Cụ thể, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản về vấn đề quản trị, điều hành của Eximbank.
NHNN yêu cầu, Chủ tịch và các thành viên HĐQT Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đúng pháp luật và điều lệ hoạt động của ngân hàng một cách trung thực, cẩn trọng, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, đảm bảo an toàn hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước quan ngại tình trạng lợi ích nhóm tại Eximbank
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản về công tác quản trị, điều hành tại Eximbank.
“Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định của Luật Các tổ chức tín dụng, pháp luật có liên quan và Điều lệ Eximbank một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích cao nhất của ngân hàng và cổ đông”, tuyên bố nêu rõ tại văn bản số 2666 ngày 22/6/2023 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trực thuộc NHNN về quản trị, điều hành của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank).
Đồng thời, NHNN đề nghị lãnh đạo Eximbank đặc biệt lưu ý việc quản trị, điều hành, an toàn hoạt động, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm.
Gần đây, cơ quan điều hành không nhận được hồ sơ liên quan đến việc Eximbank thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao, tuy nhiên, The Saigontimes dẫn lời một quan chức NHNN cho biết hiện Cơ quan Thanh tra giám sát đang theo dõi sát sao vụ việc ở Eximbank.
Vì sao NHNN lại có chỉ đạo với Eximbank?
Được biết, từ đầu tháng 6/2023 đến nay, NHNN đang tiến hành thanh - kiểm tra dòng tiền đầu tư cổ phiếu của các nhóm cổ đông tại Eximbank, sau khi ngân hàng này đại hội cổ đông bất thường ngày 14/2 để bầu bổ sung mới 3 thành viên HĐQT.
Một đại diện ngân hàng thông tin với báo Người lao động cho hay, nguyên do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản thể hiện thái độ quan ngại trước các vấn đề nội bộ của Eximbank như thế là do ngay trước đó, ngày 21/6/2023, một số nhóm cổ đông yêu cầu Hội đồng quản trị (HĐQT) của Eximbank triệu tập cuộc họp bất thường nhằm bãi miễn Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc hiện hành của Eximbank, tiếp đó bầu chủ tịch mới và bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc mới.
Cuộc họp bất thường đã không thể tiến hành do vắng mặt 2 trong số 5 thành viên HĐQT, trong khi theo luật định, cuộc họp chỉ diễn ra khi có ít nhất 65% số thành viên tham dự - không đủ số lượng thành viên.
Luật hiện hành cho phép cuộc họp bất thường lần hai của HĐQT một tổ chức tín dụng có thể tiến hành một tuần sau lần đầu với số thành viên tham dự tối thiểu 51%. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, cuộc họp bất thường HĐQT của Eximbank lần hai sẽ diễn ra ngày 28/6/2023.
Một đại diện NHNN cũng lưu ý, chức danh Chủ tịch, các thành viên HĐQT và Tổng giám đốc ngân hàng bắt buộc phải được NHNN phê duyệt, chuẩn y.
Thông thường các ngân hàng trước khi bầu hoặc thay đổi các chức danh trên đều có văn bản gửi trước cho NHNN để “thăm dò” ý kiến của cơ quan quản lý.
Về phần mình, NHNN căn cứ theo tiêu chuẩn, trình độ học vấn, kinh nghiệm của Chủ tịch, các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc đã được nêu rõ trong Luật Các tổ chức tín dụng để xem xét.
Eximbank cần giải quyết vấn đề mâu thuẫn nội bộ
Thực tế, trong suốt gần mười năm qua, lãnh đạo cấp cao của Eximbank luôn thay đổi.
Eximbank cũng là ngân hàng cổ phần duy nhất cho đến nay có thời điểm 2-3 năm liền không thể đại hội cổ đông thường niên, nhưng vẫn không bị chế tài theo quy chế doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Các nhóm cổ đông của ngân hàng Eximbank thường xuyên thiếu đồng thuận dẫn đến nhiều lần tổ chức đại hội cổ đông thường niên lẫn bất thường đều bất thành, do không đủ số lượng tham dự cũng như không thống nhất được các vấn đề cốt yếu.
Đáng nói, từ tháng 10/2022 đến nay, cơ cấu cổ đông lớn của Eximbank liên tục biến động. Trong văn bản 2666, Phó Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, ông Lê Quang Huy đã yêu cầu Ban Kiểm soát Eximbank giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật của ngân hàng.
“Chủ tịch, thành viên HĐQT Eximbank, tổng giám đốc chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về quản trị, điều hành, an toàn hoạt động của Eximbank, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lợi ích nhóm”, Phó Chánh thanh tra giám sát ngân hàng nêu rõ.
Cũng cần lưu ý rằng, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vừa trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo sửa đổi một số điểm của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó có chỉnh sửa theo hướng kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, việc thanh kiểm tra dòng tiền đầu tư cổ phiếu Eximbank của các nhóm cổ đông lớn là cần thiết.
Cổ phiếu Eximbank, theo giới quan sát, đang được thế chấp gần như toàn bộ để đảm bảo cho các khoản vay ở nhiều các ngân hàng và công ty chứng khoán, trừ số cổ phần Eximbank do ngân hàng Vietcombank sở hữu (dưới 5%).
Ngân hàng Eximbank là một ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM (HoSE). Bất cứ một sự kiện nào liên quan đến việc thay đổi Chủ tịch, thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc đều phải được công bố thông tin trong vòng 24 giờ theo luật định để các nhà đầu tư và cổ đông được biết. Bộ phận thanh tra, giám sát của HoSE cũng không thể bỏ qua trường hợp này.
Sau sự cố SCB, theo dõi sát Eximbank là cần thiết
Dù gặp nhiều biến động nhân sự lãnh đạo thuộc cao tầng của ngân hàng này, tuy vậy, tình hình hoạt động, kinh doanh của Eximbank trong nhiều năm qua vẫn ổn định và hiệu quả.
Trong năm 2002, Eximbank đạt 7.233 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 53,6% so cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động tăng 36% (906 tỷ đồng) nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 89,5% (887 tỷ đồng), giúp lợi nhuận trước thuế tăng 207,8%, đạt 3.709 tỷ đồng.
Theo giới quan sát, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang rất cần được củng cố sau sự cố SCB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn).
Việc Ngân hàng Nhà nước đang theo sát diễn tiến ở Eximbank cho thấy tầm quan trọng của việc đề phòng và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh ở một ngân hàng mắt xích nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống cũng như thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam.