Đặc biệt, sau giai đoạn tăng đột biến vào cuối 2022, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng Việt Nam bắt đầu hạ nhiệt, số ngân hàng niêm yết biểu lãi suất trên 8% không còn nhiều.
Lãi suất giảm nhưng dân vẫn ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng
Tại Việt Nam ghi nhận, dù các ngân hàng đua nhau hạ lãi suất, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 3 vẫn tăng mạnh.
Cụ thể, thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 3, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng đã đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 148.000 tỷ đồng so với tháng 2.
Trong đó, tiền gửi của dân cư tại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tăng hơn 100.836 tỷ đồng trong tháng 3 lên hơn 6,28 triệu tỷ đồng.
Theo đó, tiền gửi dân cư ghi nhận tháng thứ 16 liên tiếp tăng trưởng dương tính từ tháng 12-2021. Còn so với cuối năm 2022, tiền gửi của người dân tăng hơn 415.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 7,08%.
Ở chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế có xu hướng giảm. Theo số liệu của nhà điều hành, mặc dù tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 48.000 tỷ đồng trong tháng 3. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm, tiền gửi của nhóm này đã giảm mạnh 338.000 tỷ đồng.
Tính chung 3 tháng, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức 5,66 triệu tỷ đồng, giảm gần 290.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương ứng mức giảm 4,87%.
Diễn biến ngược
Diễn biến tăng trưởng tiền gửi của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến từ nhiều yếu tố, trong đó lãi suất huy động ở mức cao, trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu ảm đạm, nên nhà đầu tư cá nhân chọn gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn.
Ngược lại, lãi suất cho vay cao khiến các doanh nghiệp hạn chế đi vay, những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, chi phí sản xuất kinh doanh.
Ở đây, có thể thấy, tiền gửi của dân cư tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm được các chuyên gia cho rằng đến từ việc mặt bằng lãi suất tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Mặt bằng lãi suất huy động cao cũng đẩy lãi vay tăng mạnh.
Còn với nhóm doanh nghiệp, có điểm đáng lưu ý nữa là, tiền gửi của nhóm này giảm trong 2 tháng đầu năm trùng thời điểm Tết Nguyên đán - dịp các doanh nghiệp chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, tính đến cuối quý I/2023, các nhà băng có hơn 8,58 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 3,6% so với đầu năm.
Đứng đầu là BIDV với hơn 1,49 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, tăng khoảng 23,7 nghìn tỷ (tương đương 1,6%) so với đầu năm.
Vietcombank đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 3,1% so với đầu năm. Trong khi đó, VietinBank ghi nhận chỉ tiêu này là hơn 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 1,9%.
Sacombank đứng ở vị trí thứ 4 với gần 478,79 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 5,3% so với đầu năm.
MB ở vị trí thứ 5 với 445,41 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 0,4% so với đầu năm.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận xét, động thái nới lỏng chính sách tiền tệ đã có những tác động tích cực ban đầu lên thanh khoản của thị trường vốn.
Sau gần 3 tháng NHNN hạ lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng bình quân của nhóm ngân hàng tư nhân lớn giảm hơn 1%, trong khi mức giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này của các ngân hàng quốc doanh là khoảng 0,6%.
Xét trong tương quan với mặt bằng lãi suất, mức thanh khoản và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện tại có phần tương đồng với giai đoạn đầu quý 4 năm ngoái.
Làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng Việt tiếp diễn
Ghi nhận đến ngày 12/6, xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng Việt vẫn chưa dừng lại, theo đúng tinh thần chỉ đạo của NHNN – hạ lãi suất – tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp người dân, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.
Hiện, các khoản tiền gửi dưới 6 tháng bị khống chế bởi trần lãi suất 5%/năm. Còn lãi suất bình quân khi gửi tại quầy với kỳ hạn 6-9 tháng là 5,5-7,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm.
Đối với kỳ hạn trên 12 tháng, mức lãi suất cao nhất được niêm yết là khoảng 8,6%/năm và không nhiều nhà băng áp dụng biểu lãi suất này. Đồng thời, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện nhất định, tùy thuộc vào từng tổ chức tín dụng.
