Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ cao hơn tốc độ của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Sputnik
Cùng với đó, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm gần như càng khó khả thi.

Việt Nam đã vươn lên từ nội lực

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, GDP cả nước đạt 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023 là kết quả đáng ghi nhận.
Bởi lẽ nền kinh tế thế giới có khó khăn nhiều hơn thuận lợi, đặc biệt, những đối tác quan trọng của Việt Nam đều bị ảnh hưởng trong bối cảnh chung này.
“Có thể thấy rõ, nước ta đã vươn lên từ nội lực, từ những ngành hàng mà chúng ta làm chủ và từ những ngành truyền trống”, bà Hương trả lời báo điện tử Chính phủ cho biết.
Trong số này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng khá. Các hoạt động sản xuất duy trì ở mức ổn định, đáp ứng các nhu cầu trong nước, nhu cầu tiêu dùng dân cư, đầu vào cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… Điều đó thể hiện qua mức tăng trưởng 3,06% của giá trị sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm. Quý II, khu vực này đạt mức 3,23%.
“Công nghiệp mặc dù rất khó khăn do tổng xuất nhập khẩu giảm đến hơn 15% nhưng chúng ta vẫn cố gắng duy trì mức tăng trưởng dương và đã tích cực hơn so với quý I”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê nêu.
Đối với khu vực dịch vụ, tăng trưởng hơn 6,3% cho thấy các ngành du lịch khởi sắc. Thương mại, vận tải, tài chính ngân hàng vẫn được củng cố và giữ vững. Về phía cầu, tích luỹ cũng có mức tăng tích cực khi Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư. Vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng 12,6%. Trong đó, vốn đầu tư công tăng hơn 20,5% so với 6 tháng đầu năm ngoái - mức tăng rất tích cực. Riêng quý II tăng lên hơn 50% so với quý I.
Tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam gần như thấp nhất trong 13 năm
Đồng thời, tiêu dùng của người dân vẫn được duy trì do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào. Các chương trình khuyến mại, kích cầu và hỗ trợ hoạt động tiêu thụ sản phẩm đã được xúc tiến và đẩy mạnh ở tất cả các ngành, các địa phương.
Ở một diễn biến khác, theo bà Hương, xuất nhập khẩu tuy rất khó khăn do nhu cầu trên thế giới giảm mạnh với những chính sách thắt chặt, tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất.
“Tuy nhiên, chúng ta đã cố gắng khai thác các nguồn nguyên liệu tại chỗ để xuất khẩu mặt hàng chủ lực như gạo, nông sản đến các thị trường truyền thống và thị trường mới. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng này rất cao, dần đáp ứng tiêu chuẩn cao của khu vực và thế giới”, bà Hương bày tỏ.
Tháng 5 và tháng 6 có sự chuyển biến tích cực trong bối cảnh nhiều khó khăn. Tính trong quý II, các chỉ tiêu về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tích cực hơn so với quý I.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để tháo gỡ từ khó khăn nhỏ đến vướng mắc lớn trong các luật, nghị định và hướng dẫn cụ thể. Từ đó, có giải pháp kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả và các văn bản đã thực sự đi vào cuộc sống.
Kết quả được thể hiện bằng các con số tích cực dần từ quý I cho đến quý II. Đơn cử như trong khi mức tăng trưởng quý I là 3,2% thì quý II đã tăng hơn 3,7%.

