"Việt Nam sở hữu hầu hết các yếu tố cần thiết để trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu dù còn cả một chặng đường dài phía trước", - Hugh Harsono khẳng định.
Nắm trong tay vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện, sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ cùng vô vàn yếu tố mang tính "thiên thời – địa lợi – nhân hoà" trong nước khác, hoàn toàn có thể giúp Việt Nam mở rộng năng lực sản xuất, qua đó góp phần đa dạng hóa hệ sinh thái xe điện trên thế giới.
Việt Nam có thể phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc về xe điện?
Việt Nam là một trong những nước trung lưu phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với một báo cáo gần đây của McKinsey, ước tính hơn 36 triệu người có thể gia nhập tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam vào năm 2030.
Tầng lớp trung lưu đang phát triển này, cùng với sự gia tăng liên quan đến khả năng tiêu dùng mở rộng, là yếu tố thúc đẩy sự mở rộng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, với dự báo GDP tăng từ 327 tỷ USD năm 2022 lên 470 tỷ USD vào năm 2025.
Một trong những ngành kinh tế đang phát triển của Việt Nam là ngành công nghiệp xe điện (EV), tập trung vào mảng sản xuất, cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế dành riêng cho xe điện.
"Vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong cả sản xuất và tiêu thụ xe điện sẽ sớm đưa nước này trở thành một trong những thị trường xe điện năng động nhất thế giới, có khả năng phá vỡ sự thống trị hiện tại của Trung Quốc đối với hệ sinh thái xe điện ở cả hai cấp độ", - Hasono nêu rõ.
Sản xuất đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam, với lĩnh vực sản xuất chiếm gần 25% tổng GDP của cả nước vào năm 2021.
Do đó, mối quan tâm đến việc sản xuất xe điện và pin điện ở Việt Nam đã tăng vọt, mà mới đây nhất là thông báo vào tháng trước bởi nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD về kế hoạch sản xuất tại Việt Nam.
BYD gia nhập hàng ngũ các tập đoàn như Hyundai, công ty đã mở nhà máy tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2022 thông qua liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Thành Công, chuyên tập trung vào sản xuất EV.
Michael Beda, Giám đốc điều hành của Eden Global Capital, một ngân hàng đầu tư hướng tới việc hỗ trợ các công ty Việt Nam niêm yết tại Hoa Kỳ, cho biết:
"Các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được mức đầu tư trực tiếp nước ngoài kỷ lục, với việc chính phủ đang tập trung vào việc nới lỏng các quy định về môi trường kinh doanh "xanh". Trọng tâm lớn của chính quyền trong những năm tới là nâng cao công suất của lưới điện để hỗ trợ cả lĩnh vực sản xuất sạch và quá trình chuyển đổi sang xe điện".
Việt Nam nắm tài nguyên quan trọng đối với EV
Trữ lượng niken tập trung cao của Việt Nam, một thành phần quan trọng trong pin xe điện, cũng cho thấy tầm quan trọng của nó trong chuỗi cung ứng EV.
Công ty Blackstone Minerals của Úc đã đầu tư mạnh vào khai thác và tinh chế niken tại Việt Nam, đáng chú ý nhất là thông qua dự án Tạ Khoa ở miền Bắc.
Ngoài ra, VinFast, thương hiệu ô tô hàng đầu của Việt Nam, đã có những bước tiến đáng kể không chỉ trong việc sản xuất xe điện của riêng mình, chẳng hạn như công bố thành lập nhà máy lắp ráp xe điện ở Bắc Carolina vào tháng 3 năm 2022, sau khi đã xây dựng một nhà máy trước đó tại Việt Nam vào tháng 6 năm 2019 – mà còn trong việc chế tạo pin cho các loại xe điện khác.
Vào tháng 12 năm 2021, hãng đã thành lập nhà máy sản xuất pin EV trị giá 175 triệu USD, cũng là nhà máy đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Nhu cầu nội địa đối với xe điện cũng đang tăng lên ở Việt Nam. Vào tháng 2 năm nay, Volvo Car Malaysia đã thông báo rằng họ sẽ bắt đầu xuất khẩu xe điện sang Việt Nam, dựa trên thông báo tương tự của Nissan vào tháng 11 năm 2022.
Vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam với tư cách là nhà sản xuất xe điện, tầm quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện và lượng người tiêu dùng EV ngày càng tăng, tất cả tạo ra các điều kiện thị trường hoàn hảo giúp Việt Nam tạo được lợi thế vượt trội với ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc.
