Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về việc quản lý Zalo, Facebook*, Telegram

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đặt vấn đề, có đến 90% dung lượng mạng được sử dụng để phục vụ dịch vụ OTT, nhưng các nhà mạng không thu được lợi nhuận tương ứng để đảm bảo hạ tầng viễn thông.
Sputnik
Khi người dùng ngày càng chuyển sang sử dụng các ứng dụng OTT như Zalo, Viber hay Telegram, các doanh nghiệp viễn thông phải chịu sự suy giảm lớn về dịch vụ gọi điện và SMS.

Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đặt vấn đề quản lý OTT

Sáng 2/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trình Quốc hội dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo đó, ông Hùng cho biết, trước đây việc cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng mạng, và quản lý hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông.
Thế nhưng, hiện nay trên Internet cũng có thể triển khai dịch vụ viễn thông xuyên biên giới. Điều này đặt ra yêu cầu việc quản lý phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các dịch vụ và vấn đề an toàn, an ninh.
Do đó, dự thảo lần này đưa ra quy định chi tiết về quản lý việc cung cấp và hình thức cấp phép với dịch vụ viễn thông, trong đó có trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để đảm bảo tính linh hoạt, tạo cơ chế khuyến khích dịch vụ mới phát triển.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết, các công nghệ vệ tinh mới như vệ tinh chùm được phát triển đã đặt ra yêu cầu bổ sung, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh xuyên biên giới vào Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng tại Việt Nam.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện cơ quan thẩm tra, cho rằng về bản chất, OTT dùng Internet để cung cấp phần mềm ứng dụng như Zalo, Viber, Telegram.
Kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy, OTT cơ bản được chia thành 2 loại chính, gồm OTT viễn thông và OTT cung cấp nội dung thông tin.
Bộ Thông tin và Truyền thông có đang gặp khó với tin rác?
Các chức năng của OTT bao gồm hội thoại, họp trực tuyến, chat, tin nhắn không thu phí. Dịch vụ OTT phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu tin nhắn và thoại truyền thống của doanh nghiệp viễn thông nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quản lý OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Các ý kiến của Ủy ban đa số đều nhất trí rằng việc pháp luật chưa có quy định quản lý về vấn đề này sẽ dẫn đến quyền lợi của người dùng chưa được bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập. Do đó, OTT viễn thông cần được quản lý một cách phù hợp.

OTT phát triển, nhà mạng chịu sức ép

Trước đó, tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 4, Tổng giám đốc Viettel Telecom Cao Anh Sơn cho biết, doanh nghiệp viễn thông đang chịu sự suy giảm lớn về dịch vụ gọi điện và SMS, nhưng ứng dụng OTT lại phát triển mạnh mẽ, có khi tăng trưởng hai con số.

"Trong sự dịch chuyển đó, nhà mạng luôn đảm bảo hạ tầng cho các OTT phát triển, tuy nhiên lại không được chia sẻ về đầu tư hạ tầng. Gánh nặng cho nhà mạng trong đầu tư hạ tầng là vấn đề lớn", - ông Sơn cho biết.

Tại cuộc họp giữa tháng 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có đến 90% dung lượng mạng đang phục vụ dịch vụ OTT, nhưng nhà mạng không thu được lợi nhuận tương ứng để đảm bảo hạ tầng.
"Làm cách nào để phát triển hạ tầng mạng khi các OTT ngày một giàu lên, còn nhà mạng đang nghèo đi?" - ông Hùng đặt vấn đề.
Việt Nam cấm mua bán thông tin cá nhân
Tại phiên họp sáng 2/6, có ý kiến cho rằng việc dự thảo đưa trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và viễn thông cơ bản trên Internet vào nhóm cần điều chỉnh có thể sẽ làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp liên quan, ảnh hưởng đến lợi ích mà dịch vụ đó mang lại đối với nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Từ vấn đề này, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, làm rõ hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo và báo cáo Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong thời gian tới.
*Hoạt đột của Meta (mạng xã hội Facebook, Instagram) bị cấm ở Nga vì bị sếp vào diện tổ chức cực đoan
Thảo luận