Hôm nay, có thêm 2 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động là HDBank và Sacombank với mức biểu lãi suất giảm 0,2 - 0,35 điểm %.
Hiện lãi suất cao nhất tại HDBank chỉ còn 7,7%/năm, áp dụng kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 13 tháng. Lãi suất cao nhất tại Sacombank là 7,45%/năm, áp dụng cho kỳ hạn gửi 36 tháng theo hình thức trực tuyến.
Như Sputnik đã thông tin, ở thời điểm này, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài tại nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh từ 1 - 2,5 điểm % so với thời điểm cuối tháng 12/2022, về vùng dưới 8%/năm. Lãi suất bình quân liên ngân hàng chốt tuần qua với kỳ hạn qua đêm là 3,1%/năm, 1 tuần 3,35%/năm, 2 tuần là 3,19%/năm, 1 tháng 5,56%/năm.
Ngay từ đầu tháng 6/2023, đã có nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất giảm để hỗ trợ người dân doanh nghiệp. Lãi suất tiết kiệm bình quân tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1,5% điểm % so với thời điểm Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành (25/5). Lãi suất huy động tại các nhà băng đã được điều chỉnh giảm 2-2,5 điểm % so với cuối năm ngoái.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng tư nhân khác của Việt Nam cũng hạ tiếp lãi suất huy động như SCB, Saigonbank, VPBank, SCB, Techcombank, TPBank, NamABank với mức điều chỉnh hạ thêm 0,2 - 0,7 điểm % ở tất cả kỳ hạn gửi tiền. Với làn sóng hạ lãi suất này, mặt bằng lãi suất mới đã được thiết lập.
Riêng ở nhóm ngân hàng quốc doanh (Big 4), lãi suất đang ở mức 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, 5,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Ngân hàng vẫn khát vốn?
Có một thực tế là, dù NHNN cho biết thanh khoản hệ thống hiện đang dồi dào, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thanh khoản ngân hàng đang được hỗ trợ lớn bởi nguồn đầu tư công chưa thể giải ngân (nguồn tiền này chủ yếu nằm ở NHNN và nhóm big 4).
Trừ nhóm này, rất nhiều ngân hàng TMCP nhỏ đang chịu áp lực lớn về huy động vốn. Chẳng hạn, theo VnBusiness, hết quý I năm nay, có 4 ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu tiền gửi sụt giảm. Trong đó, ABBank sụt giảm 10,3%, VietBank sụt giảm 2,6%, NCB sụt giảm 1,6% và VIB sụt giảm 0,4% ở chỉ tiêu này. Trong khi đó, hồi năm 2022, gần như không có ngân hàng nào không đạt tăng trưởng ở chỉ tiêu tiền gửi.
Có quan điểm cho rằng, xét trên toàn thị trường, các ngân hàng không dư giả vốn. Chẳng hạn, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết, quý I/2023, huy động vốn ngành ngân hàng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây.
"Ngoài cho vay, các ngân hàng đang rất "khát" vốn để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu... Đây là lý do vì sao một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất tiền gửi hơn 8%/năm trên thị trường", - chuyên gia lưu ý.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tư nhân cũng cho biết, các ngân hàng đã phải sẵn sàng các giải pháp về nguồn vốn trong bối cảnh tiền gửi có nguy cơ giảm đi do lãi suất có xu hướng giảm.
Đối với xu hướng này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nếu giảm sâu quá thì thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn do người dân thấy tiền gửi lãi suất thấp sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Đặc biệt, theo số liệu của NHNN, trong 4 tháng đầu năm, các ngân hàng đã sử dụng gần như tối đa nguồn huy động cho phép để cho vay (chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND chỉ vỏn vẹn 167.000 tỷ đồng); tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1 bằng VND ở mức 101,45% (tức tiền ngân hàng cho vay cao hơn cả tiền huy động trên thị trường 1). Trong đó, vốn huy động của ngân hàng có tới 88% là ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn lớn.
Nhiều tổ chức, chuyên gia tin tưởng, từ nay đến cuối năm vẫn còn dư địa NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động của ngân hàng có thể giảm còn 6,5 - 7%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Trong báo cáo mới công bố, công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay.
VNDirect đưa ra dự báo này dựa trên 3 yếu tố: nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế; NHNN vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.