Ai đứng sau vụ Đắk Lắk? Tuyên bố mới của Hun Sen hàm ý gì?

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu các lực lượng chức năng Campuchia tăng cường rà soát, ngăn chặn khả năng nghi phạm người Việt trong vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk trốn sang Campuchia.
Sputnik
Đáng chú ý, tuyên bố trước người dân Campuchia, Hun Sen gọi vụ tấn công ở Đắk Lắk là tội ác quốc tế và khẳng định, Campuchia không cho phép dùng lãnh thổ nước mình để chống nước khác.
Nói về nguyên nhân xảy ra vụ việc ở Đắk Lắk, ngày 16/6, Chánh Văn phòng Bộ Công an – Thiếu tướng Đặng Hồng Đức cho biết, theo đánh giá ban đầu là do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng Fulro lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài. Bộ Công an vẫn đang làm rõ vấn đề này.

Hun Sen lệnh rà soát, ngăn nghi phạm tấn công 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk lẩn trốn ở Campuchia

Ngày 16/6, báo Khmer Times của Campuchia đưa tin cho biết, Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu các lực lượng vũ trang nước này rà soát kỹ lưỡng quanh khu vực ven biên giới Việt Nam - Campuchia để hỗ trợ tìm kiếm các nghi phạm trong vụ tấn công ở Đắk Lắk.
Cụ thể, Thủ tướng Hoàng gia Hun Sen có chỉ đạo đối với Lực lượng vũ trang Campuchia cùng các cơ quan chức năng nước này bằng nhiều biện pháp, cần ngăn chặn khả năng nhóm nghi phạm người Việt Nam gây ra vụ nổ súng tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk xâm nhập vào lãnh thổ đất nước hay có thể đang ẩn náu tại Campuchia.
Lệnh của Thủ tướng Hun Sen được ban hành vào ngày 16 tháng 6 năm 2023, theo Khmer Times.
Phát biểu với công nhân ở huyện Cheung Prey, tỉnh Kampong Cham sáng 16/6, Thủ tướng Hun Sen đã công bố chỉ thị cho tất cả lực lượng vũ trang tăng cường, chú ý phối hợp với phía Việt Nam ngăn chặn các đối tượng tình nghi liên quan đến vụ tấn công trụ sở 2 xã ở tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam lẩn trốn sang Campuchia
Thủ tướng Hun Sen cũng giao chính quyền các tỉnh Mondulkiri và Ratanakkiri, cũng như chính quyền các tỉnh có biên giới giáp với Việt Nam, trực tiếp kiểm tra các làng trong khu vực địa phận hành chính của mình, không cho phép các nghi phạm người Việt gây ra vụ tấn công, trà trộn vào sống cùng người dân Campuchia.

Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam

Thông qua các tuyên bố của mình, Thủ tướng Hun Sen tiếp tục thể hiện định hướng quan duy trì quan hệ tốt đẹp và tăng cường liên hệ chặt chẽ, mật thiết với Việt Nam.
Hun Sen khẳng định, các cơ quan chức năng Campuchia phải bắt giữ những đối tượng có thể đã trốn sang được và bàn giao cho chính quyền Việt Nam.
Vụ tấn công tại Đắk Lắk: Nỗi đau của người ở lại
Bên cạnh đó, Thủ tướng Hu Sen cũng cảnh báo một số tổ chức quốc tế tại Campuchia tránh xa việc tiếp tay cho các nghi phạm người Việt Nam gây ra tội ác man rợ trong vụ tấn công vào cơ quan công quyền ở Đắk Lắk trước đó.
Người đứng đầu Chính phủ Campuchia yêu cầu cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và các tổ chức quốc tế cảnh giác với những nghi phạm này và không hỗ trợ họ.
"Đây là "tội ác quốc tế" và Campuchia không cho phép bất cứ ai dùng lãnh thổ Campuchia để chống lại các quốc gia khác", - Hun Sen tuyên bố.
Thông qua tuyên bố mới của mình, Thủ tướng Hun Sen một lần nữa nhấn mạnh chính quyền Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam truy bắt các đối tượng liên quan ngay sau khi vụ việc xảy ra. Đồng thời, không cho phép bất cứ thế lực nào lợi dụng địa thế, lãnh thổ làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia.

