Loạt ông lớn xây dựng Việt Nam bị ‘sờ gáy’, TTCP đề nghị chuyển hồ sơ cho Công an

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ký ban hành kết luận thanh tra thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.
Sputnik
Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính khi thực hiện việc sắp xếp, cổ phần hóa các tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, đồng thời, kiến nghị chuyển 2 vụ vi phạm trong cổ phần hóa sang Bộ Công an.

Kiến nghị chuyển Bộ Công an 2 vụ

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định 2 vụ việc liên quan đến các công ty con của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) và Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen).
Vụ thứ nhất, vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai của Công ty TNHH MTV sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ phát triển nông thôn (Decoimex thuộc Tổng công ty Coma) tại dự án nhà ở Decoimex mở rộng phường 6, phường 9, TP Vũng Tàu, trong đó có diện tích đất khoảng 1.137m2 có dấu hiệu vi phạm Điều 228, 229 Bộ luật Hình sự 2015 về quản lý, sử dụng đất đai.
Vụ thứ hai, vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của Tổng công ty Viwaseen tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Viwaseen Huế, có dấu hiệu vi phạm Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tổng công ty tập trung rà soát, xử lý theo quy định đối với vi phạm về tài chính đã nêu trong kết luận thanh tra với tổng số tiền hơn 5.690 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu 9 tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa xử lý số tiền vi phạm hơn 1.160 tỷ đồng. Trong đó thu nộp ngân sách 753 tỷ đồng, ghi tăng giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp 34 tỷ đồng.
Đối với khoản tiền 4.529 tỷ đồng tại Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem), Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chỉ đạo thu nộp ngân sách khoảng 2.910 tỷ đồng và xử lý đối với khoản chênh lệch giữa vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tại Công ty Vicem Hải Phòng, đảm bảo theo đúng quy định.
Bắt Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty ximăng Vicem Hoàng Thạch

Nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước trong vụ Tổng công ty Viwaseen

Đối với vụ Viwaseen Huế, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Viwaseen - Huế (Viwaseen Huế) có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó góp vốn của Tổng công ty Viwaseen gần 21,6 tỷ đồng (chiếm 35,98%).
Tháng 6/2014, Tổng công ty Viwaseen có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị thoái toàn bộ vốn của tổng công ty tại Viwaseen Huế. Đến tháng 9/2014, Bộ Xây dựng có văn bản đồng ý và Tổng công ty Viwaseen đã thoái toàn bộ vốn đầu tư của tổng công ty tại Viwaseen Huế. Thanh tra Chính phủ nhận thấy, quyết định của Bộ Xây dựng phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Viwaseen trong giai đoạn 2013-2015 thì tổng công ty phải tiếp tục nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên tại 5 đơn vị, trong đó có Viwaseen Huế.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc Bộ Xây dựng có văn bản số 2892/BXD-QLDN ngày 29/9/2014 đồng ý cho Tổng công ty Viwaseen thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty Viwaseen Huế là không đúng với Quyết định số 652/QĐ-BXD ngày 5/7/2013 của Bộ Xây dựng.
Mặt khác, theo báo cáo của Tổng công ty Viwaseen, Công ty Viwaseen Huế được niêm yết cổ phiếu lần đầu năm 2010 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tuy nhiên, do kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2011-2013), nên cổ phiếu của Viwaseen Huế bị hủy niêm yết bắt buộc tại HNX kể từ ngày 23/5/2014. Cổ phiếu Viwaseen Huế được đăng ký trên sàn giao dịch Upcom từ ngày 17/6/2014.
Tháng 6/2014, Tổng công ty Viwaseen có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin chủ trương thoái vốn với phương thức đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh theo nguyên tắc bảo toàn vốn. Trên cơ sở đó, tháng 9/2014 Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận việc thoái vốn. Tổng giám đốc Tổng công ty Viwaseen có các tờ trình gửi Hội đồng quản trị Viwaseen, trong đó nêu rõ công ty đang gặp khó khăn về vốn, nhân sự và phương án kinh doanh nhưng hiện Viwaseen Huế còn có rất nhiều lợi thế kinh doanh và có tài sản lớn, gồm:
Sở hữu khách sạn Heritage Huế đạt chuẩn 3 sao tại vị trí trung tâm TP Huế; chủ đầu tư Dự án siêu thị và cao ốc văn phòng tại ngã 6 giao lộ đường Lý Thường Kiệt - Hà Nội - Nguyễn Tri Phương, TP Huế; đang cung cấp sản phẩm bê tông thương phẩm các loại thuộc dự án trạm trộn bê tông thương phẩm tại thị xã Hương Thủy; dự án khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng tại huyện Hương Trà.
Do vậy, giá trị cổ phần của Viwaseen Huế trên sàn Upcom chỉ là một cơ sở tham chiếu khi xác định giá khởi điểm, đồng thời đề xuất phương thức chuyển nhượng là đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh. Đến ngày 13/11/2014 Hội đồng quản trị Tổng công ty Viwaseen có tờ trình đề nghị Bộ Xây dựng cho phép thực hiện chuyển nhượng cổ phần theo phương án thỏa thuận trực tiếp không thông qua đấu giá.
Bộ Xây dựng có văn bản phản hồi, yêu cầu Tổng công ty Viwaseen thực hiện chuyển nhượng cổ phần theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật về chứng khoán với mức giá bán khởi điểm không thấp hơn 10.000 đồng/CP.
Tổng công ty Viwaseen đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần chứng khoán Đại Dương (OCS) về việc tư vấn, định giá cổ phiếu của Viwaseen Huế. Tại báo cáo tư vấn của OCS, nếu áp dụng mức P/B (giá thị trường so với giá trị sổ sách) trung bình các công ty của ngành bất động sản, khách sạn và ngành xây dựng, vật liệu xây dựng có giá tham chiếu là 13.314 đồng/CP.
Chủ tịch tỉnh Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng bị kỷ luật
Tuy nhiên, đến tháng 12/2014, Tổng công ty Viwaseen ký hợp đồng với Công ty cổ phần vật liệu xây dựng - xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng để chuyển nhượng 1,32 triệu cổ phần, ký hợp đồng với bà Nguyễn Ngọc Bích chuyển nhượng 839.011 cổ phần của tổng công ty tại Viwaseen Huế theo phương thức giao dịch thỏa thuận ngoài hệ thống, giá chuyển nhượng là 10.000 đồng/cổ phần; tổng số tiền thu về là 21,59 tỷ đồng.

