Nhu cầu toàn cầu suy yếu cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Để thúc đẩy tăng trưởng cả về ngắn hạn và dài hạn, chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh đầu tư công hiệu quả hơn và trọng điểm hơn.
Vì sao kinh tế Việt Nam yếu đi?
TS. Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã phân tích một số cơ sở về tăng trưởng GDP Việt Nam, nguyên nhân kinh tế yếu đi và nêu một số giải pháp Việt Nam cần hướng tới trong thời gian tiếp theo để hướng đến trở thành nước có thu nhập cao.
Theo đó, đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính, và Thể chế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 nhờ ba yếu tố tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, tiêu dùng cá nhân cũng tăng mạnh và hiệu ứng cơ sở thấp.
Tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2022 được tính dựa trên mức tăng so với năm 2021. Do tổng GDP năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có mức thấp nên chỉ cần mức tăng trưởng nhỏ trong năm 2022 cũng sẽ dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối năm 2022, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài. Trong cuộc trao đổi với TTXVN, TS. Coppola lưu ý đến nhu cầu toàn cầu suy yếu cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Ông phân tích, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1 năm 2023 đã giảm xuống còn 3,3% do sự giảm sút nhu cầu bên ngoài tác động đến ngành sản xuất có định hướng xuất khẩu của Việt Nam khiến sản xuất của ngành giảm 0,4% trong quý 1.
Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, nhìn chung, các thách thức từ bên ngoài sẽ tạo ra những tác động khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ có thể ở mức vừa phải trong năm 2023.
“Các dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6% vào năm 2023 nhưng triển vọng này vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro”, TS. Andrea Coppola nhấn mạnh.
Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp để tăng trưởng
Bàn về giải pháp để giải quyết những khó khăn về kinh tế hiện nay, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam đã cân nhắc thực hiện nhiều biện pháp như thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Đi sâu đánh giá về các giải pháp này, ông Coppola cho biết, việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) có thể giúp Việt Nam thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
“Tuy nhiên, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp hơn thế nữa để duy trì tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia WB khuyến nghị.
Ông Coppola nhắc lại, vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ là để hỗ trợ hoạt động kinh tế mà vẫn kiểm soát được lạm phát và điều chỉnh áp lực của tỷ giá hối đoái.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên vẫn cần theo dõi tác động và những áp lực của những chính sách này đối với dòng vốn và tỷ giá hối đoái trong những tháng tiếp theo do khoảng cách lãi suất giữa Việt Nam và các nước ngày càng xa hơn”, chuyên gia thẳng thắn.
Kinh tế trưởng WB cũng cho rằng Việt Nam nên theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình lạm phát.
Điểm yếu về đầu tư công
Đối với chính sách tài khóa, theo TS. Coppola, Việt Nam có thể cân đối lại các dự án đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng.
Đại diện Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, mặc dù việc đầu tư mạnh mẽ là rất cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường khả năng chống chọi với những cú sốc về kinh tế.
“Đầu tư công ở Việt Nam đã giảm sút trong những năm vừa qua”, ông Coppola lưu ý.
Thực tế, thời gian qua, niều chuyên gia, định chế tài chính cũng đã nói về điểm yếu này của nền kinh tế, đồng thời, khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công và coi đây là động lực tăng trưởng quan trọng.
“Để thúc đẩy tăng trưởng cả về ngắn hạn và dài hạn, đầu tư công hiệu quả hơn và trọng điểm hơn chính là một phần giải pháp để có thể đạt được mục đích”, TS. Andrea Coppola cho biết.
Ông Coppola cũng cho rằng xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng là ba trụ cột quyết định cầu cả trong và ngoài nước. Sự tăng trưởng của mỗi trụ cột này đối với tổng cầu chung có tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Chuyên gia lý giải thêm rằng, đối với xuất khẩu, thách thức lớn nhất là ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như nhu cầu của các đối tác thương mại ở Mỹ và châu Âu. Trong đó, tiêu dùng cá nhân là trụ cột rất quan trọng và đó là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia: “Thúc đẩy đầu tư sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 trong bối cảnh có nhiều thách thức liên quan quan tới biến đổi khí hậu như hiện nay”.
Trên thực tế, nhu cầu đầu tư của Việt Nam là rất lớn. Theo Báo cáo Khí hậu và Phát triển Quốc gia của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm, từ nay đến năm 2040, để thích ứng và giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, Ngân hàng Thế giới đã và đang hỗ trợ Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thông qua ba kênh chính.
Thứ nhất là cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu về tài chính.
Thứ hai là hỗ trợ nghiên cứu, phân tích nhằm giúp Việt Nam xác định được các giải pháp cải cách và các giải pháp về mặt kỹ thuật hiệu quả nhằm đáp ứng được những thách thức về phát triển trong một thế giới biến chuyển nhanh như hiện nay.
Thứ ba là tổ chức, kết nối sự kiện để giúp Việt Nam tiếp cận với giới chuyên gia quốc tế cũng như những công nghệ tốt nhất của các nước nhằm thúc đẩy trao đổi kiến thức và giúp Việt Nam đạt được những kỳ vọng về kinh tế và phát triển.
Trước đó, như Sputnik đề cập, khi công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường của ADB cũng lưu ý về việc đẩy mạnh đầu tư công.
Theo ông Cường, Việt Nam đang là nền kinh tế nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là về lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Rất nhiều nguồn lực từ bên ngoài đang muốn hỗ trợ cho Việt Nam trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, nguồn lực vào Việt Nam đang vấp phải hai trở ngại: một là khả năng hấp thụ vốn, hai là chất lượng thể chế.
Đối với khả năng hấp thụ vốn, theo ông Cường, câu chuyện giải ngân đầu tư công chậm ở Việt Nam cho thấy sự hạn chế về khả năng hấp thụ vốn.
“Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, trung bình mỗi năm Việt Nam phải giải ngân 16 tỷ USD nhưng thực tế số thực hiện thấp hơn nhiều”, ông Cường cho biết và trăn trở rằng, phải chăng nền kinh tế chỉ có khả năng hấp thụ vốn đầu tư công ở mức 11-12 tỷ USD/năm?
Nâng cao chất lượng thể chế, từ đó nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng hạ tầng và nâng cao khả năng hấp thụ vốn là vấn đề cấp bách của Việt Nam hiện nay.
Theo tính toán, tại Việt Nam, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế; trong đó tác động đến thanh khoản với nền kinh tế, đối với các tổ chức tín dụng, đối với tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Trong năm 2023, Chính phủ cam kết sẽ giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công, trong đó, 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và các địa phương, đây là một số tiền không hề nhỏ.
“Nếu quá trình giải ngân thành công, thì đây sẽ là yếu tố giúp GDP Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay”, chuyên gia cho biết.