Vụ tấn công trụ sở 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu ở Đắk Lắk

Như Sputnik đề cập, tham chiếu cổng TTĐT Bộ Công an, Đài tiếng nói Việt Nam, báo Công an nhân dân, ngày 16/6, thông tin nhanh về vụ việc gây mất an ninh trật tự tại Đắk Lắk, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay:

"Vào khoảng 0 giờ 35 phút, ngày 11/6 vừa qua, trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra vụ việc có hai nhóm đối tượng có vũ khí, đột nhập tấn công trụ sở công an 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu".

Theo Bộ Công an, hậu quả vụ việc đã làm 11 người thương vong, trong đó có 9 người chết gồm: 4 đồng chí công an xã, 2 cán bộ xã và 3 người dân, 2 cán bộ công an xã bị thương; cùng 3 người dân tộc thiểu số bị khống chế làm con tin.
Vụ dùng súng tấn công tại Đăk Lăk: Trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các liệt sỹ công an nhân dân
Ngay trong đêm xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã nhanh chóng tăng cường các lực lượng nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bao vây, phong tỏa các địa bàn có liên quan, bảo vệ trụ sở chính quyền, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân và truy bắt đối tượng.
Cùng với đó, khẩn trương thực hiện chế độ chính sách, kịp thời thăm hỏi động viên gia đình các đồng chí hy sinh, bị thương; thăm hỏi động viên gia đình cán bộ, người dân bị nạn.
"Với tinh thần quyết liệt tấn công truy bắt bằng được các đối tượng, đến nay lực lượng công an đã bắt và xử lý trên 50 đối tượng trực tiếp tham gia vào vụ việc", - Thiếu tướng Đặng Hồng Đức nhấn mạnh.
Chánh Văn phòng Bộ Công an nêu rõ, hiện toàn bộ các đối tượng cầm đầu trong vụ việc này đã bị lực lượng chức năng bắt giữ và thu được nhiều vũ khí; giải cứu tuyệt đối an toàn 3 con tin.
"Qua khai thác ban đầu, số đối tượng bị bắt giữ phần nhiều là đối tượng trẻ, thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng và bị kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số", - ông Đức nói.
Vụ dùng súng tấn công tại Đắk Lắk: Bộ Công an thông tin về kết quả điều tra, đấu tranh, lấy lời khai ban đầu

Vụ tấn công ở Đắk Lắk và những đối tượng Fulro kích động

Theo đánh giá bước đầu của Bộ Công an, nguyên nhân xảy ra vụ việc là do âm mưu của các thế lực thù địch, một số đối tượng Fulro lưu vong kích động một số người dân tộc thiểu số chia rẽ người Kinh với dân tộc thiểu số gây mất trật tự và gây tiếng vang ở nước ngoài.
"Vấn đề này, lực lượng Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ", - tướng Đặng Hồng Đức nêu rõ.
Thời gian tới, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức nhấn mạnh, Bộ Công an sẽ tiếp tục truy bắt hết số đối tượng gây án, thu giữ toàn bộ vũ khí, vật liệu nổ. Đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân và lực lượng tham gia truy bắt; tiến hành công tác điều tra, xử lý nhanh chóng theo đúng quy định.
Bộ Công an cũng chỉ đạo rà soát toàn bộ phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh các địa bàn, mục tiêu, lĩnh vực trọng điểm, nắm chắc tình hình và tham mưu cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, loại trừ yếu tố tiềm ẩn phức tạp, phát sinh từ sớm, từ xa.
Bộ Công an đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác dân vận, nắm dân, gần dân, sát dân, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn bức xúc trong nội bộ nhân dân để giải quyết từ sớm, từ gốc và nâng cao cảnh giác của quần chúng nhân dân trước âm mưu thủ đoạn hoạt động chống phá, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch phản động, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tướng Đức nói thẳng, nếu không có đồng bào nhân dân tỉnh Đắk Lắk ủng hộ thì không thể trong một trong thời gian rất ngắn, lực lượng công an đã truy bắt được toàn bộ số đối tượng cầm đầu và hầu hết các đối tượng tham gia trực tiếp vụ việc.
"Trong quá trình truy bắt cũng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, người dân. Cho đến ngày hôm nay trên địa bàn huyện Cư Kuin và đặc biệt trên địa bàn hai xã cuộc sống đã trở lại bình thường, trở lại cuộc sống thanh bình vốn có", - Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh.
Thảo luận