Nhiệt điện Quảng Ninh đạt kỷ lục chưa từng có

Thời gian qua, trước tình trạng thiếu điện do nắng nóng kéo dài, Nhiệt điện Quảng Ninh đã huy động hết công suất để nâng sản lượng lên mức kỷ lục trong tháng 5, đạt 806,5 triệu kWh, vượt 34,6 triệu kWh so với kế hoạch tháng.
Sputnik
Tại phiên ngày 12/6, cổ phiếu của công ty này được giao dịch ở mức 17.300 đồng, gần chạm đỉnh từng đạt được hồi đầu năm 2022. Chỉ trong mấy ngày từ đầu tháng 6 tới nay, mã QTP của Nhiệt điện Quảng Ninh đã tăng hơn 10%.

Nhiệt điện Quảng Ninh đạt sản lượng kỷ lục

Mới đây, CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP) đã cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, sản lượng điện do QTP sản xuất trong tháng 5/2023 đạt 806,5 triệu kWh, vượt 34,6 triệu kWh so với kế hoạch tháng. Đây là mức sản lượng điện cao nhất theo tháng kể từ khi nhà máy đi vào vận hành. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, QTP đã sản xuất 3,383 tỷ kWh điện, tăng thêm 5% so với kế hoạch.
Năm 2023, QTP đặt mục tiêu sản xuất trên 7,5 tỷ kWh, tương ứng sản lượng điện thương phẩm 6,8 tỷ kWh. Trước đó, con số đạt được năm 2022 lần lượt là 7,05 tỷ kWh và 6,4 tỷ kWh, theo tạp chí Mekong Asean.
Trong bối cảnh hiện tượng El Nino gây ra thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, các tổ máy của Nhiệt điện Quảng Ninh đã được huy động tối đa công suất 24/24. Lực lượng vận hành viên được bố trí trực theo chế độ 3 ca 5 kíp.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cấp than ổn định và đầy đủ, Nhiệt điện Quảng Ninh đã phối hợp với các nhà cung cấp than, đảm bảo cấp đủ than theo kế hoạch sản xuất điện; duy trì mức tồn kho than hợp lý vào từng thời điểm.
Công ty cũng nỗ lực nâng cao độ tin cậy và hiệu suất vận hành các nhà máy; đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật; khai thác hiệu quả phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, nhật ký vận hành điện tử, áp dụng RCM vào công tác sửa chữa lớn, tăng cường hiệu quả công tác sửa chữa thường xuyên…
Các phân xưởng nâng cao kỷ luật vận hành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng các thiết bị tại chỗ để phát hiện xử lý kịp thời các bất thường, đảm bảo các nhà máy luôn sẵn sàng đáp ứng tốt phương thức huy động và an toàn môi trường.
Hệ thống điện Việt Nam đã không còn công suất dự phòng

Tình hình kinh doanh của Nhiệt điện Quảng Ninh

CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh được thành lập vào tháng 2/2002, với sự góp vốn từ các cổ đông lớn bao gồm Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1); Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); Tổng Công ty Điện lực TKV-CTCP (Vinacomin Power); Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC); CTCP Cơ Điện Lạnh (REE).
Với việc đặt nhà máy tại 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Phòng), Nhiệt điện Quảng Ninh có lợi thế lớn về vị trí để có thể đảm bảo sản lượng đầu ra.
Năm 2023, QTP đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 440 tỷ đồng, gần tương đương với kế hoạch năm 2022 nhưng giảm đến 42% so với mức thực hiện của năm ngoái. Trên thực tế, QTP chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức gần 436 tỷ đồng nhưng cuối cùng con số đạt được lại lên tới hơn 764 tỷ đồng.
Trong quý đầu năm 2023, QTP đạt 2.995 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, giá vốn bán hàng tăng mạnh hơn, chiếm đến 2.817 tỷ đồng nên doanh nghiệp chỉ còn 144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 58% so với cùng kỳ. Theo kế hoạch lợi nhuận năm, QTP đã hoàn thành được 32%.
Ghi nhận vào cuối quý 1/2023, Nhiệt điện Quảng Ninh có tổng tài sản đạt hơn 8.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó bao gồm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (hơn 3.000 tỷ đồng) và tài sản cố định (hơn 4.000 tỷ đồng).
Số nợ phải trả của công ty là 2.124 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong số đó, có gần 1.100 tỷ đồng là nợ vay.
Tại phiên ngày 12/6, cổ phiếu QTP được giao dịch ở mức 17.300 đồng, gần chạm đỉnh từng đạt được hồi đầu năm 2022. Chỉ trong mấy ngày từ đầu tháng 6 tới nay, mã QTP đã tăng hơn 10%.
Thảo luận