Chính sách hỗ trợ hệ sinh thái xe điện của Việt Nam
Vào tháng 12 năm 2022, Việt Nam tuyên bố tham gia với tư cách là một trong ba quốc gia đầu tiên tham gia Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, một cơ chế tài chính bao gồm các quốc gia phát triển giúp các quốc gia như Việt Nam chuyển đổi sang những nguồn năng lượng bền vững hơn.
Việc thu hút sự sự giúp đỡ quốc tế nhằm hỗ trợ tài chính và tăng trưởng ngành năng lượng bền vững sẽ giúp Việt Nam phát triển hệ sinh thái xe điện đang phát triển.
Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm hướng tới trung hoà carbon thông qua tăng trưởng và triển khai EV.
Những nỗ lực này có thể kể đến như việc ban hành Nghị định 10/2022 vào tháng 3/2022, miễn phí đăng ký cho xe điện trong 3 năm đầu sử dụng và giảm 50% phí trong 2 năm sau đó.
Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua Quyết định 1095 vào tháng 6 năm 2021, nhằm xây dựng chương trình quốc gia phát triển phương tiện công cộng dành riêng cho xe điện từ năm 2022-2023.
Các chính sách hỗ trợ trong nước và quốc tế đều đang tìm cách tận dụng thực tế là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam sẽ dẫn đến sức mua ngày càng lớn.
Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ sở hữu ô tô thấp nhất ở châu Á, khi chỉ có khoảng 4-5% số gia đình sở hữu ô tô vào năm 2018, và con số này tăng nhẹ lên 5,7% vào năm 2020.
Chi phí nhiên liệu tăng được xem là mối lo ngại lớn với người Việt Nam đang sở hữu ô tô, khi có đến 64% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát thực hiện vào giữa năm 2022 cho rằng chi phí nhiên liệu thấp hơn là một yếu tố quan trọng trong việc mua xe điện.
Chính phủ Việt Nam nhận thức được vấn đề này và vào tháng 3 năm nay đã yêu cầu các bộ ngành xây dựng kế hoạch cắt giảm 50% lệ phí trước bạ với các phương tiện sản xuất trong nước. Với những yếu tố này, cùng với sự hỗ trợ ngày càng tăng của chính phủ với quyền sở hữu ô tô, xe điện là lựa chọn tự nhiên cho tầng lớp trung lưu đang phát triển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, VinFast cũng đang tích cực theo đuổi việc sản xuất xe điện trong nước tại Việt Nam, với doanh số bán hàng tăng trưởng đáng kể từ năm 2022 đến năm 2023.
VinFast cũng vừa ra mắt xe taxi điện vào tháng 4 năm nay, giúp tăng trưởng và phát triển việc sử dụng xe điện hàng ngày tại Việt Nam, đồng thời góp phần thiết lập cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện, vốn rất cần thiết ở quốc gia này
Kiên trì vượt qua thách thức
Mặc dù thị trường xe điện của Việt Nam dường như đã sẵn sàng "cất cánh", nhưng mối quan tâm đến một ngành năng động như vậy đã gây ra một số khó khăn ngày càng tăng cho Việt Nam, đặc biệt khi so sánh với vị thế hiện tại của Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với 6,8 triệu xe điện được bán vào năm 2022, so với con số 800.000 xe của Hoa Kỳ.
Cơ sở hạ tầng lưới điện và sạc, mặc dù có khả năng hỗ trợ các phương tiện vi mô chạy bằng điện như xe đạp điện và xe máy điện, nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc hỗ trợ nhu cầu năng lượng lớn hơn của xe điện.
Ngoài ra, các công ty như VinFast cũng đã trải qua một số thất bại, bao gồm việc thu hồi lô xe điện đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào tháng 5 và thông báo hủy bỏ kế hoạch IPO tại Hoa Kỳ cũng trong tháng đó.
"Tuy nhiên, việc kiên trì vượt qua những thách thức này sẽ giúp đất nước ổn định hơn. Vị trí quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng xe điện, sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và các yếu tố trong nước khác đều góp phần giúp quốc gia này có thể mở rộng năng lực sản xuất xe điện và giúp đa dạng hóa hệ sinh thái xe điện quốc tế hiện tại", - chuyên gia nhận định trên The Diplomat.
Như đã nói, dù vẫn còn nhiều thách thức trong thời gian tới, nhưng Việt Nam có khả năng tạo ra tác động đáng kể trong hệ sinh thái EV của thế giới với tư cách vừa là nhà sản xuất, vừa là người tiêu dùng.
Thậm chí ở mức độ đảm bảo chuỗi cung ứng EV, Việt Nam cũng sẽ giúp người tiêu dùng toàn cầu ngày càng giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất và cung cấp vật liệu từ Trung Quốc.