Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, ngày 26/6 bệnh viện sẽ triển khai ca ghép gan cho bé trai 11 tuổi, quê Bình Định, bị teo đường mật.
Bệnh nhi này đã được phẫu thuật Kassai (phương pháp phẫu thuật giúp thoát lưu mật khỏi gan tạm thời cho trẻ bị teo đường mật bẩm sinh) lúc 1 tháng tuổi. Trong ca này, người hiến tạng là người mẹ. Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ hỗ trợ phối hợp trong công tác lấy gan từ người cho.
Theo Tuổi Trẻ Online, ngày 7/6 vừa qua Bệnh viện Nhi đồng 2 có tờ trình, kèm các đề án gửi Sở Y tế TP.HCM xem xét thẩm định, công nhận đơn vị là cơ sở y tế đủ điều kiện lấy, ghép gan cũng như ghép thận (gọi chung ghép tạng) từ người hiến sống và người cho chết não.
Trong tờ trình này, giám đốc bệnh viện khẳng định đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định để triển khai kỹ thuật lấy ghép tạng.
Ngày 16/6, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị cấp giấy phép đăng ký hoạt động ghép tạng tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Dự kiến khi các đề án được thông qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 có thể ghép gan cho ba bệnh nhi/tháng, trước đó chỉ ghép được một ca/tháng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 26/6, ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tỏ ý không đồng tình việc Bệnh viện Nhi đồng 2 tạm ngưng ghép tạng suốt thời gian dài và khẳng định luôn khuyến khích Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ghép gan cho trẻ em, song song hoàn thiện thủ tục pháp lý.
"Theo Luật Hiến ghép mô tạng, bệnh viện phải hoàn chỉnh các hồ sơ thủ tục về pháp lý. Đây là vấn đề điều hành chưa đúng và bệnh viện phải thừa nhận thiếu sót này, còn ghép tạng cần phải được duy trì, sao cho đảm bảo an toàn cho người bệnh và cho bác sĩ", ông Khuê nói và khẳng định Bộ Y tế sẽ giải quyết ngay các kiến nghị từ Bệnh viện Nhi đồng 2.
Trước đó, từ tháng 10/2022 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 gián đoạn trong công tác ghép gan. Theo lãnh đạo bệnh viện này, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, các bác sĩ của bệnh viện gặp khó khăn về các chứng chỉ hành nghề liên quan ghép tạng người lớn. Thứ hai, phòng mổ cũ có hạn chế về cơ sở hạ tầng, số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu, nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa: phẫu thuật tim hở, ngoại thần kinh, ghép tạng… Thứ ba, thiếu nguồn tạng để cấy ghép, hiện nguồn tạng ghép cho trẻ em rất hạn chế.
Trước tình trạng này, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có cuộc họp để có phương án tháo gỡ tình trạng hoãn ghép gan cho bệnh nhi xảy ra thời gian qua. Cụ thể, với tinh thần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn thành phố và các bệnh viện thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn tiếp tục thực hiện quy trình ghép tạng với sự hỗ trợ của các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.