10ha đất lúa, 20ha đất rừng mà phải trình đến Thủ tướng thì mất cơ hội của người dân

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 9/6, phát biểu tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ dự án Luật Đất đai sửa đổi rất quan trọng và trung ương đã có nghị quyết 18 để tạo cơ sở cho việc sửa luật. Thủ tướng rất trăn trở về việc nhiều thủ tục kéo dài làm mất thời gian, chi phí và mất luôn cơ hội của người dân, doanh nghiệp.
Sputnik
Nhiều vấn đề lớn - là những vướng mắc trong thực tiễn liên quan quản lý, sử dụng đất đai, được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai sửa đổi, sáng 9/6.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng mong các đại biểu Quốc hội rà soát xem luật sửa đổi đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, từ thực tiễn công tác ở địa phương, bộ, ngành, các đại biểu rà soát xem những vấn đề sửa đổi đã góp phần tháo gỡ các vướng mắc ở thực tiễn chưa?
"Chúng ta phải giải quyết được những vấn đề tồn đọng từ thực tiễn để khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai. Bên cạnh đó phải có tầm nhìn mang tính dự báo. Từ đó, để luật sửa đổi mang tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược hơn", Thủ tướng nhấn mạnh và mong các đại biểu từ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, qua nghiên cứu sẽ rà soát trên tinh thần như vậy.
Chuyện gì đang xảy ra với doanh nghiệp bất động sản Việt Nam?
Nhấn mạnh đây là luật rất khó, rất nhạy cảm, Thủ tướng kỳ vọng các đại biểu Quốc hội với thực tiễn công tác tại các bộ, ngành, địa phương sẽ có nhiều góp ý xác đáng.
Nhấn mạnh dự luật này nhận được hơn 12 triệu lượt góp ý của nhân dân, Thủ tướng kỳ vọng khi Luật được thông qua sẽ góp phần quan trọng trong giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Ông chỉ rõ phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Trong đó, trung ương làm quản lý nhà nước là làm luật pháp, cơ chế chính sách, thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát.
"Ví dụ 10ha đất lúa, 20ha đất rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước thì mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội", người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng.
Trăn trở thứ hai được lãnh đạo Chính phủ đề cập, là thủ tục hành chính.
"Có rất nhiều thủ tục hành chính về đất đai cần tháo gỡ, làm sao giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm đi lại cho người dân, giảm những chi phí không cần thiết. Nhiều thủ tục kéo dài làm mất thời gian, chi phí và mất luôn cơ hội của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nói.
"Độc lạ Bình Dương": Hai dự án 'quên’ đất xây nhà ở xã hội
Gợi mở hướng giải quyết, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đất đai.
Thủ tướng nêu ý kiến về các vấn đề quy hoạch sử dụng đất, việc thu hồi, tái định cư... được người dân, cử tri quan tâm.
"Quan điểm của Đảng rất rõ, khi thu hồi đất, thực hiện tái định cư phải làm sao để người dân nhường đất chuyển đi nơi khác được đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Bằng hoặc hơn thế nào nhờ đại biểu cụ thể hóa ra được sẽ tốt hơn. Chủ trương của Đảng như thế nhưng luật cần lượng hóa ra được", ông nói thêm.
Về định giá đất, Thủ tướng nói cũng là vấn đề cử tri quan tâm và là vấn đề khó. Do đó cần nghiên cứu để định giá thế nào cho phù hợp phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Luật đã quy định nhưng đây là vấn đề khó, thị trường thì luôn lên xuống, mình tuân thủ thị trường thì có can thiệp khi cần thiết không? Phải cân đối chỗ này", Thủ tướng cho rằng cần có công cụ quản lý của Nhà nước, để bảo đảm thị trường vừa phát triển lành mạnh, nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất triển khai các dự án.
Thảo luận