Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể phải can thiệp khi tỷ giá biến động mạnh thông qua việc bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối hay phát hành tín phiếu trên thị trường mở.
SSI: Dự báo tỷ giá biến động, Ngân hàng Nhà nước có thể phải can thiệp
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành lần thứ tư liên tiếp trong tháng 6, mức giảm lên tới 50 điểm cơ bản ở một số lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất trên kênh OMO và 25 điểm cơ bản cho trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.
Đến nay, đa số lãi suất điều hành đều đã giảm về tương đương giai đoạn 2020 – trong thời điểm NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước đại dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa rõ rệt, NHNN được dự báo sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong nửa cuối năm để hỗ trợ nền kinh tế. Hiển nhiên, điều này làm tăng sức ép với đồng Việt Nam trong những quý cuối năm.
Trong báo cáo mới công bố, SSI Research cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên thực hiện cắt giảm lãi suất chính sách vào năm 2023 và tốc độ khá quyết liệt, tỷ giá USD/VND diễn biến tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, tính đến hết tháng 6, VND tăng 0,21% so với đầu năm (so với USD), vượt trội so với một số đồng tiền trong khu vực. Trong khi đó, CNY mất 5,15%, THB mất 1,95%, JPY mất 10,06%. Theo tạp chí Doanh nhân Việt Nam trích báo cáo của SSI, tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng đến tiền Đồng khá hạn chế nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Trong số này, có thể kể đến như yếu tố mùa vụ (nguồn cung tích cực trong 6 tháng đầu năm nhờ kiều hối), thặng dư thương mại lớn (khoảng 12 tỷ USD) và dòng vốn FDI giải ngân ổn định (10 tỷ USD). Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ khá yếu do nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh (chủ yếu do các đơn hàng xuất khẩu mới không tích cực).
Tuy nhiên, về dài hạn, trong giai đoạn tiếp theo, nhóm phân tích của SSI Research cho rằng áp lực đối với tỷ giá nhiều khả năng sẽ tăng dần (và trên thực tế đã bắt đầu nhích tăng từ đầu tháng 7) khi NHNN vẫn duy trì sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của mình với các ngân hàng Trung ương lớn khác.
“Hiện mức chênh lãi suất USD – VND đang ở mức khá cao và tạo áp lực rút vốn ra khỏi Việt Nam. Bên cạnh đó, giai đoạn này VND còn phải chịu áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI”, - nhóm phân tích chỉ rõ.
Do đó, SSI duy trì dự báo tỷ giá USD/VND (lãi suất liên ngân hàng) là 23.800 vào cuối năm 2023 (tức là mất giá khoảng 0,7% so với năm 2022).
“Tuy nhiên VND sẽ có thể nhiều biến động mạnh trong quý do sự phân kỳ chính sách tiền tệ có thể đạt đỉnh (vì dự báo FED có thể tăng lãi suất hai lần trong quý)”, - báo cáo của SSI lưu ý.
Trong bối cảnh đó, SSI dự báo NHNN có thể sẽ phải thực hiện một số biện pháp can thiệp, bao gồm việc bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối (dư địa còn khá nhiều, khác với giai đoạn 2022) và trong ngắn hạn là thực hiện phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở.
MAS: Lệch pha chính sách tiền tệ
Tại báo cáo vĩ mô ngày 8/7, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho rằng trong ngắn hạn, tỷ giá được kỳ vọng sẽ chịu áp lực tăng do sự lệch pha chính sách tiền tệ khi Việt Nam đã và đang áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại trong khi Mỹ tiếp tục duy trì mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Dù vậy, theo chuyên gia của MAS, hiện có một yếu tố tích cực là chỉ số USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở quanh vùng 101-105 điểm với triển vọng FED sẽ sớm dừng chu kỳ tăng lãi suất, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Ở góc nhìn lạc quan, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng tiền Đồng vẫn được giữ ổn định so với đồng USD do Việt Nam có lợi thế về thặng dư thương mại (nửa đầu năm 2023 là 12,25 tỷ USD), dòng vốn FDI giải ngân ổn định (nửa đầu năm 2023 là hơn 10 tỷ USD), cũng như việc thanh khoản hệ thống được điều tiết tốt.
