Chuyện hài ở Bình Định: Vợ cựu Bí thư Huyện Vĩnh Thạnh quyết không trả lại "đất vàng"

HÀ NỘI (Sputnik) - UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) ra quyết định thu hồi đất vì cho thuê, cấp sổ đỏ không đúng đối với cựu Bí thư Huyện uỷ, cháu cựu Bí thư, vợ cựu Chủ tịch huyện. Tuy nhiên, đến nay những trường hợp này, chưa nộp trả lại sổ đỏ cho Nhà nước.
Sputnik
Ngày 5/7, ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), cho biết, sau khi có kết luận thanh tra, địa phương đã ra quyết định thu hồi đất cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) không đúng quy định với một số trường hợp nguyên lãnh đạo huyện và người thân.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo huyện cho hay:
"Việc thu hồi đang gặp khó vì có trường hợp chưa trả lại sổ đỏ và bàn giao đất cho Nhà nước quản lý. Thậm chí, có người còn khiếu nại, yêu cầu bồi thường".
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) cho biết, đến nay huyện đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thu hồi đất, đối với 3 cha con ông Nguyễn Đình Kim – cựu Bí thư Huyện uỷ, tổng diện tích 138,4ha đất rừng phòng hộ, riêng hộ ông Kim (85ha) và 2 con trai Nguyễn Đình Sơn (30ha), Nguyễn Đình Ngân (23,4ha), bà Võ Thị Ánh Nhạn - vợ ông Trần Công Sý – cựu Chủ tịch UBND huyện (thuê và được cấp sổ gần 0,8ha đất), ông Nguyễn Chí Tranh - cháu ông Nguyễn Đình Kim (thuê và được cấp sổ khoảng 10ha đất).
Chuyện hài ở Bình Định: Nhà cựu Bí thư Huyện Vĩnh Thạnh có sổ đỏ 115 ha đất rừng
Tuy nhiên, đến nay chỉ riêng ông Nguyễn Đình Ngân – hiện đang là Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện, trả lại sổ đỏ.
"Theo quy trình, nếu không trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì huyện sẽ ra quyết định huỷ. Riêng trường hợp ông Nguyễn Đình Kim đồng ý trả lại đất và đã bàn giao cho chính quyền xã quản lý nhưng chưa trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có yêu cầu huỷ những Giấy chứng nhận này", ông Thông cho hay.
Cũng theo ông Thông, với trường hợp bà Võ Thị Ánh Nhạn, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi đất và yêu cầu dừng mọi hoạt động với khu đất gần 0,8ha. Đây là đất di tích, thắng cảnh được UBND huyện cắt cho thuê để xây dựng trung tâm vui chơi giải trí, thể thao và ví như "đất vàng" nằm ngay trung tâm huyện.
"Huyện đã ra quyết định thu hồi đất và yêu cầu dừng mọi hoạt động, thế nhưng quán cà phê trên khu đất này vẫn kinh doanh, như vậy là không đúng. Nếu trường hợp cố tình, huyện sẽ cho cho cắt điện và thực hiện có biện pháp tiếp theo", ông Thông nói.
Ông Thông cho biết, khi ông ký quyết định thu hồi đất thì ông Nguyễn Chí Tranh đã có khiếu nại đối với cá nhân ông và huyện đã ra quyết định, giải quyết khiếu nại.
"Đối với các trường hợp không chịu giao đất thì huyện sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, cưỡng chế theo quy định", ông Thông khẳng định.
Hà Nội ‘xử’ hàng loạt lãnh đạo vụ xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn
Theo kết luận của thanh tra trước đó, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim đã tự viết đơn, chữ ký, làm giúp hồ sơ xin giao đất cho 5 trường hợp đều có quan hệ họ hàng với ông gồm: chị ruột, 3 cháu ruột và con trai (có 4 trường hợp sau đó thực hiện chuyển nhượng, kết quả cuối cùng hơn 138ha đất rừng phòng hộ về tay hộ ông Kim và 2 con trai).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định đang tập trung điều tra xem xét hậu quả của việc giao rừng làm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 138 hécta đất rừng phòng hộ ở huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, vụ việc này được Ban chỉ đạo phòng Chống tham nhũng tỉnh đưa vào diện theo dõi quản lý. Hiện, Công an đang điều tra và tỉnh đang chờ đợi kết luận từ cơ quan điều tra. Việc này Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh đang chỉ đạo rất sát việc này, phải xử đúng người đúng tội.

13 năm xẻ thịt đất rừng

Trước đó, cũng liên quan đến hành vi lấn chiếm đất rừng trái phép, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã ngăn chặn không thực hiện công chứng giao dịch chuyển nhượng, mua bán, tặng cho đối với nhà, đất, tài sản của ông Nguyễn Cao Trí.
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi 40 văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, yêu cầu không thực hiện việc công chứng các hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Nguyễn Cao Trí cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Cao Trí là Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh.
Công ty này chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Đại Ninh) tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng với diện tích quy hoạch gần 3.600 ha, vốn đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 13 năm sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án vẫn chưa được hoàn thiện. Dự án thi công dang dở, nhưng chủ đã để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng kéo dài nhiều năm, gây nhiều hệ lụy cho địa phương.
Xảy ra chuyện lớn với đại gia Nguyễn Cao Trí
Theo báo cáo ngày 20/6/2018, của Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt, tổng diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm hơn 166 ha (bị phá 140 ha, bị lấn chiếm gần 26 ha). Đến năm 2020, tình trạng này không được khống chế, mà còn tăng lên gấp đôi lên hơn 368 ha rừng bị phá và đất rừng bị lấn chiếm.
Năm 2020, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận Thanh tra số 929 công bố nhiều sai phạm tại dự án, yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án KĐT-DL Đại Ninh. Sau đó, siêu dự án này thoát cảnh thu hồi khi Thanh tra Chính phủ thông báo sửa đổi một số nội dung trong kết luận thanh tra, rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án.
Liên quan đến việc này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp Công an Lâm Đồng đã khởi tố ông Nguyễn Ngọc Ánh - Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra hành vi nhận hối lộ có liên quan dự án trên của ông Nguyễn Cao Trí.
Thảo luận