Chiều 2/7, đạo diễn Bùi Trung Hải - con trai của NSND Bùi Đình Hạc xác nhận với Dân trí, NSND Bùi Đình Hạc qua đời lúc 18h30 ngày 1/7, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, sau thời gian bị tai biến mạch máu não, viêm phổi, hưởng thọ 90 tuổi.
"Mấy năm nay, sức khỏe bố tôi yếu, chỉ đi lại, hoạt động nhẹ nhàng trong nhà. Đầu óc ông vẫn minh mẫn, rất quan tâm, hay trò chuyện về điện ảnh Việt Nam. Ông ra đi thanh thản sau thời gian dài đấu tranh với bệnh tật", đạo diễn Bùi Trung Hải nói.
NSND Bùi Đình Hạc là một trong những nghệ sĩ đặt những viên gạch đầu tiên cho nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Theo VOV, ông đã đạo diễn bộ phim Nước về Bắc Hưng Hải năm 1959, khi mới 25 tuổi. Bộ phim đã đoạt giải Vàng tại Liên hoan phim Moskva năm 1959. Giải thưởng này là cột mốc quan trọng của điện ảnh cũng như các ngành nghệ thuật khác của Việt Nam, khi là tác phẩm đầu tiên của một ngành nghệ thuật Việt Nam được tặng giải Vàng tại một Liên hoan nghệ thuật có tầm cỡ toàn cầu. Đây cũng là tác phẩm mở đầu của sự nghiệp sáng tạo dài lâu, với những thành tựu lớn lao vượt bậc của ông.
Những bộ phim do đạo diễn Bùi Đình Hạc chỉ đạo là những tác phẩm điện ảnh độc đáo gây xúc động mạnh cho người xem: Nước về Bắc Hưng Hải (1959), Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi (1964), Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Sài gòn tháng 5 năm 1975 (1975), Bài ca dâng Bác (1978), Nguyễn Ái Quốc đến với Lenin (1979), Đường về Tổ quốc (1980), Hồ Chí Minh – Chân dung một con người (1989), Hà Nội - 12 Ngày Đêm (2002)…
Trong đó, Đường về quê mẹ do ông cùng viết kịch bản giành giải Bông Sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 (1973), giải nhất tại Liên hoan phim quốc tế New Delhi (Ấn Độ) năm 1973. Giải A của Bộ quốc phòng tặng cho tác phẩm Văn học Nghệ thuật xuất sắc về đề tài Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tác phẩm Hà Nội 12 ngày đêm, tái hiện cuộc chiến đấu chống tập kích bằng B-52 năm 1972 đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 (2004). Giải B của Bộ quốc phòng tặng tác phẩm Văn học - Nghệ thuật (từ năm 1999 - 2004) về đề tài Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn đã qua đời
Cùng ngày, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, biên kịch Trần Đức Tuấn, người được xem là 'cha đẻ' của bộ phim 'Mê Kông ký sự', cũng đã qua đời sau thời gian bị bệnh.
Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn sinh năm 1941, tại Nam Định. Ông được biết đến như là làm nên thành công của những loạt phim ký sự trên Đài truyền hình TP.HCM như Ký sự hoả xa (75 tập), Trung hoa ký sự (23 tập), đặc biệt là Ký sự Mê Kong (80 tập). Bên cạnh đó, ông còn rất thành công với 2 bộ phim Hồ Chí Minh - Một hành trình và Hành trình theo chân Bác (110 tập).
Ông từng có 6 năm học đại học chuyên văn tại Cuba và 5 năm làm chuyên viên tại Đài phát thanh Moskva (Nga). Nhờ sớm tiếp xúc với nền văn hóa các nước, biên kịch Trần Đức Tuấn hình thành lối kể chuyện khá thú vị trong văn chương, rất giàu hình tượng và chất thơ.
Trong hành trình làm nghề, biên kịch Trần Đức Tuấn đã đi đến nhiều quốc gia để thực hiện một số bộ phim, có khoảng 42 quốc gia/vùng lãnh thổ in lại dấu chân ông. Biên kịch Trần Đức Tuấn cũng đã hoàn thành kịch bản 100 tập cho phim Ký sự biển đảo.