Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam 6 tháng đạt 4,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2022 (489 USD/tấn).
Các nước ồ ạt mua gạo Việt Nam
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, xuất khẩu gạo 6 tháng đạt 4,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 517 USD một tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2022 (489 USD một tấn).
Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương Việt Nam cũng có thông tin cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu ra thế giới 3,6 triệu tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt 1,5 triệu tấn, chiếm 42,3%. Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam.
Số liệu này tương đồng với những gì được Bộ Nông nghiệp nêu, theo đó, nửa đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam.
Philippines chiếm thị phần 42,4% với số lượng nhập khẩu vào khoảng 1,5 triệu tấn, tương đương hơn 772 triệu USD.
Trung Quốc đứng thứ hai với kim ngạch 364 triệu USD, tăng 72,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Indonesia bất ngờ vươn lên từ vị trí thứ 8 lọt vào top 3 quốc gia mua gạo Việt nhiều nhất, sau Philippines và Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp, trong 5 tháng đầu năm, Indonesia mua hơn 181 triệu USD gạo từ Việt Nam, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý hơn, những quốc gia từng mua rất ít gạo Việt như Chile hay Thổ Nhĩ Kỳ, thì năm nay, lại tăng mua lần lượt gấp 28 và 132 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
“EL Nino xuất hiện” buộc nhiều nước tăng mua gạo dự trữ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lý giải, nguyên nhân khiến các nước tăng nhập gạo Việt là do hiện tượng "EL Nino xuất hiện", nắng nóng, hạn hán kéo dài, mùa màng khó khăn đã buộc nhiều quốc gia tăng mua gạo để dự trữ lương thực.
Điển hình như Philippines, Bộ Nông nghiệp Philippines thậm chí đã dự báo El Nino trở lại, nguy cơ ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng lương thực nội địa của quốc gia này.
Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương Việt Nam, số liệu của Cục Thống kê Philippines trong 5 tháng đầu năm 2023, Philippines đã nhập khẩu 1,5 tấn triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm tới 89,6% trong tổng số 1,62 triệu tấn gạo được nhập khẩu vào quốc gia này. Cục Thống kê Philippines cũng lưu ý, lượng gạo nhập khẩu của nước này trong 5 tháng đầu năm 2023 đã tăng gần 7,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Do đó, Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Philippines. Đặc biệt hơn, bất chấp những dự báo trước đó về khả năng Philippines giảm nhập khẩu gạo trong năm 2023 do chi phí nhập khẩu tăng cao và định hướng phát triển sản xuất nội địa nhằm tự chủ lương thực của Chính phủ nước này, Philippines cho thấy nhu cầu nhập khẩu lớn.
Việc ồ ạt mua gạo Việt Nam của chính quyền Philippines là nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cũng như tích trữ để đối phó với những bất ổn thời tiết khi hiện tượng El Nino trở lại kéo theo tình trạng hạn hán, khô nóng có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng lương thực nội địa.
Mặt khác, nhu cầu về lượng nhập khẩu gia tăng, El Nino cũng góp phần đẩy giá gạo thế giới tăng cao khi nhiều nước bắt đầu dự trữ lương thực.
Đây là một số yếu tố chính dẫn tới tăng trưởng tích cực của xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines cả về lượng và kim ngạch.
Trong khi đó,Chính phủ Indonesia dự báo El Nino có thể gây hạn hán tại nước này từ tháng 5 đến tháng 7 nên diện tích và sản lượng ở vụ thu hoạch tháng 7-8 đối với các mặt hàng nông sản có thể sụt giảm mạnh. Indonesia dự kiến nhập 2 triệu tấn gạo trong năm nay bất chấp giá gạo liên tục tăng.
Đối với hai nước như Chile và Thổ Nhĩ Kỳ, hạn hán cũng đe dọa mùa màng các quốc gia này trong nhiều năm qua.
Vừa qua, công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự báo thị trường gạo toàn cầu 2023 đối mặt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua.
Dự đoán lượng thiếu hụt khoảng 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003-2004 (đạt 18,6 triệu tấn).
Bộ NN&PTNT ước tính xuất 8 triệu tấn gạo năm nay
Theo nhiều thương nhân Việt Nam, hiện tại nguồn cung đang hạn chế do kết thúc vụ thu hoạch lúa đông xuân và đang trong giai đoạn chuyển sang vụ hè thu.
Thống kê cho thấy, sản lượng lúa vụ đông xuân đã thu hoạch hơn 10,6 triệu tấn. Còn vụ hè thu ở ĐBSCL mới xuống giống khoảng 907.000 ha trên tổng diện tích hơn 1,5 triệu ha.
Hiện gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức bằng và cao hơn Thái Lan, Ấn Độ.
Trong đó, ngày 23/6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD một tấn, tăng 5 USD một tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD một tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ.
Vừa qua, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin,hiện nay diện tích lúa của Việt Nam duy trì khoảng 1,7 triệu ha, đảm bảo nhu cầu lương thực phục vụ 100 triệu dân trong nước.
Năm 2022, xuất khẩu đạt trên 7 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD. Đây là một trong những kết quả đáng ghi nhận. VnBusiness dẫn lời Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý, xu thế phát triển của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đô thị hóa, công nghiệp hóa đẩy mạnh sẽ tiếp tục thu hẹp diện tích lúa.
“Có thể nói lúa là cây trồng chịu tác động mạnh của sự chuyển đổi diện tích sang lĩnh vực khác. Tuy nhiên, với tiến bộ khoa học công nghệ về chọn tạo giống, chúng ta sẽ ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, hoàn toàn chủ động lương thực cũng như xuất khẩu trong giai đoạn từ nay tới 2025”, - ông Nguyễn Như Cường cho biết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý, Việt Nam có diện tích 1,7 triệu ha đất lúa nhưng năng suất trồng lúa khá cao, với giá xuất khẩu xấp xỉ Ấn Độ, cao hơn Thái Lan.
Việt Nam đã phát triển được các sản phẩm lúa chất lượng cao như ST24, ST25, cũng như tạo ra được rất nhiều sản phẩm chế biến sâu từ cây trồng này.
Theo Thứ trưởng Tiến, Bộ NN&PTNT đang phát triển đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao gắn với giảm phát thải ra môi trường.
Đại diện Bộ Nông nghiệp cho biết thêm, năm nay, ai cũng lo năm nhuận sẽ ảnh hưởng tới năng suất lúa nhưng thậm chí kết quả đạt được rất tốt, trung bình 6 tháng đầu năm nay đạt 67 tạ/ha.
“Tính chung cả năm nay, sản lượng dự kiến sẽ đạt trên dưới 8 triệu tấn, thu về chắc chắn trên 4 tỷ USD”, - Thứ trưởng tin tưởng.
Theo Tổng cục Thống kê, gạo hiện là một trong số các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu caocủa Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị.
Cùng với các mặt hàng như rau quả, cà phê, và hạt điều, xuất khẩu gạo được đánh giá là trụ cột để xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, trở thành nhóm mặt hàng duy nhất tăng trưởng dương trong số 4 nhóm hàng xuất khẩucủa Việt Nam.