Theo Bộ GTVT, nếu không thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, lợi ích kinh tế - xã hội với người dân, doanh nghiệp giữ nguyên như hiện nay. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng giao thông khó tạo đột phá.
Trường hợp không muốn mất phí này, chủ xe vẫn có thể sử dụng các tuyến quốc lộ song hành không mất phí.
Bộ GTVT đề xuất thu phí trên tất cả các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư
Tờ trình Dự án Luật Đường bộ vừa được Chính phủ gửi Quốc hội. Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km phương tiện chạy trên đường.
Để có cơ sở pháp lý thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ bổ sung quy định thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư nhằm luật hóa chủ trương thu hồi vốn đầu tư công để hoàn trả vào ngân sách.
Theo đó, sẽ thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông tính theo số km xe chạy trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Các nguồn thu liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
“Quy định thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư nhằm xây dựng khung pháp lý, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung, đường cao tốc nói riêng nhằm xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế”, Bộ GTVT lưu ý.
Vì sao cần thu phí cao tốc?
Đối với đề xuất thu phí trên tất cả các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT cho rằng, phương án này sẽ thu hút nguồn lực khu vực tư nhân và đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 5.000 km cao tốc.
Thu phí còn giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, nhất là với công trình đường bộ quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao.
Theo cơ quan soạn thảo, người dân, doanh nghiệp tốn thêm phí sử dụng cao tốc nhưng được thụ hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh.
Nếu người sử dụng phương tiện không muốn mất phí này thì vẫn có thể sử dụng các tuyến quốc lộ song hành không mất phí.
Giải pháp thu phí, theo Bộ GTVT, là tương thích với các điều ước quốc tế về giao thông đường bộ mà Việt Nam là thành viên.
Nếu không thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, lợi ích kinh tế - xã hội với người dân, doanh nghiệp giữ nguyên như hiện nay.
“Tuy nhiên, phát triển hạ tầng giao thông khó tạo đột phá. Nhà nước không thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, khó đảm bảo mục tiêu trong 7 năm nữa có 5.000 km cao tốc. Ngân sách Nhà nước chịu gánh nặng, gây áp lực trần nợ công”, Bộ GTVT lý giải.
Đồng thời, cũng sẽ không đảm bảo việc thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với dự án đường cao tốc sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công.
Lý giải thêm về chính sách này, Bộ GTVT cho biết, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393 nghìn tỷ đồng để hoàn thành hơn 2.000 km và khởi công 925 km.
Trong 10 năm tới, yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc lên đến hơn 239 nghìn tỷ đồng, bình quân 24 nghìn tỷ/năm.
Trước đó vào đầu tháng 5/2023, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án thu phí thí điểm 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, sở hữu.
Thời gian thực hiện thí điểm theo cơ chế phí tối đa 5 năm kể từ thời điểm tuyến đường bộ được triển khai thu phí.
Theo Bộ GTVT, hiện nay, pháp luật chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh (dự án BOT) theo cơ chế giá, chưa có quy định về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí.
Nhiệm vụ cấp bách
Thời gian qua, theo đại diện Bộ GTVT, dù đã được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành nhưng đến nay nhiều Bộ chưa cho ý kiến.
Theo quy trình, các Bộ ngành sẽ phải cho ý kiến để Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Chính phủ thống nhất phương án trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tới cho ý kiến, để trình Quốc hội.
Trong nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã đặt nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về thu tiền sử dụng dịch vụ đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước (đầu tư công).
Bộ GTVT cho biết, sẽ hoàn thiện báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét Luật Đường bộ vào kỳ họp cuối năm nay, thông qua vào kỳ họp đầu năm 2024.
Nếu các đề xuất trong dự thảo luật được thông qua, sẽ chính thức luật hoá quy định về thu phí với cao tốc đầu tư công theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành GTVT gần đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng giao các đơn vị liên quan của bộ trong nửa cuối năm, phải sớm hoàn thiện phương án thu phí cao tốc đầu tư công để trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua.
Bộ trưởng Thắng cho rằng, đây là nhiệm cấp bách, bức thiết, do thời gian tới sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc đầu tư công đưa vào khai thác.
“Nhiệm vụ này sẽ được Bộ đưa vào để đánh giá kết quả công việc của các lãnh đạo các đơn vị hàng tháng”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.