Vật thể ngoại lai FOD cản trở nhiều máy bay ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Mấy ngày qua, nhiều máy bay ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất liên tục ghi nhận tình trạng cán phải đinh và vật lạ bắn vào làm mẻ cánh quạt động cơ.
Sputnik
Nhân viên kỹ thuật của các sân bay đã vào cuộc kiểm tra, ra soát hệ thống đường băng, đường lăn, sân đỗ, xưởng bảo dưỡng nhưng đều không phát hiện bất thường.

Máy bay liên tục cán đinh, mẻ cánh quạt ở Nội Bài

Đại diện sân bay Nội Bài xác nhận, thời gian qua sân bay này 3 lần ghi nhận việc máy bay bị cán đinh và mẻ cánh quạt.
Theo đó, khoảng 9h50 ngày 3/7, Cảng hàng không Nội Bài nhận thông tin tại sân bay Đà Nẵng, thợ máy phát hiện cánh quạt động cơ số hai của máy bay Airbus A320 bị mẻ sau khi bay từ Hà Nội vào.
Trước đó, lúc 20h32 ngày 30/6, thợ máy sân bay Nội Bài phát hiện chiếc Airbus A321 bay từ Phú Quốc hạ cánh xuống Nội Bài cũng bị một đinh vít găm sâu vào lốp số hai càng trái. Chiếc đinh vít có độ dài chừng 1cm, đường kính 0,2cm.
Ngày 28/6, qua kiểm tra chiếc Airbus A350 dự kiến sẽ phục vụ chuyến bay từ Nội Bài đi Melbourne (Úc) vào ngày hôm sau, thợ máy phát hiện một chiếc đinh mũ ghim vào lốp số hai càng trái máy bay.
Linh kiện “made in Vietnam” xuất hiện nhiều hơn trên các dòng máy bay Airbus
Trong cả 3 trường hợp, Trung tâm Khai thác Nội Bài đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hệ thống đường băng, đường lăn, sân đỗ, xưởng bảo dưỡng theo lộ trình di chuyển của máy bay nhưng đều không phát hiện bất thường.
Phía sân bay Nội Bài cho biết, mỗi ngày Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài luôn tổ chức kiểm tra, thu gom vật ngoại lai (FOD - Foreign Object Debris), vệ sinh sân đường khu bay thường xuyên, định kỳ và bất thường khi phát hiện sự cố.
Chưa hết, Trung tâm Khai thác Khu bay Nội Bài còn được trang bị hệ thống camera giám sát, phương tiện quét hút FOD.
Các kíp nhân viên tiến hành kiểm tra trực quan, thu gom FOD mà phương tiện không hút được trong tất cả các vị trí đỗ máy bay, đường lăn, đường cất hạ cánh… và khi có vụ việc bất thường.
Hồi năm 2019, máy bay Vietnam Airlines cũng liên tục gặp tình trạng rách lốp, cán đinh khi hạ cánh xuống Nội Bài. Tuy nhiên, qua kiểm tra đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ, các nhân viên cũng không phát hiện vật bất thường.

Tình trạng tương tự ở Tân Sơn Nhất

Không chỉ riêng Nội Bài, ngày 3/7, sân bay Tân Sơn Nhất cũng phát hiện vết cán đinh ở lốp số 2 càng sau bên trái chiếc Airbus A321 bay từ Cam Ranh vào.
Do đinh ghim sâu vào trong lốp nên thợ máy phải thay lốp khác để máy bay tiếp tục được khai thác.
Ám ảnh nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất
Tương tự, tối 3/7, chuyến bay từ Singapore hạ cánh xuống TP.HCM, sau khi máy bay lăn vào bến 77, thợ máy kiểm tra thì phát hiện lốp số 4 càng sau bên phải có vết rách, kích thước khoảng 2 x 0,6 cm và bị xì hơi lốp.
Xe kiểm tra của khu bay tiến hành kiểm tra khu hoạt động bay theo lộ trình máy bay hạ cánh lăn vào đến bến 77 không phát hiện gì bất thường. Các thợ máy cũng đã thay lốp để tiếp tục khai thác.

Vật thể ngoại lai FOD có nguy hiểm không?

Theo chuyên gia hàng không, FOD trong hàng không được hiểu là một vật bất kỳ, có thể là động vật còn sống hoặc đã chết nằm tại vị trí không phù hợp trên đường băng, đường lăn, sân đỗ, có thể gây nguy hại cho nhân viên hàng không hoặc làm hư hỏng máy bay.
Trên thực tế, FOD ghi nhận ở sân bay thường là mảnh kim loại, thủy tinh, đinh vít, chốt kim loại của các phương tiện hoạt động ở sân bay rơi ra, hoặc là đá, bê tông từ đường băng, đường lăn bị hư hỏng. Cũng có khi FOD là xác chim, xác mèo, trăn, rắn bị máy bay cán trong quá trình cất, hạ cánh.
Các vật thể lạ này có khả năng gây vết cắt, rách ở lốp máy bay, ghim hỏng lốp, làm móp méo thân máy bay, thậm chí làm hỏng lá quạt động cơ máy bay.
Đối với dòng máy bay có kích cỡ như Airbus A321 trở lên, các cụm bánh máy bay thường có 2 cặp lốp được thiết kế để khi một lốp bị hỏng, mất áp suất thì lốp còn lại vẫn đảm bảo máy bay hạ cánh an toàn. Với động cơ, xác suất dị vật văng hỏng cả 2 động cơ cùng lúc ít khi xảy ra.
Thảo luận