Toà nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tài sản bị tham ô đặc biệt lớn. Hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm khi rút tiền ngân sách quốc phòng (50 tỷ đồng) để chi tiêu cá nhân, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn lĩnh 16 năm tù
Chiều 29/6, sau 3 ngày xét xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Tòa án Quân sự Thủ đô đã tuyên án sơ thẩm đối với cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển cùng các bị cáo khác.
HĐXX xác định cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn có vai trò chủ mưu trong vụ tham ô 50 tỷ đồng tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, làm thất thoát tài sản "đặc biệt lớn" nên nhận hình phạt nặng nhất.
“Vụ án đồng phạm giản đơn, bị cáo Sơn là người khởi xướng, phải chịu trách nhiệm chính”, - bản án nêu rõ.
Xét xử sơ thẩm vụ án về tội tham ô tài sản tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
© Ảnh : TTXVN - An Văn Đăng
Cụ thể bản án được Toà Quân sự Thủ đô tuyên như sau:
Cùng về tội "Tham ô tài sản", Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn 16 năm tù; Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Cảnh sát biển) 15 năm 6 tháng tù. Các bị cáo Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng) và Bùi Trung Dũng, (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh) bị tuyên 15 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) 10 năm tù; Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính) 12 năm tù.
Rút tiền từ chính ngân sách quốc phòng của Việt Nam
Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai của bị hại, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Cũng tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử ghi nhận các bị cáo đã tự nguyện nộp lại 50 tỷ đồng đã tham ô. Trong quá trình công tác có nhiều huân, huy chương, gia đình có công với cách mạng... Hội đồng xét xử đã cân nhắc các yếu tố giảm nhẹ về gia đình, thành tích cá nhân, đóng góp cho lực lượng của các bị cáo.
“Vụ án đồng phạm giản đơn, bị cáo Sơn là người khởi xướng, phải chịu trách nhiệm chính”, - HĐXX cho biết.
Hội đồng xét xử đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của quân đội, hành vi cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, tài sản bị tham ô đặc biệt lớn và hành vi của các bị cáo xâm phạm đến hai khách thể quan trọng được Bộ luật Hình sự bảo vệ là quyền sở hữu và hoạt động đúng đắn của các đơn vị quân đội”, - HĐXX nhấn mạnh.
Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cùng tham ô số tiền 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước chi cho quốc phòng.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi phạm tội, theo HĐXX, là do các bị cáo chấp hành kỷ luật, pháp luật không nghiêm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quá trình phân bổ, sử dụng nguồn ngân sách phân cấp cho đơn vị để chiếm đoạt tiền nhằm vụ lợi cá nhân.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn nhiều thiếu sót, là điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm kỷ luật.
“Hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm khi rút tiền ngân sách quốc phòng để chi tiêu cá nhân. Các bị cáo vì lợi ích vật chất mà đánh mất mình, chiếm đoạt tiền của Nhà nước đầu tư cho Cảnh sát biển. Điều đó đã làm ảnh hưởng uy tín của Nhà nước, cũng như uy tín của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - lực lượng đảm bảo chủ quyền, an ninh, quyền tài phán của Việt Nam nên cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật”, - HĐXX nêu rõ quan điểm.