Thống đốc đã ra tay: Nước cờ bất ngờ của Ngân hàng Nhà nước

Như Sputnik thông tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm lãi suất điều hành lần 4, với mức giảm 0,25-0,5%/năm.
Sputnik
Quyết định mới nhất của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Ngân hàng Nhà nước nhận được những tín hiệu rất tích cực từ thị trường, được kỳ vọng có tác động tích cực đối với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Vì sao NHNN hạ lãi suất?

Chiều ngày 16/6, lý giải về quyết định hạ lãi suất lần thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm và lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.
Mục đích để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Qua đó Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế”, NHNN nhấn mạnh.
Thực tế, động thái hạ lãi suất của NHNN là một bước đi khá bất ngờ, đi ngược xu hướng tăng lãi suất thời gian qua ở nhiều nước cũng như nhiều dự báo cho rằng, phải đến quý 3 tới Việt Nam mới có thể chứng kiến thêm một đợt giảm lãi suất nữa.
Theo nhà điều hành, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
Tuyên bố mới của NHNN, Bộ Công an nói về vụ dân tố SCB-Manulife lừa đảo
Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Quyết định trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ”.
Thêm nữa, Thống đốc và NHNN nêu rõ, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Không chủ quan với lạm phát

Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát.
Theo lãnh đạo ngân hàng Trung ương của Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, neo giữ lãi suất ở mức cao.
“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc, gặp khó khăn, một số nền kinh tế rơi vào suy thoái, Fed thông báo giữ nguyên mức lãi suất 5-5,25%/năm nhưng phát tín hiệu có thể tiếp tục thắt chặt trong năm nay, thị trường dự báo khả năng Fed còn tăng 1-2 lần lãi suất trong năm 2023.
Trong nước, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhiều chỉ số kinh tế tăng thấp hơn cùng kỳ phản ánh tác động tiêu cực từ cầu nước ngoài suy giảm mạnh và những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,7-7,2%.
Trong khi đó, lạm phát và lạm phát cơ bản tiếp tục chậm lại trong 5 tháng đầu năm 2023 do tăng trưởng kinh tế thấp, làm suy giảm áp lực lạm phát cầu kéo.
Cùng với đó,thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào và dư thừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần đưa vào lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng.
“Các giải pháp nêu trên đã góp phần tạo thanh khoản dồi dào trên thị trường. Qua đó bình ổn và làm giảm mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế”, nhà điều hành nêu rõ.
NHNN phối hợp với Bộ Công an "làm sạch" 25 triệu hồ sơ tín dụng

Quyết định phù hợp

Như vậy, từđầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2,0%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nêu ra 2 hai lý do khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định hạ lãi suất lần thứ 4.
Thứ nhất làbối cảnh quốc tế đã thuận lợi hơn, trong cuộc họp ngày hôm qua 15/6, Fed đã tạm dừng tăng lãi suất chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp được cơ quan này đưa ra từ tháng 3/2022. Tỷ giá không còn nhiều áp lực giúp NHNN có dư địa để giảm lãi suất.
Đối với bối cảnh trong nước, lạm phát đang trên đà giảm, nhưng xuất khẩu giảm mạnh, sản xuất công nghiệp giảm, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn về đầu ra, về nghĩa vụ tài chính, tín dụng tăng thấp nên quyết định giảm tiếp các lãi suất điều hành của NHNN được đưa ra trong lúc này là phù hợp.
Đánh giá về động thái mới nhất của NHNN, VietnamFinance dẫn quan điểm của chuyên gia kinh tế TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết, quyết định lần thứ tư giảm lãi suất đã được NHNN cân nhắc tới nhiều yếu tố như lạm phát, thanh khoản hệ thống có nhiều cải thiện thời gian qua, tỷ giá ổn định, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối.
Theo TS. Lực, việc hạ lãi suất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, nhất là về nghĩa vụ tài chính.
Sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, hy vọng các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất đầu vào lẫn đầu ra. Điều này góp phần giảm bớt khó khăn về nghĩa vụ trả nợ, cả cũ và cả mới cho doanh nghiệp.
Thứ hai là qua đó sẽ giúp kích cầu tín dụng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất thấp trong những tháng đầu năm nay, tính đến hết tháng 5 chỉ khoảng 3%. Thứ ba là, việc giảm lãi suất lần này cũng nhằm thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ và Quốc hội về hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế, kích thích tăng trưởng.
“Hơn nữa, động thái chính sách này tiếp tục cho thấy thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng, theo đó, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm nay và năm tới”, chuyên gia bày tỏ.
Giới quan sát cũng kỳ vọng, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên thị trường chứng khoán và bất động sản khi mà nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của thị trường chứng khoán hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn.
Quyết định hạ lãi suất rất nhanh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trước lo ngại về hạ lãi suất sẽ khiến lạm phát tăng lên, TS. Lực cho rằng, vấn đề này không quá đáng lo. Theo ông, năm nay, lạm phát và giá cả trên thế giới đang giảm, đỡ áp lực hơn nhiều so với năm ngoái, tỷ giá cũng tương đối ổn định. Đặc biệt, sức cầu trong nền kinh tế hiện rất yếu, khi sức cầu khoẻ, tăng nhanh thì thị trường mới chấp nhận giá hàng hoá cao nhưng hiện nay, sức cầu yếu và hàng tồn kho nhiều nên giá cao hơn một chút người dân sẽ không mua.
Chỉ tiêu lạm phát năm nay được Chính phủ đề ra là 4,5% trong đó đã tính đến các tác động về tăng lương, tăng giá điện nên ngay khi áp dụng các chính sách mới cũng không quá đáng ngại về lạm phát.
“Việc quá lo về lạm phát mà siết hỗ trợ tăng trưởng là rất không nên”, TS. Lực chỉ rõ.

‘Liều thuốc’cho nền kinh tế

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định,việc NHNN liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng 6 tháng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đồng loạt giảm lãi suất huy động và trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, đây còn là “chỉ dấu rất rõ nét” của NHNN tới ngân hàng thương mại và nền kinh tế rằng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, nguồn lực trong nền kinh tế tương đối tốt, phía ngân hàng có thể an tâm huy động vốn trong dân cư, còn doanh nghiệp người dân cũng có thể an tâm vay và sử dụng vốn có hiệu quả.
“Quyết định giảm lãi suất lần này của NHNN nhanh hơn so với dự báo. Hy vọng rằng, tốc độ giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ mạnh hơn, tác động lan tỏa nhanh hơn. Từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng phục hồi và phát triển kinh tế”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, quyết định giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN sẽ “tiêm” thêm liều thuốc cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn.
“Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ. Có thể nói, chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã có sự năng động, tích cực bằng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn”, ông Huân chia sẻ.
Thảo luận