“Hội đồng quản trị Tổng công ty Viwaseen không xem xét, áp dụng mức giá tham chiếu theo kết quả định giá, giá trị cổ phần kỳ vọng là 13.314 đồng/CP; thực tế đã phê duyệt, Viwaseen Huế đã bán chuyển nhượng cổ phần với giá 10.000 đồng/CP, theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, không qua đấu giá hoặc chào bán công khai, không đảm bảo nguyên tắc thị trường, vi phạm Quyết định 929/2012 của Thủ tướng Chính phủ, nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, kết luận nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm vụ Công ty Decoimex

Tại kết luận thanh tra cũng nêu, Công ty Decoimex là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc Tổng công ty Coma tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 1.137m2 tại phường 9, TP Vũng Tàu được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho Decoimex với mục đích sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, công ty đã tự ý thực hiện phân lô và ký hợp đồng bán chuyển nhượng 7 lô đất cho khách hàng để xây dựng nhà ở, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.Có 7 hợp đồng chuyển nhượng đã ký từ năm 2003-2005, tổng giá trị hợp đồng trên 3 tỷ đồng, đã thu khoảng 1,5 tỷ đồng và còn 1,567 tỷ đồng chưa thu. Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa phê duyệt phương án sử dụng đất cũng như phương án điều chỉnh quy hoạch đối với diện tích đất này.
Thanh tra Chính phủ còn phát hiện tại diện tích đất 18.960m2, Công ty Decoimex đã ký hợp đồng góp vốn 91 lô đất. Hầu hết các hợp đồng góp vốn đã được ký từ năm 2009-2012. Tuy nhiên chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi Decoimex đã thu của khách hàng trên 144 tỷ đồng, tổng số chi phí cho cơ sở hạ tầng là 50,8 tỷ đồng. Chênh lệch tiền thu chi còn lại (tạm tính) trên 93 tỷ đồng và đến thời điểm thanh tra một số lô biệt thự đã được khách hàng hoàn thiện để ở. Sau khi kết thúc thanh tra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất của dự án này, tuy nhiên Decoimex chưa nộp tiền sử dụng đất đối với dự án mở rộng.
“Các vi phạm nêu trên đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán kết luận, kiến nghị xử lý, đến thời điểm thanh tra Decoimex đã thực hiện một số nội dung, tuy nhiên còn nhiều vi phạm vẫn chưa được thực hiện, xử lý triệt để, cần phải được kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Thanh tra Chính phủ bày tỏ.
Nguyên giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu bị bắt có liên quan đến vụ Lê Minh Xuân

