Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, khó khăn của ngành dệt may Việt Nam là do ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu, kèm theo ảnh hưởng của hậu Covid-19, khiến cho sức mua toàn cầu giảm, thiếu đơn hàng.
Xuất khẩu dệt may chững lại
Tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước, đêm về hàng chục tỷ USD, hiện đang rất khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp miêu tả thực tế thiếu đơn hàng, cạn kiệt đơn hàng và không có đơn hàng mới khiến họ điêu đứng.
Năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước đó. Từ kết quả này, ngành dệt may đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 45-47 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu đơn hàng từ các đối tác lớn truyền thống của Việt Nam như những đòn giáng bất ngờ đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp và ảnh hưởng chung tới toàn ngành mũi nhọn này của nền kinh tế.
Theo nhà quản lý và các chuyên gia, dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19.
Thêm nữa, hiện có rất nhiều đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Vậy nên, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay của Việt Nam chỉ ước đạt 36-37 tỷ USD, toàn ngành nỗ lực ở mức cao nhất để đạt 40 tỷ USD, con số 45-47 tỷ USD dường như là rất khó đạt được nếu không có đột biến gì.
Thông tin về tình hình chung của ngành, VnBusiness dẫn lời ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, đà tăng trưởng của ngành dệt may chững lại chủ yếu đến từ những khó khăn liên hoàn từ suy thoái kinh tế, Fed tăng lãi suất, hệ lụy từ căng thẳng địa chính trị… khiến sức của của người tiêu dùng chậm lại, tồn kho các mặt hàng giá rẻ ở mức cao.
Lãnh đạo Vitas cũng lưu ý, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu với hàng may mặc sụt giảm mạnh thì kết quả 18,6 tỷ USD đã là sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, ông Giang nhấn mạnh đến những giải pháp về số hóa, đầu tư về công nghệ được coi chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán và rút ngắn thời gian giao hàng, ba động lực cạnh tranh chính của ngành dệt may Việt Nam so với các đối thủ.
Theo đó, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại cả thị trường xuất khẩu và mặt hàng. Theo số liệu của Vitas, cho đến thời điểm này, 68 sản phẩm của ngành dệt may đã được xuất khẩu sang 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các doanh nghiệp không chỉ sản xuất những mặt hàng truyền thống như áo sơ-mi, denim, hàng dệt kim… mà còn bắt đầu khai thác thêm khu vực Trung Đông, châu Phi với sản phẩm áo đạo Hồi.
Việc doanh nghiệp chuyển từ đơn hàng lớn, dài hạn sang thích ứng nhanh (đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh) cũng tạo ra sự thay đổi về dây chuyền sản xuất, đội ngũ nhân sự.
Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với những áp lực và đòi hỏi đến từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh hóa, hàng rào kỹ thuật liên quan đến sản phẩm tái chế.
Do đó, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới, cùng với đó thúc đẩy xanh hóa với các giải pháp đồng bộ từ nguyên liệu xanh, sản phẩm xanh, năng lượng xanh.
Thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân
Số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam cho thấy, giá trị xuất khẩu hàng dệt may 5 tháng đầu năm ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như may mặc, vải, xơ sợi của Việt Nam cũng ghi nhận mức giảm từ 19 - 32%.
Vẫn tiếp tục là câu chuyện nhu cầu thị trường thấp, lượng hàng tồn kho của thế giới vẫn ở mức cao, khiến các đơn hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam suy giảm về cả số lượng và giá bán, theo Vitas.
Như Sputnik đề cập trước đó, trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) nêu, xuất khẩu hàng may mặc trong tháng 5 giảm 16,7% so với cùng kỳ. Hoạt động nhập khẩu nguyên liệu dệt may trong tháng 5 giảm tới 37,5% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu đối với đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục giảm.
Trong bối cảnh đó, nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Điển hình như tại PouYuen Việt Nam, doanh nghiệp được coi là "Samsung của ngành da giày" với quy mô tuyển dụng nhân công lớn nhất TP.HCM, vừa qua đã thông báo sa thải gần 6.000 lao động.
Bangladesh "vượt mặt" Việt Nam
Thực tế, các chuyên gia và đại diện trong ngành đều lưu ý, ngoài nguyên nhân về lực cầu thế giới giảm, còn lý do nữa là do khách hàng đang dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác như Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ, sau đó mới tới Việt Nam.
