Như truyền thông đưa tin, vào thời điểm "Titan" mất tích, trên tàu lặn có 5 thành viên gồm tỷ phú Anh Hamish Harding, chuyên gia Pháp kỳ cựu về nghiên cứu biển sâu Paul-Henri Nargeolet, Stockton Rush Giám đốc điều hành công ty "OceanGate Expeditions" thiết kế chuyến tham quan xác tàu "Titanic", doanh nhân Pakistan Shahzada Dawood cùng con trai ông ta.
Theo dữ liệu của lực lượng tuần duyên bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ, chiến dịch tìm kiếm bao phủ khu vực gần 26.000 km2. Báo The Guardian nhận xét rằng rất khó thấy "Titan" trong vùng rộng lớn như vậy của đại dương bao la. Báo này cũng cho biết tàu lặn có thể nổi lên mặt biển, nhưng cả trong trường hợp đó các hành khách vẫn không thể chui ra, vì cửa sập thiết kế theo kiểu đóng chặt từ bên ngoài, "nghĩa là những người trong khoang tàu vẫn phải dựa vào nguồn cung cấp oxy dự trữ".
Nguyên nhân có thể của vụ mất tích
Ấn phẩm không loại trừ khả năng xảy ra hỏa hoạn trên tàu lặn, vì theo nguyên tắc thì không khí trong các phương tiện dưới nước thường được làm giàu oxy, khiến đám cháy ở đó đặc biệt nguy hiểm. Báo Washington Post lưu ý rằng vào thứ Ba "biển động và sương mù dày đặc cuộn xoáy khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn phức tạp". Trước đó lực lượng tuần duyên bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ xác nhận rằng một máy bay Canada đã ghi được tiếng ồn dưới nước trong khu vực tìm kiếm tàu lặn biến mất khỏi radar ở gần địa điểm có xác tàu "Titanic". Cùng lúc, CNN cũng đưa tin các nhân viên đội tìm kiếm đã nghe thấy những âm thanh giống như tiếng gõ ngắt quãng, phát ra 30 phút/lần ở gần nơi xác tàu đắm "Titanic".
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến tàu lặn "Titan" "biến mất" ở Đại Tây Dương trong chuyến tham quan xác tàu "Titanic" có thể là do hệ thống dằn không khí bị trục trặc và đặc điểm phức tạp của địa hình đáy đại dương khiến tàu lặn không thể nổi lên.