Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức Trung Quốc thăm chính thức Trung Quốc và dự hội nghị thường niên lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân từ 25-28/6/2023.
Những điểm đặc biệt của chuyến công du Trung Quốc
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã nhận được hai lời mời tới thăm và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường và ngài Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Do đó, chuyến thăm và làm việc này có hai mục đích rất rõ rệt. Một là thăm, đàm phán song phương với phía Trung Quốc về một số vấn đề hai bên cùng quan tâm và cần thiết phải giải quyết. Đây cũng là lần đầu tiên hai tân Thủ tướng của hai nước gặp gỡ trực tiếp và đứng đầu đoàn đại biểu của mình trong các sự kiện và hội đàm song phương cấp cao. Hai là Thủ tướng Việt Nam tham dự “Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14” do WEF tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc.
“Về quan hệ song phương, chuyến đi thăm này đánh dấu cột mốc kỷ niệm 15 năm, ngày hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự coi trọng của hai Đảng, hai nước trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và khẳng định sự phát triển mối quan hệ này ngày càng bền vững hơn, ổn định hơn và thực chất hơn”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF chụp ảnh chung.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
“Chuyến công du Trung Quốc lần này cũng nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất mà hai bên đạt được trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào cuối tháng 10/2022. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới đang suy giảm”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long đưa ra đánh giá, trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Về quan hệ đa phương, điểm nhấn quan trọng nhất trong quá trình tham dự của Việt Nam tại “Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14” do WEF tổ chức lần này là cuộc “Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)” với chủ đề “Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước”. Đây là một sự đặc cách của WEF đối với đoàn Việt Nam bởi đó là hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được WEF tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị năm nay.
Những thỏa thuận có thể đạt được và ý nghĩa của chúng
Tại cuộc hội đàm song phương diễn ra ngay sau lễ đón tiếp, Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh việc họ luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng; luôn ủng hộ Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao vai trò quốc tế. Còn phía Việt Nam thì khẳng định sự coi trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Chính phủ và Nhân dân Trung Quốc là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Trong khi Thủ tướng Việt Nam tham dự Hội nghị của WEF tại Thiên Tân thì tại Bắc Kinh, các thành viên của phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc bàn thảo các vấn đề quan hệ song phương. Nhìn vào thành phần tham gia hội đàm của của hai bên, chúng ta có thể thấy:
Phía Việt Nam có lãnh đạo các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Kế hoạch-Đầu tư, Công thương, Tài nguyên-Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… Phía Trung Quốc có lãnh đạo các bộ Ngoại giao, Công nghiệp và Thông tin, Thương mại, Giao thông vận tải, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước…
“Chỉ cần nhìn thành phần đoàn đàm phán Việt Nam là có thể đoán định được trọng tâm các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm để đẩy mạnh hợp tác hoặc xử lý các thách thức trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính. Chúng tương đối đồng nhất với những vấn đề đã được nêu lên trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc cũng như trong 13 văn kiện thỏa thuận lớn đã được ký kết giữa hai bên trong chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 10/2022”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long phát biểu với Sputnik.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long cũng đánh giá, chuyến đi thăm lần này sẽ thúc đẩy sự tăng cường quan hệ giữa hai nước với trọng tâm là xúc tiến việc thực hiện những thỏa thuận mà hai bên đã cam kết nói trên. Do những thỏa thuận đó vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện nên ít có khả năng hai bên sẽ ký kết thêm văn kiện lớn có tính nguyên tắc chỉ đạo. Tuy nhiên, thủ tướng hai bên cũng có thể ra tuyên bố chung và hai bên sẽ tiếp tục ký kết những thỏa thuận có tính chất kỹ thuật hoặc các cam kết có tính cụ thể để đẩy mạnh quá trình triển khai thực hiện những thỏa thuận đã ký trước đó.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia Việt Nam Sputnik đã phỏng vấn, những vấn đề được hai thủ tướng nêu lên trong hội đàm có thể trở thành văn kiện thỏa thuận bao gồm:
- Về chính trị và ngoại giao, hai bên có thể tiếp tục thỏa thuận về việc tăng cường mức độ tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác ngoại giao, tăng cường phối hợp trong diễn đàn quốc tế, khu vực.
- Về đầu tư và tài chính, phía Trung Quốc cam kết khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, công nghệ cao của Trung Quốc mở rộng đầu tư vào lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Từ đó, đưa hợp tác thực chất giữa hai nước ngày càng hiệu quả, thực chất, tương xứng với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện…
- Về thương mại thì trọng tâm là đẩy mạnh giao lưu thương mại hàng hóa trên khu vực biên giới giữa hai nước, tháo gỡ những ách tắc trên lĩnh vực xuất nhập khẩu của hai bên. Trung Quốc đồng ý tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hải Khẩu (Hải Nam), phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu nhằm đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam. Hai bên tăng cường hợp tác về trồng trọt, chế biến nông sản, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ.
- Về giao thông vận tải thì trọng tâm là tăng cường đầu tư cho đường sắt, đường bộ, đường biển, nghiên cứu phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao để kết nối giữa hai nước; đồng thời khôi phục toàn diện các chuyến bay thương mại giữa hai nước. Bên cạnh đó là tìm kiếm các biện pháp khả thi để tháo gỡ những điểm nghẽn nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.
- Về quốc phòng và an ninh bao gồm nhiều vấn đề. Đó là xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đó là hai bên sớm ký kết Thỏa thuận tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đó là việc kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy việc tìm ra những giải pháp đối với những vấn đề còn khác biệt nhằm duy trì hòa bình, ổn định trên biển trên cơ sở nhận thức chung cấp cao và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
- Về khoa học công nghệ và tài nguyên môi trường có ba trọng điểm lớn là chuyển đổi số; tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong - Lan Thương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại phiên toàn thể.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
- Về văn hóa xã hội là tăng cường hợp tác về giáo dục đào tạo, triển khai các suất học bổng dành cho Việt Nam; phục hồi toàn diện các hoạt động hợp tác về du lịch, văn hóa và đẩy mạnh giao lưu giữa những người dân và giữa các địa phương hai bên.
“Những vấn đề mà hai bên trao đổi và nhất trí trên đây trong cuộc hội đàm cấp cao giữa hai thủ tướng sẽ được các chuyên viên tổng hợp để có thể trở thành những văn kiện chính thức được ký kết giữa hai bên”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng đưa ra đánh giá trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.