Bộ trưởng Tô Lâm: Vụ ở Đắk Lắk, Tây Nguyên không thể coi thường

Đại tướng Tô Lâm cho biết, điểm mới trong nghị quyết đại hội 13 là quan tâm đến an ninh, an toàn không chỉ là an ninh quốc gia, chủ quyền toàn vẹn, bền vững của chế độ... mà còn phải đến từng cá nhân, từng con người.
Sputnik
Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất ở xã là phải bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân, xây dựng cơ sở phường, xã là pháo đài về an ninh trật tự, đảm bảo an ninh an toàn nhất.

Mục tiêu cuộc sống ấm no, an ninh, an toàn

Phát biểu trong buổi thảo luận tại tổ sáng 20/6 về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày về mục tiêu xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.
Theo đó, mọi người dân đều được hưởng niềm hạnh phúc, an toàn, không ai bị đe dọa, bị ảnh hưởng. Khi xã, phường làm tốt thì huyện, quận sẽ tốt. Quận, huyện tốt thì tỉnh, thành tốt. Tỉnh, thành tốt sẽ giúp cả quốc gia tốt.
Đại tướng Tô Lâm lưu ý, trong nghị quyết đại hội 13 đã có điểm mới là quan tâm đến an ninh, an toàn không chỉ là an ninh quốc gia, chủ quyền toàn vẹn, bền vững của chế độ... mà còn phải đến từng cá nhân, từng con người.
“Mục tiêu là cuộc sống ấm no, hòa bình, an ninh, an toàn, thảnh thơi chứ không phải lúc nào cũng lo sợ”, - Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Chuẩn bị khởi tố 74 bị can sau vụ việc ở Đắk Lắk
Theo ông, mục tiêu quan trọng nhất ở xã là phải bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân. Trong đó, xây dựng cơ sở phường, xã là pháo đài về an ninh trật tự, đảm bảo an ninh an toàn nhất. Một khi xã, phường an toàn thì cấp trên cũng sẽ an toàn.
“Sẽ xây dựng những phường xã không có tội phạm, không ma túy và đây là mục tiêu rất lớn”, - người đứng đầu ngành Công an nói.
Theo ông, tất cả những tệ nạn như ma túy người dân đều biết hết, nhà nào có ma túy, ăn trộm, ăn cắp, con cái đối tượng thế này thế kia… người dân cũng biết.
“Cái dở là dân biết nhưng chính quyền, công an không biết. Nếu không biết là kém rồi, còn biết mà không giải quyết càng kém”, - ông nói thêm.
Tuy nhiên, theo Đại tướng Tô Lâm, lực lượng công an cơ sở phải giải quyết “trăm thứ việc”, từ cứu hỏa, cứu nạn cứu hộ, giải quyết mâu thuẫn, quản lý người phạm tội, tha tù trở về…
“Chúng tôi đang tính toán như ở Tây Nguyên thì mỗi xã cần có một cán bộ để nắm và giải quyết tất cả vấn đề về an ninh. Xã phức tạp về ma túy cần cán bộ là chuyên gia phòng chống ma túy, vấn đề thủ tục hành chính cũng cần có người xử lý”, - Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Kinh phí không phải là trở ngại

Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, ở địa phương một người phải làm rất nhiều việc, nên lực lượng hỗ trợ cơ sở là rất quan trọng. Đồng thời, vai trò của người dân tham gia vào là quan trọng nhất.
Trên thực tế, từ trước đến nay công an luôn có lực lượng này bên cạnh. Hiện Việt Nam cũng đã ban hành nhiều quy định pháp lý nhưng chưa có văn bản luật quy định. Theo ông, lực lượng trị an cơ sở là cánh tay nối dài rất quan trọng.
Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, vi phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên hiện rất lớn, đáng lo ngại. Nhiều tội phạm là lớp trẻ, thanh niên như tội phạm mạng, ma túy.
Vụ Đắk Lắk: Nỗ lực đột nhập doanh trại Lữ đoàn Đặc công 198 thất bại
Do đó, phải tập hợp lực lượng và đây là việc rất quan trọng của công an. Lực lượng cơ sở ở từng phường, xã là nòng cốt giải quyết các công việc. Họ phải nắm tình hình “hằng ngày hằng giờ, không phải khi đến vụ án xảy ra rồi mới đến công an giải quyết sẽ chậm hết”.
“Như các vụ trộm cắp, đánh nhau, giết người chỉ là giải quyết hậu quả, trong khi công tác này phải đi từ trước, từ sớm, từ xa để xây dựng xã hội lành mạnh, kỷ cương, an ninh, an toàn. Chúng tôi không phải chỉ thích bắt giữ, xét xử, đưa đi tù - đây chỉ là những giải pháp cuối cùng không còn cách nào khác theo quy định pháp luật”, - Bộ trưởng Bộ Công an bày tỏ.
Đại tướng Tô Lâm cũng cho rằng, kinh phí cho lực lượng này hoạt động không phải vấn đề trở ngại khó khăn.