Có thực tế doanh nghiệp Việt Nam mất đơn hàng vào tay nước khác là do nhân lực các quốc gia này dồi dào hơn, trong khi giá nhân công lại rẻ kéo theo giá đơn hàng cũng rẻ hơn.
Theo tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho một công nhân may mặc của Việt Nam đang ở mức 300 USD, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở mức 200 USD.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng xác nhận, so với các thị trường cùng cạnh tranh, ước tính 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã có sự sụt giảm sâu nhất về các đơn đặt hàng.
Dữ liệu từ Cục Xúc tiến xuất khẩu của Bộ Thương mại Bangladesh thể hiện, từ giữa năm 2022 đến quý I/2023, quốc gia này không chỉ lấy lại vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu dệt may từ tay Việt Nam, mà Bangladesh còn tăng trưởng rõ rệt về kim ngạch xuất khẩu dệt may, với mức tăng 14% ở thị trường chính của họ là châu Âu và 35% ở các thị trường không truyền thống khác.
Theo giám đốc một công ty may mặc có nhà máy tại Bắc Ninh thông tin với chuyên trang của Báo Đầu tư, doanh thu của đơn vị này trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 20 - 25% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, đơn hàng có thể tăng lên từ cuối quý III/2023 "nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn". Hiện công ty đang làm mọi cách để có thể duy trì sản xuất, đảm bảo công việc cho người lao động bằng cách chấp nhận những đơn hàng có lợi nhuận thấp, thậm chí không có lợi nhuận.
"Bởi nếu chúng tôi không nhận thì sẽ mất khách cho Bangladesh. Đây là đối thủ đáng gờm của ngành dệt may Việt Nam nhờ chi phí nhân công rẻ và đồng nội tệ giảm giá mạnh", - đại diện doanh nghiệp dệt may tại Bắc Ninh lưu ý.
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý I/2023 của một số doanh nghiệp dệt may có thể thấy, hầu hết công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Thậm chí, có doanh nghiệp ghi nhận lỗ nặng, chỉ có một vài doanh nghiệp có tăng trưởng dương.
Lãnh đạo Vinatex cho biết, trong quý II/2023, dự kiến doanh thu đạt 4.340 tỷ đồng, đạt gần 25% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 58 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch năm. Điều đáng nói là từ quý IV/2022 tới nay, đơn hàng của Vinatex chủ yếu là các đơn hàng nhỏ lẻ.
"Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng từ 500 - 1.000 chiếc áo như bây giờ. Nếu doanh nghiệp không nhận thì sẽ thiếu đơn hàng", - lãnh đạo Vinatex chua xót bày tỏ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho hay, doanh thu tháng 5 của Công ty đạt hơn 231 tỷ đồng, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm, doanh thu của TCM đạt 1.342 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 3% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị cho biết, về tình hình đơn hàng, hiện công ty vẫn chưa hoạt động tối đa công suất, doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng cho quý 2 này. Tính đến thời điểm hiện tại, Dệt may Thành Công đã nhận khoảng 77% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III/2023 và nhận khoảng 75% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng của năm.
Chuyên gia Trần Lâm Tùng, Công ty Chứng khoán BSC, trong tháng 5/2023, lượng hàng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Mỹ (thị trường chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu dệt may) ước đạt 1,56 tỷ USD, tăng 39,2% so với tháng 4/2023, nhưng giảm 3,47% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 5,73 tỷ USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo BSC, tình hình đơn hàng trong quý II/2023 đã có sự cải thiện so với giai đoạn đầu năm. Theo đó, có thể phải từ quý IV năm nay, lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may mới có sự cải thiện rõ rệt khi lạm phát trên thế giới hạ nhiệt, người tiêu dùng mạnh dạn hơn trong chi tiêu, hàng tồn kho được giải phóng và các nhãn hàng bắt đầu rục rịch chuyển bị cho vụ xuân, hè năm 2024.
"Chúng tôi cho rằng ngành dệt vẫn chưa đi qua giai đoạn khó khăn khi nhìn chung sức mua tại các thị trường xuất khẩu Mỹ, châu Âu vẫn còn yếu", - chuyên gia Trần Lâm Tùng lưu ý.
Chuyên gia của BSC dự báo, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trong quý II và quý III năm nay tiếp tục kém khả quan và ít nhất phải sang quý IV mới dần phục hồi.