Yếu tố ‘kéo lùi’ nền kinh tế

Thông tin trao đổi với VnEconomy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ, GDP 6 tháng đầu năm 2023 không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân là do nền kinh tế phải đối mặt với quá nhiều khó khăn và thách thức từ bên ngoài cũng như từ nội tại nền kinh tế.
Theo bà, từ bên ngoài, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia, khu vực; lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn đã ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh đến các doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu. Rủi ro hệ thống ngân hàng, nợ công, nợ của doanh nghiệp… gia tăng,đặc biệt là kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vẫn phục hồi chậm và còn nhiều bất định.
Trong nước, động lực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, bị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Đặc biệt, đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi.
Giải ngân vốn đầu tư công- một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay – theo bà Hương - chưa có cải thiện đáng kể. Ngoài ra, một số thị trường then chốt, như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động... đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; vốn cho doanh nghiệp khó tiếp cận hơn, đang là thách thức đặt ra.
Điều bất thường xuất hiện, kinh tế Việt Nam chưa thể "thoát đáy"
“Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm không như kỳ vọng, nhưng đây là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu hiện nay”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê lưu ý.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2% (trong đó quý 1 tăng 5,6%, quý 2 tăng 6,7%).
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP thực tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72% (trong đó quý 1 tăng 3,28%, quý 2 tăng 4,14%), không đạt mức tăng đề ra, thậm chí thấp hơn nhiều so với kế hoạch (thấp hơn 2,48 điểm phần trăm).
Trong đó, chủ yếu do các ngành công nghiệp với tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,44%, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt tốc độ khiêm tốn với giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 0,37%; ngành khai khoáng giảm 1,43%.
Xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo (như linh kiện điện tử, dệt may, da giày…) sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo để gia công, sản xuất tại Việt Nam.
“Do vậy, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là khó khả thi trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét khi nền kinh tế thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn nên cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu và khó dự báo”, bà Hương nhận định.

Giải pháp cho nền kinh tế

Trước tình hình này, Thủ tướng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang thúc đẩy nhiều giải pháp nhằm tạo động lực đột phá để tăng trưởng kinh tế phù hợp với một số động lực chính.
Đầu tiên – theo bà Hương - đầu tư công đang được ráo riết đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển. Nhiều ngành sẽ có cơ hội hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng...
Thứ hai, hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.
Thứ ba, hoạt động nông nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục ổn định; nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa có khả năng xuất khẩu cao. Xuất khẩu hàng nông, thủy sản tăng trưởng tốt (6 tháng đầu năm đạt gần 14 tỷ USD, chiếm gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế cả nước).
Thứ tư, theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dự báo quý 3/2023 khả quan hơn quý 2/2023 với 72,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3/2023 so với quý 2/2023 tốt hơn và giữ ổn định (34,3% tốt hơn, 38,3% giữ ổn định), 27,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn. Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm.
Thứ năm, tăng lương cơ sở mới kể từ tháng 7/2023 sẽ là nhân tố để kích thích nhu cầu tiêu dùng do tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Đồng thời, lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng.
Thứ sáu, chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt tiếp tục hỗ trợ như giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Dự báo về kinh tế những tháng cuối năm, theo nghiên cứu do các vụ chuyên môn của Tổng cục Thống kê, một số quốc gia sẽ có mức tăng trưởng tích cực hơn.
Việt Nam thuộc top các nước tăng trưởng cao nhưng vẫn khó tránh 6 cơn gió ngược
“Về phía Việt Nam, chúng ta sẽ cố gắng duy trì mức tăng của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản để bảo đảm đời sống nhân dân, bảo đảm xuất khẩu nông sản và tiếp tục có sản phẩm chất lượng cao để trụ vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.
Trong khu vực công nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì, bảo đảm nguồn cung năng lượng điện, than, năng lượng chủ yếu phục vụ sản xuất. Đặc biệt, cần phải nhấn mạnh đến đầu tư công.
Bà hy vọng đầu tư công sẽ tiếp tục khởi sắc vì càng về cuối năm thì các công trình sẽ càng thúc đẩy tiến độ đưa vào khai thác, sử dụng. Việt Nam đã tăng cường không chỉ hạ tầng giao thông mà cả các hạ tầng số, từ đó thúc đẩy hoạt động xây dựng và phát triển.
Khu vực dịch vụ, thương mại hy vọng vẫn tiếp tục và đẩy mạnh kết nối với khu vực và thế giới, thể hiện qua lượng khách du lịch và thông thương ra bên ngoài. Theo bà Hương, điểm mạnh là chúng ta không bị đứt gãy, vẫn duy trì độ kết nối. Hàng hoá sụt giảm nhưng dịch vụ gia tăng. Dịch vụ truyền thống của đất nước như khách sạn, nhà hàng, ẩm thực, vận tải,… đã và sẽ tiếp tục khởi sắc.

“Tôi hy vọng rằng với sự sáng sủa hơn của kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm, cũng như việc triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế trong thời gian tới thì trong 6 tháng cuối năm, chúng ta sẽ có những con số tích cực, thể hiện rõ các kết quả, đóng góp của toàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân, doanh nghiệp”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê tin tưởng.

Thảo luận