Phiên bản của Trần Dân Tiên
Một trong những cuốn tiểu sử đầy đủ đầu tiên của lãnh tụ cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh, xuất hiện vào những năm 1950, khi sinh thời vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam DCCH. Tên tác giả ghi trên trang bìa là Trần Dân Tiên. Cuốn sách này, được viết bằng ngôn ngữ văn học mạch lạc nhuần nhuyễn, bao quát tất cả các giai đoạn trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ thưở ấu thơ. Trong sách cũng có một trang nói về chuyến đi của nhà cách mạng Hồ Chí Minh đến đất nước Xô-viết. Sách không tiết lộ mốc ngày tháng đến Liên Xô, nhưng từ văn bản, bạn đọc có thể dễ dàng đoán rằng đó là vào cuối tháng 1 năm 1924.
Theo tường thuật của tác gia Trần Dân Tiên thì Hồ Chí Minh đến Petrograd (nay là Saint-Peterburg) trên con tàu khởi hành từ nước Pháp và khi vừa lên bờ thì sa ngay vào vòng vây của lính biên phòng Liên Xô. Đã diễn ra cuộc kiểm tra khá hình thức, mặc dù những người lính này đã đem thuốc lá ra đãi vị khách ngoại quốc. Với câu hỏi «Xin vui lòng cho biết đồng chí đến Nga làm gì?», Hồ Chí Minh trả lời ngắn gọn mà rõ ràng: «Để gặp Lenin». «Rất tiếc, không thể gặp Lenin được nữa rồi, vì Người đã từ trần hôm kia», - người lính biên phòng Liên Xô nghẹn ngào nói trong nước mắt. Từ câu chuyện cảm động như vậy mới thấy rõ vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh không có cơ hội gặp lãnh tụ Lenin. Và thông tin này đã lan truyền khá rộng rãi trong nhân dân Việt Nam, càng đậm nét qua những vần thơ xúc động của thi sĩ Tổ Hữu trong bài «Với Lê-nin» - Nhà Lê-nin, ở Goóc-ky. Khi tôi đến. Lê-nin như vừa đi…
Thực sự là thế nào
Nhưng huyền thoại độc quyền của Trần Dân Tiên về chi tiết này đã bền vững không lâu. Năm 1961, nhà xuất bản «Sự thật» của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam công bố cuốn sách «Chủ tịch Hồ Chí Minh», trong đó chỉ rõ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Nga Xô-viết vào cuối tháng 6 năm 1923, kể cả việc tham dự Đại hội Quốc tế Nông dân đã được lên kế hoạch vào tháng 10 năm 1923.
Sau đó một thời gian, từ kho Lưu trữ văn khố của Liên Xô, đã tìm thấy tờ khai nhập cảnh mà vị khách Hồ Chí Minh đã điền khi vào lãnh thổ Liên Xô. Ngày đến có thể thấy rõ ở đó - 30 tháng 6 năm 1923.
Thế nhưng tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại không gặp Lenin, bởi khi ấy lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới vẫn còn sống?
Đúng vậy, lúc đó Lenin vẫn còn sống, nhưng trên thực tế, do tình trạng sức khỏe rất tệ nên Lenin đã không tiếp khách kể từ tháng 12 năm 1922. Lenin có vấn đề về trí nhớ, rối loạn khả năng ngôn ngữ, tay chân không thể cử động bình thường. Và tài liệu «Thư gửi Đại hội» nổi tiếng, trong đó Lenin nhận xét đánh giá các Uỷ viên Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng Cộng sản Bolshevik và đề xuất giải phóng Stalin khỏi cương vị Tổng Bí thư, thì tự Lenin không viết được nữa mà đọc cho nhân viên ghi tốc ký, và thường thì chính nữ nhân viên này đã viết những từ mà cô cho rằng Lenin đã nói. Thông tin về sức khoẻ và bệnh tật của V.I. Lenin không phải là điều gì bí mật ở nước Nga Xô-viết lúc bấy giờ, nhiều người biết, kể cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù nhà cách mạng Việt Nam có lẽ đã rất mong Lenin hồi phục và cuộc gặp lịch sử của họ sẽ diễn ra.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh không gặp lãnh tụ Lenin có tác động gì chăng đối với vận mệnh của cách mạng Việt Nam? Tôi nghĩ, không mấy ảnh hưởng, - quan sát viên Piotr Tsvetov nêu ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự mình đến với chân lý cách mạng vô sản và lãnh đạo Đảng cùng nhân dân nước mình đi theo con đường mà Lenin và Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh làm điều đó không phải là bắt chước nhà lãnh đạo của giai cấp vô sản thế giới một cách mù quáng hay giáo điều, mà bằng tài năng thông tuệ kiệt xuất đã nghiên cứu và đánh giá tính đúng đắn của học thuyết Mác-Lênin, chiến lược và chiến thuật của những người Bolshevik ở nước Nga Xô-viết, để rồi vận dụng sáng tạo tại Việt Nam. Nhưng như có thể thấy qua tác phẩm của Trần Dân Tiên, với tư cách là một con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không lấy làm tiếc rằng đã không có cơ duyên gặp gỡ Lenin trên đất Nga.