Là cường quốc điện gió nhưng vì sao Việt Nam phải mua điện từ Lào và Trung Quốc?

Bộ Công Thương nói gì về băn khoăn của nhiều ĐBQH, báo chí, dư luận thời gian qua khi Việt Nam - cường quốc điện gió đi mua điện từ Lào và Trung Quốc?
Sputnik
Theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng, tỷ trọng điện nhập khẩu nhỏ, bảo đảm tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia.

Việt Nam mua điện từ Lào và Trung Quốc không hẳn vì thiếu

Chiều 26/5, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình cung ứng điện.
Tại đây, trả lời câu hỏi về việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay Việt Nam có các đường dây nối với các nước láng giềng, như liên kết qua đường dây 220 kV với Lào, Trung Quốc qua đường dây 110 kV.
“Sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ”, - Thứ trưởng đánh giá và dẫn chứng như Lào khoảng 7 triệu kWh, Trung Quốc khoảng 4 triệu kWh.
Trong khi sản lượng điện của miền Bắc lên tới 450 triệu kWh thì tổng sản lượng điện nhập khẩu chỉ khoảng 10 triệu kWh.
Điện gió Việt Nam vào top thế giới, chưa đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch Điện 8
Theo lý giải của đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào không hẳn vì thiếu điện.
“Nguồn điện này không hẳn thiếu thì mới nhập khẩu mà chúng ta đã mua điện Trung Quốc từ năm 2005 qua Lào Cai và Hà Giang, còn nhập khẩu với Lào theo chương trình của Chính phủ. Theo đó, sẽ nhập khẩu khoảng 5.000 MW vào năm 2030, 3.000 MW vào năm 2035, nhập từ Lào cơ bản là thủy điện”, - ông Đặng Hoàng An giải thích.
Việt Nam cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau, theo thông tin từ Bộ Công Thương.

Phải lo đủ nhiên liệu như than, dầu, khí cho các nhà máy điện

Thông tin về nguồn năng lượng điện tái tạo trong nước, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết nguồn này hiện đang cung ứng hàng trăm triệu kWh/ngày, chiếm 1/9 sản lượng điện cả nước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý đến tính thiếu ổn định của năng lượng gió. Theo đó, dù đóng góp rất lớn song thực chất sản lượng của điện gió tương đối thấp, bởi còn phụ thuộc hướng gió, tốc độ gió. Sản lượng gió chỉ đạt 56% công suất dự kiến.
Cơ bản, sắp tới vẫn phải có các nguồn linh hoạt để đáp ứng tỷ trọng điện trong nước. Về giải pháp cung ứng điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh một giải pháp quan trọng là tất cả nhà máy điện, các đơn vị có nhà máy điện bằng mọi giải pháp phải lo đủ nhiên liệu như than, dầu, khí.
“Trong trường hợp than chưa đủ thì phải vay than của đơn vị khác. Thủ tướng cũng giao TKV phải đáp ứng đủ nhu cầu than cho các nhà máy điện”, - ông nhắc lại.
Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu EVN điều tiết các hồ chứa một cách hợp lý. Đồng thời phải triệt để tiết kiệm điện.
Nhà máy điện gió Tân Thuận gần 3.000 tỷ ở Cà Mau bị mất trộm
“Tiết kiệm điện là giải pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay”, - Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết.
Dự báo thời gian tới, sản lượng điện phụ tải sẽ cao hơn kế hoạch và có thể tăng lên mức 830 triệu kWh/ngày, đặc biệt ở khu vực miền Bắc.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, trong 4 tháng đầu năm phụ tải tương đối nhẹ. Tuy nhiên, đến tháng 5, sản lượng trung bình lên đến 808 triệu kWh/ngày. Riêng trong ngày 19/5, sản lượng trung bình tăng lên tới 923 kWh.
Theo ông, tình hình cung ứng điện đã cải thiện sau nhiều chỉ đạo của Thủ tướng. Các giải pháp là đảm bảo ổn định vận hành của các nhà máy điện trong mùa khô, nếu có sự cố sẽ tìm cách khắc phục nhanh nhất.

Nhiều chủ đầu tư điện tái tạo vi phạm nên không được vận hành

Đối với vấn đề đàm phán giá với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán hoàn tất đàm phán giá tạm thời cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời.
Theo cập nhật, hiện có 85 dự án không kịp giá FIT có công suất 4.736 MW, trong đó có 77 dự án điện gió công suất 4.185 MW, 8 dự án điện mặt trời công suất 550 MW.
Trong đó, 52 dự án với tổng công suất 3.155 MW đã gửi hồ sơ và còn 33 dự án chưa gửi hồ sơ. Có 39 dự án với 2.363 MW đề xuất EVN ký sớm với giá điện tạm thời ở mức giá 50%.
Trong số này, có 16 dự án đã hòa lưới điện để thí nghiệm, chưa thể vận hành thương mại. Có 5 dự án tổng công suất 391 MW đủ điều kiện vận hành thương mại.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN các vướng mắc liên quan đến đấu nối của các dự án điện tái tạo chuyển tiếp thì tập đoàn phải khẩn trương tháo gỡ.
Xung đột căng thẳng dưới chân điện gió Vĩnh Châu, Sóc Trăng, vì sao?
Về những khó khăn, vướng mắc khi đàm phán giá cũng như huy động điện tái tạo chuyển tiếp, Bộ Công Thương cho biết có nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng…
“Các dự án này chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN”, - ông An lý giải.
Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3, nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được.
Đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp còn vướng mắc thủ tục pháp lý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức trực thuộc cũng như đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền.

Việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội này, nhiều ĐBQH đặt thẳng vấn đề với Bộ Công Thương, vì sao Việt Nam phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc trong khi 4.600 MW điện tái tạo bỏ phí, không được hòa lưới?
Chẳng hạn, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách băn khoăn, Việt Nam là cường quốc điện gió, mặt trời, nhưng vẫn phải đi nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.
“Đó là câu chuyện rất buồn. Thiên nhiên ưu đãi như thế, nhưng vì sao ta vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, vì sao lại xác định nhập điện lâu dài. Câu hỏi này tôi cho rằng trả lời cũng khó", - ông Vân bày tỏ.
Nói với phóng viên bên lề phiên họp tổ, nêu việc lãng phí điện tái tạo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương về vướng mắc huy động nguồn điện này, nếu vướng về giá, cả 2 bộ sẽ cùng xây dựng, điều chỉnh cơ chế, đảm bảo giải tỏa vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư và vay từ ngân hàng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, vướng mắc ở đây là về công suất, tức hiện nay đã đủ tải.
“Bản thân tôi cũng thấy, nếu chúng ta đủ tải rồi tại sao còn cho làm. Và nếu đã làm rồi, sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?”, - ông Phớc thẳng thắn khi nêu về “những vướng mắc hiện tại của ngành điện và Bộ Công Thương”.
GWEC: Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào điện than, chưa phát triển đủ năng lượng gió
Chiều nay 26/5, nêu thông tin về việc đàm phán các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và vấn đề nhập khẩu điện từ nước ngoài.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng hết sức khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn.
Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tăng cường huy động các nguồn điện sẵn có để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện.
Theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam nhằm bảo đảm an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia và được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ.
"Việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm bảo đảm việc nhập khẩu tỷ trọng nhỏ, bảo đảm tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực”, - Bộ Công Thương lý giải.
Thảo luận