Vụ Đắk Lắk: Không thể coi thường

Bộ Công an sắp tới sẽ cùng trung ương tổng kết chiến dịch về bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời bình. Đây là một trong hai nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng, bởi lẽ phải ổn định thì mới có thể phát triển.
“Bây giờ xảy ra chuyện gì không ổn định thì không thể nói đến chuyện phát triển kinh tế hay bàn về dự án. Nhiều tỉnh đã nói với tôi về chuyện này, như Nghệ An, Hà Tĩnh khi xảy ra Formosa nói Thường vụ Tỉnh ủy cả năm giải quyết khiếu kiện, vướng mắc còn thời gian đâu bàn về phát triển kinh tế - xã hội. Hoặc ở Đắk Lắk, Tây Nguyên vừa qua một việc như thế thôi, không thể coi thường với nhiệm vụ này”, - Đại tướng Tô Lâm lưu ý.
Ông phân tích, với lực lượng công an xã trước đây, chế độ do ngân sách của tỉnh chi hết. Tuy nhiên, trưởng công an xã nay đã đưa khỏi chức danh chính quyền nên Bộ Công an phải lo.
Việt Nam đã bắt một trong những kẻ cầm đầu vụ nổ súng ở Đắk Lắk
Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng, nhiều địa phương khẳng định sẽ đảm bảo được hết, thậm chí đầu tư cho công an chính quy chứ không chỉ lực lượng trị an cơ sở. Vậy nên, kinh phí này không phải gánh nặng rất lớn cho các địa phương.
Theo ông, lực lượng đảm bảo an ninh cơ sở không có trụ sở riêng và hoạt động chủ yếu ở trụ sở chính quyền, công an xã và nhà sinh hoạt cộng đồng. Thêm nữa, lực lượng này chủ yếu chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ, công cụ phải được quản lý và Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm trang bị cho lực lượng hoạt động.

Tán thành với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công an

Phát biểu thảo luận, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho biết bà đồng tình với việc thống nhất 300.000 người thuộc các lực lượng thành các tổ bảo vệ an ninh, trật tự.
Hiện công an xã chính quy đã được bố trí 100% trên toàn quốc nhưng số lượng còn khá mỏng, có những xã ở Tây Nguyên chỉ có 5 người.
"Năm đồng chí với tất cả yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự đều phải triển khai xuống công an cấp xã phải làm rất nhiều việc, rất nặng, đặc biệt là xử lý tin tố giác ban đầu", - bà Xuân nói và cho rằng, công an chính quy cũng rất vất vả và khó hoàn thành nhiệm vụ nếu không có lực lượng này.
Về vụ việc xảy ra ở Tây Nguyên vừa qua, bà Xuân nhận định nếu lực lượng an ninh cơ sở được hướng dẫn cụ thể thì sẽ là "tai mắt khi nhóm đối tượng này đi mua bộ đồ rằn ri, chuẩn bị dụng cụ phương tiện".
Thêm nữa, một đòi hỏi cấp bách nhằm đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở là phải có lực lượng thường trực, nắm bắt vụ việc từ sớm ở cơ sở là các thôn, buôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư. Đây là lực lượng từ nhân dân mà ra, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết của người dân địa phương, từ đó sẽ giúp nắm tình hình trong dân tốt hơn.
“Gặp cán bộ và Công an xã thì giết”: Bộ Công an nói vụ nổ súng ở Đắk Lắk có tổ chức
"Nếu có lực lượng này là cầu nối, cánh tay nối dài của lực lượng công an xã chính quy, tôi cho rằng là vô cùng cần thiết, thực tiễn đòi hỏi", - Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân khẳng định.
Về phần mình, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng từ khi công an chính quy được đưa về cấp xã đã khắc phục được hạn chế trước đây khi công an xã không phải là lực lượng chính quy. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự cơ sở hiện vẫn phức tạp. Tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương tiềm ẩn nguy cơ.
"Như vụ việc tại Tây Nguyên vừa rồi là bài học rất đắt, cho thấy lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở còn thiếu và yếu, chưa được huy động kịp thời", - ông Đồng nói.
Do đó, đại biểu này tán thành việc xây dựng dự thảo luật, tuy nhiên cần giải thích rõ lực lượng đảm bảo an ninh cơ sở có gây gánh nặng cho ngân sách không.
Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhất trí sự cần thiết của dự án luật. Tuy nhiên, ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc "không phải địa bàn, địa phương nào cũng nhất thiết phải thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự", đồng thời cho rằng điều kiện, tiêu chí phải được thiết lập một cách chặt chẽ.
Thảo luận