Nhiều sai phạm

Tại kết luận thanh tra được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Bùi Ngọc Lam ký ban hành cho biết, còn nhiều tồn tại, khuyết điểm vi phạm trong cổ phần hoá tại các tổng công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.
Qua thanh tra về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại 10 công ty mẹ - tổng công ty cho thấy, vi phạm về tài chính phải tiếp tục xử lý với số tiền (tạm tính) đến thời điểm thanh tra (31/12/2019) là hơn 5.690 tỷ đồng. Thanh tra việc xác định giá trị một số tài sản, nhà cửa vật kiến trúc trong giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá cho thấy, một số tài sản được xác định giá trị chưa chính xác, thấp hơn quy định, làm giảm giá trị doanh nghiệp.
TTCP cũng chỉ ra rằng, khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Licogi (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) đều có sai phạm. Theo đó, các đơn vị này đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền hơn 1.879 tỷ đồng.
Điển hình như tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền được khai thác khoáng sản đối với các mỏ đá vôi, đất sét tại 3 đơn vị là Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng, Vicem Tam Điệp với tổng số tiền tạm tính là 1.507 tỷ đồng.
Tổng công ty Licogi tính thiếu hơn 348 tỷ đồng tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt. Riêng Viwaseen tính thiếu 23,8 tỷ đồng khi chuyển nhượng dự án khu đô thị An Thịnh 6. Kết luận cũng nêu, quá trình xử lý tài chính để cổ phần hóa Vicem, Vicem Hải Phòng, Vicem chưa xử lý, thu nộp khoản chênh lệch 3.011 tỷ đồng giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là chưa đúng quy định.
“Một số tổng công ty dù thực hiện thoái vốn nhà nước nhưng vẫn còn các khoản đầu tư ngoài ngành, không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, có nhiều rủi ro thua lỗ với số tiền khoảng 147 tỷ đồng”, kết luận cho biết.
Ngoài ra, có 10/16 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý, sử dụng khoảng 1.348.172m2 đất nhưng trong quá trình cổ phần hóa, một số tổng công ty chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tài sản nhà đất. Các đơn vị này cũng chưa hoàn thành phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đáng chú ý, một số trường hợp xây dựng phương án sử dụng đất không đúng quy hoạch sử dụng đất địa phương, theo kết luận thanh tra.
Ngoài ra, nhiều tổng công ty không cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu đất đai theo đề nghị của địa phương. Một số địa phương nhận được văn bản đề nghị của Bộ Xây dựng và các tổng công ty nhưng chưa có văn bản tham gia ý kiến về phương án sử dụng đất, chưa phê duyệt giá đất để xác định giá trị tài sản đất đai phục vụ định giá doanh nghiệp.

Trách nhiệm của Bộ Xây dựng giai đoạn 2011 - 2018

Thanh tra Chính phủ nêu, việc thoái vốn nhà nước tại các tổng công ty có nhiều công ty con, công ty liên doanh, liên kết hoạt động không hiệu quả, thường xuyên thua lỗ kéo dài nhưng các tổng công ty không có phương án xử lý triệt để, ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Bộ Xây dựng yêu cầu Đồng Nai chịu trách nhiệm cho các vướng mắc liên quan đến dự án NƠXH
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra trách nhiệm của Bộ Xây dựng giai đoạn 2011 - 2018; chủ tịch HĐTV, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, ban tổng giám đốc, các đơn vị có liên quan thuộc các tổng công ty; các đơn vị tư vấn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, cổ phần hoá cùng một số UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm trong việc chưa có ý kiến về phương án sử dụng đất, chưa phê duyệt giá đất trong quá trình cổ phần hoá của một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của Bộ và các đơn vị, cá nhân có liên quan giai đoạn trên, xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng.
Đối với các tổng công ty, khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm thuộc trách nhiệm của đơn vị. Trong đó, tập trung rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá đất, kiểm tra, rà soát đối với tài sản đất đai có giá trị, lợi thế thương mại, quyền phát triển dự án, quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ vào giá trị doanh nghiệp. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, không để thất thoát tài sản, vốn nhà nước.
“Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự phải kịp thời báo cáo, chuyển cơ quan điều tra xử lý”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Thảo luận