Các cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm túc chấp hành yêu cầu triệu tập của cơ quan điều tra, kể cả ngoài giờ, thứ Bảy và Chủ nhật. Đồng thời, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra nếu có yêu cầu.
Cán bộ, công chức Đà Lạt liên quan vụ sạt lở không được rời địa phương
Ngày 1/7, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Đặng Quang Tú đã có văn bản gửi các phòng, ban và đơn vị liên quan về việc phối hợp, xử lý vụ sạt lở tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), làm 2 người tử vong.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt yêu cầu thủ trưởng các cơ quan liên quan quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không rời thành phố, nghiêm túc chấp hành yêu cầu triệu tập của cơ quan điều tra, kể cả ngoài giờ, thứ Bảy và Chủ nhật cho đến khi kết thúc cuộc điều tra các nội dung liên quan đến vụ sạt lở.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu.
Văn bản được ban hành sau khi đoạn bờ taluy của công trình trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, bị đổ sập. Đất đá tràn xuống phía dưới đã gây hư hỏng, vùi lấp 3 căn nhà lán trại làm 2 người chết, 5 người bị thường vào rạng sáng 29/6.
Ngay sau khi hoàn tất công tác cứu nạn cứu hộ, chính quyền tỉnh đã tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Đà Lạt nhằm làm rõ sự việc.
Nguyên nhân vụ sạt lở ở Đà Lạt
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo sơ bộ về nguyên nhân gây ra sạt lở trong hẻm Hoàng Hoa Thám, phường 10.
Theo báo cáo, hạng mục taluy bị sạt lở đã xây khoảng 1 năm, được UBND TP. Đà Lạt cấp phép, do Công ty Cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng thực hiện thi công cho các hộ dân ở đây. Thời điểm xảy ra sự cố, chủ đầu tư công trình đang triển khai đắp đất để tạo mặt bằng thi công.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, Đà Lạt có mưa liên tục, lượng mưa lớn. Lượng nước lớn thấm xuống đất, cộng với khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn lớn đã làm tăng áp lực lên taluy, gây mất khả năng chịu lực dẫn đến sụp đổ công trình.
Tổng chiều dài taluy trong hồ sơ là 381m, cao taluy 13,4m (giựt thành ba cấp từ 4-4,7m). Khu đất bị sạt lở rộng hơn 2.100 m2. Đoạn taluy đổ sập nằm dọc theo ranh đất công trình dài khoảng 29m. Phần taluy còn lại có một số vết nứt trên bề mặt đất đắp, nguy cơ tiếp tục bị sạt.
Sau khi vụ việc xảy ra, tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu công an vào cuộc điều tra. Các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm khoanh vùng khu vực nguy hiểm, có các biện pháp ngăn nước thấm xuống đất tại khu vực. Sở Xây dựng được giao đánh giá, giám định để xác định cụ thể nguyên nhân sạt lở trước ngày 20/7.
Sau khi có kết quả nguyên nhân sự cố sạt lở công trình trên, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức rút kinh nghiệm trong việc quy hoạch, cấp phép xây dựng. Đồng thời, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có vi phạm liên quan trong quản lý hoạt động xây dựng, quản lý đất đai theo quy định.