VDSC: Áp lực mất giá với tiền Đồng từ chênh lệch lãi suất
Nêu quan điểm tương đồng với SSI Research, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nhiều sức ép có thể khiến đồng Việt Nam trượt giá trong 3-6 tháng tới, dù tỷ giá VND tương đối ổn định trong nửa đầu năm.
Chứng khoán Rồng Việt chỉ ra rằng tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã nhích dần lên trong tháng 5/2023 (+0,13% so với tháng 4) và riêng trong tháng 6 tăng 0,4% so với cuối tháng 5.
Trên thị trường phi chính thức, tỷ giá tự do đã tăng 0,8% trong tháng 6. Theo nhóm phân tích, trong nửa đầu năm 2023, chỉ số đồng USD đã có hai nhịp hồi nhẹ nhưng mức đỉnh xác lập ở nhịp hồi thứ hai thấp hơn so với nhịp đầu tiên.
“So với đầu năm, chỉ số đồng USD giảm 0,6% so với cuối năm 2022. Như vậy, chỉ số đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh khi FED dần đi vào chặng cuối của chu kỳ nâng lãi suất”, - VDSC lưu ý.
Cạnh đó, quan điểm về chính sách tiền tệ đang định hình diễn biến của các đồng tiền còn lại. Việc ECB tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ đã giúp đồng EUR tăng nhẹ so với đồng USD trong nửa đầu năm, mặc dù khu vực Eurozone được xác nhận rơi vào suy thoái kỹ thuật trong hai quý liên tiếp là quý IV/2022 và quý I/2023.
Hoặc ở khu vực châu Á, lập trường duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Nhật Bản khiến cho đồng tiền hai nước này tiếp tục mất giá thêm khoảng 5,0% và 9,3% so với đồng USD trong nửa đầu năm nay.
Đối với Đồng Việt Nam, theo VDSC, hiện tại, chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng.
Tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn khoảng 0,3-1,4 điểm % so với lãi suất USD.
“Chênh lệch lãi suất nới rộng hiển nhiên sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), và tạo nên áp lực mất giá tiền Đồng”, - báo cáo lưu ý.
Nhiều yếu tố
Do đó, trong 3-6 tháng tới, nhóm phân tích VDSC chỉ ra rằng có một số tiền đề có thể tăng thêm áp lực mất giá tiền đồng.
Thứ nhất, báo cáo triển vọng nửa cuối năm của đa số các tổ chức tài chính đều cho rằng triển vọng đồng USD nửa cuối năm 2023 là tích cực.
“Kỳ vọng chung là đồng tiền này sẽ neo ở mức cao nhờ lãi suất hấp dẫn và vai trò nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới lao đao”, - theo VDSC.
Thứ hai, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá khoảng 5,2% trong nửa đầu năm 2023, là đáng kể so với mức mất giá khoảng 8,5% trong năm 2022.
“Sự phục hồi tăng trưởng sau mở cửa của Trung Quốc gây thất vọng và chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp diễn trong nửa sau của năm nay đưa đến kỳ vọng đồng NDT sẽ còn mất giá thêm trong năm 2023”, - báo cáo nêu.
Với mức tương quan mạnh giữa đồng VND và đồng NDT, VDSC cho rằng diễn biến “đứng yên” nửa đầu năm khó có thể duy trì được lâu.
Cuối cùng, NHNN đã giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023, đứng về mục tiêu tăng trưởng và hạ bớt tấm khiên về ổn định tỷ giá. Tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện nhiều trong quý III, theo VDSC, cũng là cơ sở để NHNN cân đối giảm tiếp lãi suất điều hành.
“Với những yếu tố trên, chúng tôi cho rằng mức xem xét tiếp theo đối với tỷ giá USD/VND là 24.500. Tỷ giá USD/VND có thể tăng vượt mức này nếu đồng USD tăng tốc mạnh nhưng áp lực có thể không mạnh bằng năm trước do năm nay Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao kỷ lục, lạm phát trong xu hướng giảm và dự trữ ngoại hối đang được tích luỹ trở lại”, - Chứng khoán Rồng Việt bày tỏ.
Theo ghi nhận của Sputnik, sáng 10/7, tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong ngày 10/7 ở mức 23.810 đồng, giảm mạnh 23 đồng so với mức công bố trước.
Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 24.920 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.544 VND/USD.
Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.400 – 24.974 đồng/USD (mua – bán), đi ngang chiều mua và chiều bán so với phiên cuối tuần trước.