Thống kê trước đó của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu suy giảm
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương công bố ngày 7/7 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng năm 2023 giảm 12,1% so với cùng kỳ, ghi nhận mức giảm sâu hơn so với một số nước trong khu vực ASEAN.
Tính đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu của Việt Nam giảm 12,25% so với cùng kỳ, trong khi của Thái Lan giảm 5,1%, Indonesia giảm 6%, Malaysia giảm 2,3%...
Xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước: xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%...
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...
Khái quát lại bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng vừa qua, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – ông Trần Duy Đông nêu ra 4 đặc điểm nổi bật:
Thứ nhất, hoạt động xuất khẩu đã lấy lại được đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, thể hiện trong tháng 4, tháng 5, tháng 6 tình hình xuất khẩu khả quan hơn tháng trước.
Thứ hai, thặng dự thương mại lớn (12,2 tỷ USD) đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, tạo dư địa lớn cho ổn định chính sách tiền tệ.
Thứ ba, xuất khẩu của khối FDI giảm mạnh hơn khối doanh nghiệp trong nước, phản ánh rõ nguyên nhân khách quan xuất khẩu giảm do tổng cầu thế giới giảm mạnh vì khối FDI có sự liên kết mạnh và chặt hơn các doanh nghiệp của ta trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ tư, xuất khẩu hàng công nghiệp giảm mạnh trong khi hàng nông sản tăng trưởng khá tốt đặc biệt là mặt hàng rau quả, gạo và hạt điều.
Nguyên nhân xuất khẩu Việt Nam sụt giảm
Theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương từ quý III/2022, lạm phát tăng cao, thậm chí đạt đỉnh lịch sử nhiều năm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU...
Giá cả hàng hóa tăng cao dưới ảnh hưởng của lạm phát trong khi thu nhập của người dân không được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, điều này tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Bước sang năm 2023, mặc dù đã thực hiện các biện pháp ứng phó, tuy nhiên lạm phát vẫn ở mức cao và nền kinh tế của các quốc gia vẫn đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế.
Tại Mỹ và các nước châu Âu, nhiều ngân hàng lớn lâm vào bối cảnh khó khăn. Phản ứng chính sách mạnh mẽ hơn của Ngân hàng Trung ương các nước theo hướng thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng tới nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của nền kinh tế, vốn đã gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2022.
“Thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng đã tác động đến nhu cầu nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam”, - báo cáo nhận định.
Thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng bổ sung nguồn hàng lớn, tạo nên sức ép cạnh tranh mạnh mẽ cho hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chính.
Điều này là do cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và Việt Nam khá tương đồng trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chưa tăng trưởng mạnh như kỳ vọng do bản thân Trung Quốc cũng chưa “phục hồi” hoàn toàn sau thời gian dài thực thi chính sách zero-Covid và nhu cầu còn thấp.
Về phía đầu vào phục vụ sản xuất, xung đột Nga và Ukraina diễn biến phức tạp tiếp tục khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao tạo chi phí đẩy giá các mặt hàng xuất khẩu.
Ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã phải thẳng thắn thừa nhận rằng:
“Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đang đối mặt với khó khăn chồng khó khăn, trong đó có việc không có đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí là dừng sản xuất”.
Phân tích nguyên nhân tình trạng xuất khẩu suy giảm, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết - lý do quan trọng nhất - do giảm tổng cầu (do lạm phát cao, suy giảm kinh tế ở các thị trường chính của Việt Nam) và tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng xuất khẩu tương đồng.
Theo đó, những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU… như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản đều sụt giảm rất mạnh.
Thứ hai, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm do cạnh tranh lớn ở nước xuất khẩu.
Thứ ba, một số ngành hàng như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa bị các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu.
Thứ tư, các nước nhập khẩu đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên trong bối cảnh đơn hàng dệt may, da giày sụt giảm, các khánh hàng ưu tiên đạt hàng từ các nước sản xuất đã đầu tư phát triển sản xuất xanh.
Một nguyên nhân nữa cũng không kém quan trọng, theo ông Trần Duy Đông, là mặc dù đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, tuy nhiên chất lượng sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản còn thiếu ổn định, chưa đồng đều.
Trong khi đó, doanh nghiệp chậm đổi mới quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch.
Giải pháp nào?
Nêu giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, mở rộng thị trường, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện 8 giải pháp căn cơ.
Thứ nhất, theo Bộ Công Thương, cần phối hợp tổng hoà để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị nhiều chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn.
Thứ hai, triển khai đồng bộ các chương trình trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và chiến lược phát triển các mặt hàng chủ lực của ta như Chiến lược xuất khẩu mặt hàng gạo.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.
Thứ tư, tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại FTA. Trong đó tập trung vào việc sớm hoàn tất các thủ tục đế tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết Hiệp định thương mại với các thị trường còn tiềm năng (UAE, Mercosur,...); hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho các Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ năm, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với các nước nhất là Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới.
Tiếp đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Các bộ, ban ngành cần tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), cho phép doanh nghiệp tự in C/O từ hệ thống eCoSys của Bộ Công Thương và đẩy mạnh việc khai báo, nộp hồ sơ C/O điện tử, trước mắt là triển khai tốt việc khai báo, nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O mẫu AK và VK điện tử sang thị trường Hàn Quốc.
Ông Trần Duy Đông đề nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Đặc biệt, cần nâng cao tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, nhất là với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch thay vì đi nhỏ lẻ theo con đường tiểu ngạch như trước.