cơ quan liên quan phải bằng mọi giá hạ mặt bằng lãi suất chung. Đặc biệt, không cần ưu đãi riêng cho doanh nghiệp nào, chỉ cần hạ lãi suất ở mức hợp lý, các doanh nghiệp sẽ tự cứu mình, tạo đòn bẩy thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa để nền kinh tế phục hồi thực chất.
Rủi ro đảo chiều dòng vốn
Cũng có chung những đánh giá thực tế, hướng đến kích cầu tiêu dùng, gia tăng sản xuất, TS. Nguyễn Hữu Huân, rưởng bộ môn Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh sức cầu yếu như hiện nay, việc giảm lãi suất chưa tác động nhiều đến sức khỏe doanh nghiệp. Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là phải kích cầu.
Ông đánh giá cao động thái cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay, nhưng cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành chưa thể tác động tích cực ngay đến nền kinh tế, mà cần độ trễ ít nhất vài quý tới.
Theo TS. Huân, phải sang quý III, IV/2023 may ra nền kinh tế mới có dấu hiệu khởi sắc. Ngân hàng hạ lãi suất nhưng thị trường không có, đầu ra và đơn hàng chưa có thì doanh nghiệp cũng không biết vay tiền để làm gì.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng, chính sách tiền tệ đã có độ bão hòa nhất định, không còn nhiều dư địa thời gian tới”, - ông Huân nhận định.
Chuyên gia tài chính phân tích, giai đoạn này cần tập trung vào chính sách tài khóa, kích cầu, đặc biệt là phải kích cầu vào khu vực công, bởi khu vực tư nhân hiện nay đang rất yếu.
Hiện giải ngân đầu tư công, chi tiêu công gặp nhiều vướng mắc bởi tâm lý sợ trách nhiệm, song nếu không đẩy mạnh giải ngân, rất khó kích cầu nền kinh tế. Trong bối cảnh cầu yếu như hiện nay, giảm lãi suất không phải là yếu tố quyết định.
Bởi nếu lãi suất giảm mà công tác mở cửa thị trường, cải cách môi trường kinh doanh… không có biến chuyển thì doanh nghiệp cũng sẽ khó vực dậy. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.
Đánh giá, mặc dù lãi suất điều hành còn có thể giảm thêm, nhưng theo TS. Nguyễn Hữu Huân bày tỏ với báo Đầu tư, dư địa giảm không còn nhiều, tối đa chỉ còn khoảng 1% nếu tình hình thuận lợi.
“Lãi suất giảm nhiều hơn có thể gây ra rủi ro đảo chiều dòng vốn. Theo tôi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay phải tập trung chính sách tài khóa: đẩy mạnh chi tiêu công, giảm thuế GTGT cho người dân để kích cầu”, - chuyên gia nhấn mạnh.
TS. Huân cũng lưu ý, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đồng bộ, hỗ trợ nhau mới tạo hiệu quả. Nếu hai cánh kéo mà một bên kéo, một bên nghỉ thì rất khó kéo tăng trưởng nền kinh tế.
Không gây ra bất kỳ cú sốc nào
Như Sputnik thông tin, lý giải về động thái cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, việc tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 0,5% lãi suất điều hành từ 25/5 là giải pháp linh hoạt.
Hạ lãi suất là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.
Đồng thời, theo NHNN, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhà điều hành cho biết, thời gian tới, lạm phát toàn cầu được dự báo duy trì ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, lạm phát chung và lạm phát cơ bản cùng xu hướng giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn tương đối cao. Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhìn nhận thẳng thắn, mức độ giảm lãi suất điều hành 0,5% lần này của NHNN được nhiều chuyên gia đánh giá là hợp lý, không gây cú sốc cho người gửi tiền cũng như hệ thống ngân hàng thương mại và cả nền kinh tế Việt Nam.